22 tuổi tôi bước vào cuộc sống hôn nhân với một người con trai hơn mình 4 tuổi, anh là kỹ thuật viên trong một công ty chuyên về thiết kế. Chúng tôi quen biết nhau khi tôi mới là cô sinh viên năm nhất trường cao đẳng Kinh tế ở Hà Nội. Anh là người đàn ông tốt, luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến tôi.
Chính vì những hành động ân cần của anh khiến tôi tin tưởng và chấp nhận lên xe hoa khi tuổi đời còn trẻ. Lúc nghe con gái đề cập đến chuyện cưới xin bố mẹ tôi phản đối, hai cụ phản đối không phải vì không thích chàng rể tương lai, mà vì lo cho con gái còn quá trẻ con, “bữa cơm chưa nấu nổi”. Mẹ tôi nói, “Mới ra trường chưa nghề nghiệp gì, cơm cháo xưa nay đều là mẹ nấu, bộ quần áo cũng không đến tay thì làm sao có thể về nhà người ta làm dâu. Được dăm ba ngày người ta lại dắt tay trả về thì ê mặt cha mẹ lắm”.
Nhưng vì sự quyết tâm của chúng tôi cũng như lời hứa “con sẽ không để em Linh chịu thiệt thòi. Từ từ sau này em Linh sẽ làm được mọi việc chu đáo. Hai bác cho con được cưới Linh…”. Chẳng cha mẹ nào lại cấm đoán, ngăn cản hạnh phúc của con cái mình cả, vì thế đám cưới của chúng tôi cuối cùng cũng được cho phép.
Sau 5 tháng làm dâu tôi học hỏi được rất nhiều điều từ mẹ chồng mình. Bà là người phụ nữ đôn hậu, hết lòng vì con cái. Tôi thường xuyên được nghe mẹ chồng kể về những chuyện ngày xưa của bà và chồng tôi. Bà thường nói, “bố thằng Quang mất sớm, một mình mẹ nuôi chồng con khôn lớn, bao nỗi tủi hờn mẹ giấu hết vào tim chỉ mong con trai lớn lên công thành danh toại. Nhìn con mình lớn lên từng ngày mẹ mừng lắm, vất vả bao nhiêu cũng được mẹ cam chịu hết.”.
Mẹ chồng tôi là người phụ nữ tài giỏi nhất mà tôi từng biết, chỉ với một gánh hàng rong trên vai bà đã nuôi con trai mình khôn lớn. Bao vết chân chim hằn trên khóe mắt mẹ chồng tôi là bấy nhiêu năm nhọc nhằn, vất vả. Biết được điều đó nên tôi thương mẹ chồng như mẹ đẻ mình vậy, quyết dành những điều tốt đẹp nhất để bù đắp quãng đời khổ cực của bà. Dù không sinh ra tôi nhưng những vết sẹo trên tay, chân mẹ chồng tôi cũng khiến tôi nhói lòng.
Bí mật của chồng tôi nằm trong chính cuốn sổ nhật ký của mẹ chồng tôi. (Ảnh minh họa).
Mẹ chồng tôi luôn khen ngợi con trai mình, bà coi con trai mình như vật báu. Nhìn cách cư xử của chồng tôi đối với mẹ không bao giờ tôi nghĩ chồng mình lại có một quá khứ “kinh hoàng” như vậy, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ điều đó là thật.
Bí mật của chồng tôi nằm trong chính cuốn sổ nhật ký của mẹ chồng tôi. Hôm đó, mẹ chồng tôi về quê lo liệu việc giỗ chạp của dòng họ, chồng tôi đi làm xuyên trưa, còn mình tôi ở lại nhà nên loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Trong lúc thu dọn đồ trong chiếc tủ cũ thì phát hiện ra cuốn sổ nhỏ đã nhàu nát của mẹ chồng tôi. Sở dĩ tôi biết đó là cuốn sổ của mẹ chồng tôi là vì nét chữ của bà xưa nay vẫn không hề thay đổi. Vì tò mò nên tôi bỏ ra đọc, để rồi tôi “đứng tim” khi biết được quá khứ của chồng.
Trong cuốn sổ mẹ chồng tôi đã ghi rõ “Mẹ sinh ra con, con hư mẹ chịu, con đau mẹ cũng chịu, con làm điều hay lẽ phải người ta khen con, khen mẹ biết dạy dỗ con, nhưng khi con hư hỏng người ta chê cười mẹ không biết dạy con. Mỗi lần con trộm cắp đồ của người ta mẹ lại còng lưng trả nợ, van nài xin người ta tha cho con.
Đêm đó con cầm dao dọa đâm mẹ chỉ vì mẹ hết lời “dạy dỗ” con, mẹ đau lòng không phải vì vết dao con chém vào tay mẹ mà đau vì không dạy được con, không thể nuôi con thành người như lời hứa trước lúc bố con ra đi. Mẹ mất ăn mất ngủ, bạc trắng đầu cũng vì con…”.
Hóa ra trước khi trở thành người đàn ông có ích cho xã hội, người con ngoan trong gia đình, người chồng có trách nhiệm… chồng tôi đã từng là một cậu con trai hư hỏng, từng cầm dao dọa giết mẹ, từng đi bụi khắp đây cùng đó. Tôi thương mẹ chồng tôi, lại càng khâm phục bà hơn. Làm sao một người phụ nữ yếu đuối ấy lại có thể một mình chống chọi với cuộc sống khổ cực này?.