Thuốc quá đát, bác sĩ không bằng cấp
Tại thời điểm thanh tra, phòng khám vẫn mở cửa hoạt động và có khoảng chục bệnh nhân đang được khám hoặc ngồi chờ khám. Tuy nhiên, ngay sau khi đoàn xuất hiện và đọc quyết định thanh tra, toàn bộ "bác sĩ" người Trung Quốc lần lượt cởi bỏ áo blouse và tháo chạy.
Atropin, loại thuốc quan trọng trong cấp cứu chống sốc, quá "đát" (date) từ tháng 5/2012.
Khi đoàn đề nghị người quản lý cơ sở, ông Li Jian Hua, xuất trình bằng cấp và giấy chứng nhận hành nghề của các bác sĩ, ông không trưng ra được bất kỳ giấy tờ nào.
Không chỉ vậy, ông Li cũng không xuất trình được bất kỳ hợp đồng lao động nào của toàn bộ nhân viên đang hoạt động, từ điều dưỡng, nhân viên xét nghiệm, người bán thuốc cho đến người phiên dịch.
Tại cơ sở có hai phòng cấp phát thuốc và dịch truyền, nhưng đoàn ghi nhận gần như toàn bộ số thuốc và dịch truyền này đều có xuất xứ nước ngoài, trên nhãn ghi tiếng Trung Quốc, nhưng lại không có giấy phép lưu hành.
Đáng nói hơn là có đến ba loại thuốc hết hạn sử dụng, hai loại xuất xứ từ Trung Quốc và một loại là Atropin, thuốc rất cần thiết trong cấp cứu chống sốc! Bên cạnh đó, còn có nhiều loại thuốc viên nang, hoàn không có nhãn mác và không rõ nguồn gốc. Đoàn đã thu giữ ba bao thuốc để kiểm tra.
Quá nhiều tai tiếng
Cuối tuần qua, theo phản ánh của người nhà bệnh nhân N.T.M.H, ngụ tại Thủ Đức, một số tờ báo ở TP. HCM đã vào cuộc và nhờ công an địa phương “giải cứu” chị H. khi chị bị “giam lỏng” ở một khách sạn gần phòng khám vì không đủ tiền trả chi phí khám chữa bệnh.
Tiếp xúc với anh B., chồng chị H., chúng tôi được biết vợ chồng anh phòng khám đến chữa vô sinh, và mặc dù chọn mức giá 17 triệu đồng/lần chữa, nhưng sau đó phòng khám tính chi phí lên đến… 39 triệu đồng. Do không đủ tiền trả, phòng khám giữ chị H. ở lại và buộc người nhà phải đến thanh toán tiền sòng phẳng mới cho về.
Đây không phải lần đầu tiên phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu áp dụng “chiêu trò” này. Cách đây ba tháng, vụ việc tương tự cũng đã xảy ra.
Chiêu trò thường dùng của cơ sở này là không công khai rõ ràng mọi chi phí khám chữa bệnh, khi bệnh nhân vào tròng, nhân viên mới hét giá trên trời và lúc đó bệnh nhân chỉ còn bấm bụng trả tiền.
Ông Li Jian Hu (giữa), đại diện phòng khám, giải trình sự việc với cơ quan chức năng.
Sáng ngày 18/6, ghi nhận của đoàn thanh tra cho thấy phòng khám có niêm yết giá 20.000 đồng/lượt khám và 100.000 – 200.000 đồng/thang thuốc, nhưng các dịch vụ khác lại không có giá.
Tại thời điểm đó, đoàn cũng gặp một số người dân chờ khám hoặc tái khám. Chẳng hạn, anh V.V.T, 28 tuổi, ngụ tại TP. HCM, vừa được mổ cắt trĩ vào ngày 17/6 với giá 12.300.000 đồng. Sau khi mổ xong, bệnh nhân cũng được lưu lại ở khách sạn kế cận.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là mặc dù phòng khám này chỉ được cấp giấy chứng nhận hành nghề với loại hình hành nghề là “phòng chẩn trị y học cổ truyền”, nhưng phòng khám đã tự tiện mở rộng sang lĩnh vực tây y như truyền dịch, phẫu thuật trĩ, siêu âm, xét nghiệm.
Vì sao một phòng khám Trung Quốc có quá nhiều tai tiếng trong những năm qua vẫn tồn tại và ngang nhiên móc túi người dân Việt Nam? Câu trả lời hoàn toàn nằm ở cơ quan chức năng!