Bi kịch sặc mùi xác thịt của những cô gái ở 'bản cave'

Cái nghề bạc bẽo này chẳng kéo dài được lâu, mấy năm 'dập liễu vùi hoa', qua tay cả mấy trăm khách làng chơi khiến các cô trở nên tàn tạ, nhàu nát.

Từ nhiều năm nay, một số người vẫn gọi bản Lĩnh, xã Mường Pồn (Điện Biên) là “bản cave”. Lý do xuất hiện biệt danh tủi buồn đó bởi đây là nơi có khá nhiều cô gái bỏ bản đi làm nghề mại dâm. Báo động hơn, 5 năm trở lại đây, nhiều phụ nữ ở bản Lĩnh đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người. Huyền thoại dân tộc Thái kể rằng, hoa ban là hiện thân của người con gái nhưng nay ở bản Lĩnh, những “bông ban” đấy đang tàn phai, đang héo úa và vẫn hun hút một lối về.

Bản Lĩnh nằm ven quốc lộ 12, cách TP Điện Biên Phủ hơn 25 km về phía Đông Bắc. Nơi đây vốn nổi tiếng bởi có giống cam quý đã đi vào cả những áng thơ ca bất hủ về Điện Biên Phủ. Nhưng bây giờ, bản Lĩnh lại được người ta biết đến nhiều hơn về một vùng đất phức tạp tệ nạn xã hội. Nhiều năm rồi, không ít cô gái ở bản Lĩnh cứ phổng phao một chút lại rục rịch bỏ bản đi làm mại dâm.

Cái nghề “chị truyền em nối” làm bản Lĩnh nổi danh vì thế. Các chị đi trước về bản đánh bóng vẻ bề ngoài để rủ rê, lôi kéo đàn em. Nhiều cô mới chỉ 16-17 tuổi đã có thâm niên vài năm làm cái nghề tủi nhục này. Không ít cô gái mới 22 tuổi đã “rửa tay gác kiếm” về bản làm lại cuộc đời.

Hơn 5 năm trước, vừa tròn 17 mùa ban nở, Lò Thị Châm nổi tiếng khắp vùng khi sở hữu một vẻ đẹp e ấp, đằm thắm, nhưng rồi cô nhanh chóng bị sa ngã bởi cái mẽ ngoài cùng sự rủ rê của các chị đi “làm ăn xa”. Bước chân vào giới buôn phấn bán hoa, Châm nhanh chóng có “thương hiệu” và đẳng cấp khi chỉ giao dịch với khách hàng xế hộp, các doanh nghiệp hay đại gia lắm tiền nhiều của.

Cái nghề bạc bẽo này chẳng kéo dài được lâu, mấy năm dập liễu vùi hoa, qua tay cả mấy trăm khách làng chơi cô trở nên tàn tạ, nhàu nát. Nhưng Châm cũng chỉ quyết định quay về bản khi trong mình đang mang mầm sống của một gã đàn ông khốn nạn nhất quyết không sử dụng bao cao su khi quan hệ với cô.

Thượng tá Nguyễn Quốc Hương, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên kể khi anh còn là Phó trưởng công an TP Điện Biên Phủ, nhiều lần Đội hình sự phát hiện, tạm giữ xử phạt hành chính Lò Thị Châm về hành vi bán dâm nhưng cầm bản cam kết không tái phạm ra về chỉ một hai hôm sau, công an lại gặp Châm trong một ổ mại dâm khác ở phường Nam Thanh.

Căn nhà sàn của Lò Thị Châm nằm ngay ven quốc lộ 12, giờ được cô sửa sang bán cà phê giải khát. Đứa bé con cô gầy tong teo trong đôi tay chằng chịt gân xanh. Bi kịch hơn, em gái của Châm là Mây cũng theo chân chị làm cái nghề này khi mới 14 tuổi. Không may mắn như chị, chỉ quanh quẩn ở Điện Biên, cuộc đời và số phận đen bạc đã đẩy đuổi cô đi hành nghề cách nhà cả mấy trăm cây số. Mây cũng chỉ chịu quay về bản sau khi bị công an một tỉnh dưới xuôi xử phạt hành chính và trục xuất khỏi địa phương.

Làm gì thì chỉ các cô mới biết nhưng khi quay về bản cô nào cô nấy nhuộm tóc vàng hoe, môi tím bầm, móng tay đỏ chót, nói năng văng mạng, ngôn từ sặc mùi xác thịt

Theo Trung tá Vũ Quốc Thuận, Công an phụ trách xã Mường Pồn, ở bản Lĩnh không thiếu những gia đình rơi vào cảnh éo le và đau đớn như chị em Lò Thị Châm khi cả mấy chị em cùng theo cái nghề tủi nhục này.

Vợ chồng ông Lò Văn Hai ở bản Lĩnh mang tiếng xấu khi cả 5 cô con gái đều rủ nhau đi làm nghề buôn phấn bán hương. Hồi đầu, cô con cả sinh năm 1972, bỏ nhà đi làm, cuối năm đó cô về bản khuân theo nào xe máy, tivi, tủ, dàn hát Tàu réo ư ử suốt ngày đem làm cả bản lác mắt. Theo chân chị, 4 cô em cũng lần lượt kéo nhau “đi làm ăn xa”. Làm gì thì chỉ các cô mới biết nhưng khi quay về bản, cô nào cô nấy nhuộm tóc vàng hoe, môi tím bầm, móng tay đỏ chót, nói năng văng mạng, ngôn từ sặc mùi xác thịt…

Anh Lò Văn Pâng, nguyên Trưởng công an xã. Anh nói về thảm cảnh gia đình ông Lò Văn Hai với giọng chua chát và buồn bã: “Một cô đi làm dưới Hải Phòng mấy năm quay về, tài sản chẳng cho bố mẹ được chi, lại mắc căn bệnh quái ác, người cứ lở loét, không ăn không uống được gầy đét rồi chết. Cô con gái thứ tư thì lang bạt khắp nơi, tài sản duy nhất cô mang về cho ông bà nuôi là một đứa con đỏ hon hỏn, không biết cha nó là ai”.

Ông bà có duy nhất một mụn con trai là Lò Văn Minh nhưng tay này cũng đầu trộm đuôi cướp, nghiện hút ma túy. Hơn 20 tuổi đầu, Minh cũng vài lần vào tù ra tội. Đã qua tuổi thất thập, đến chặng cuối cùng của cuộc đời nhưng dường như ông bà Lò Văn Hai chưa một ngày được hưởng sung sướng, an nhàn.

Chung cảnh ngộ, nhiều gia đình khác trong bản cũng gặp phải nỗi khốn khổ và nhục nhã không kém, ví như gia đình bà Lường Thị Lam có 2 cô con gái thì cả hai đều “đầu quân” cho các nhà thổ ở đâu tận Hòa Bình hay Quất Lâm gì đó, gia đình ông Lương Văn Sơn có 6 con thì 3 đứa nghiện ma túy, 3 cô con gái cũng lần lượt bỏ bản, bỏ ruộng nương đi làm nghề buôn phấn bán hoa…

Anh Pâng cám cảnh nói, bản Lĩnh có hơn 100 nóc nhà, nhưng hiện có đến 27 người nghiện ma túy, trong số này có 4 phụ nữ; gần 30 cô gái vắng mặt thường xuyên tại địa phương. Nhà nghèo khó, bữa đói bữa no nên nhiều gia đình cũng đành phó mặc con gái miễn khi quay về có chút tiền trang trải gánh nợ nần giúp bố mẹ và lo kiếm việc làm cho bầy em ở nhà là tốt rồi. Không ít cô gái bản Lĩnh khi “rửa tay gác kiếm” vẫn có thể lấy chồng tử tế.

Nhưng đôi khi niềm hạnh phúc đó lại khởi đầu cho một sự bất hạnh, bởi nhiều cô hoàn lương đã mang theo cơ thể mình mầm bệnh HIV. Thống kê mới nhất, đến tháng 9/2012 số người nhiễm HIV ( lũy tích) ở xã Mường Pồn lên đến 107 người, 31 người đã chết vì AIDS, trong đó, bản Lĩnh “đóng góp” tới hơn 40% với 44 người. hầu hết những người mang virus quái ác này là các con nghiện và các cô gái từng một thời phiêu bạt giang hồ.

Từ lâu, bản Lĩnh vẫn được mệnh danh là “miền gái đẹp”. Chuyện kể rằng thời vua Thái Đèo Văn Long “trị vì” Tây Bắc, cùng với Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), Chi Luông (Mường Lay), Nậm Củm (Mường Tè), bản Lĩnh là nơi được đám quan lại dưới trướng tìm về để tìm gái đẹp dâng vua. Không biết có phải do khí hậu trong lành, mát mẻ của miền núi đá Pọ Muông và dòng suối Sái Lương trong lành mà con gái bản Lĩnh nổi tiếng xinh đẹp và e ấp như những cánh hoa ban trắng trong, tinh khiết của núi rừng.

Nhưng nhiều năm rồi, không ít “bông hoa ban” này đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng dân bản để chạy theo cái nghề tủi nhục với hi vọng đổi đời. Các cô trở về tóc vàng như đuôi ngựa bạch, quần Jeans trễ, tô điểm là chiếc áo phông rực rỡ sắc màu, làm bầy em choáng ngợp và sẵn sàng bỏ tất cả để mù quáng tìm đường đến nơi sung sướng.

Thậm chí, vài năm gần đây, nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin ở bản Lĩnh đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người. Trung tá Nguyễn Lai Bình, trưởng phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Xã hội, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Từ đầu năm 2011 đến nay, lực lượng công an đã phá 6 chuyên án buôn bán người, trong đó có một số kẻ phạm tội và nạn nhân ở xã Mường Pồn”.

Mới hồi tháng 4, 4 cô gái trẻ mới 17 tuổi ở Mường Pồn cũng bị các bọn buôn bán phụ nữ lừa bán sang Trung Quốc. Trước đó, 3 chị em ruột ở Huổi Chan (giáp ranh với bản Lĩnh) cũng bị bán qua biên giới, giờ vẫn bặt vô âm tín”.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi