Chồng chết đột ngột vì tai biến, hai đứa con trai lần lượt vào tù. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ bên dòng sông đìu hiu, chỉ còn một mình người vợ, người mẹ bất hạnh khuya sớm tảo tần, với niềm ước mong thời gian trôi thật nhanh để mẹ con lại được sum vầy.
Hai đứa con “trời đánh”
Tìm đến nhà bà Thị Thia (61 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước những mất mát, đau thương, mà người phụ nữ này phải gánh chịu. Nước mắt ngắn dài, bà tâm sự: “Tôi sinh được năm đứa con, ba đứa con gái lần lượt đi lấy chồng, chỉ còn lại hai đứa con trai. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chẳng đứa nào được đi học, thành ra cả nhà tôi ai cũng không biết chữ. Cuộc sống nghèo nàn cứ mãi đeo bám dai dẳng”.
Do không có ruộng đất nên cả nhà bà Thia phải đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền. Xuất thân nghèo khó, hai người con trai lớn lên lại lao vào chơi bời, chẳng quan tâm, suy nghĩ đến sự vất vả của cha mẹ. Người con trai ngỗ ngược đầu tiên là Danh Hoàng Anh (SN 1990) là con thứ 4. Người này không có việc làm ổn định lại thường có những thái độ bất kính với cha mẹ. Dù còn trẻ tuổi nhưng Hoàng Anh đã sớm “kết bạn thân tình” với rượu. Mỗi lần say xỉn, hết gây sự với xóm làng, đối tượng lại chân thấp chân cao trở về nhà tìm cha mẹ mắng chửi.
Trong một lần nhậu với đám bạn ở bến phà gần nhà, Hoàng Anh kiếm cớ và đánh một người bị thương khá nghiêm trọng. Người mẹ kể lại: “Tính thằng Hoàng Anh rất ngang bướng, mỗi lần say xỉn là nó chửi luôn cả cha mẹ nó. Hôm nghe tin người yêu đi lấy chồng, nó còn uống thuốc sâu tự vẫn. May mà có người nhìn thấy, can thiệp kịp thời rồi đưa nó đi bệnh viện cấp cứu. Khi xuất viện, nó vẫn chứng nào tật ấy, hết quậy trong nhà lại ra ngoài đường. Chính quyền ấp Thạnh Hưng đã triệu tập, nhắc nhở và cảnh cáo hết mấy lần mà nó vẫn không chừa. Còn tôi và cha nó cũng hết cách với nó rồi”. Dù rất thương con, nhưng khi hay tin con đánh lộn, gây thương tích cho người ta rồi bị công an bắt giam, người mẹ cũng… cảm thấy được yên lòng. Bản án 15 tháng tù cho Hoàng Anh vì tội cố ý gây thương tích tuy không dài, nhưng chừng đó thời gian con trong trại giam, người mẹ già cũng hy vọng con mình sớm thay đổi trở thành người tốt.
Đau buồn vì người con trai thứ nhất chưa được bao lâu, người mẹ già lại khóc hết nước mắt khi tiễn đứa con trai thứ hai vào tù. Người con trai thứ hai là Danh Hoàng Hạnh (1992) cũng theo anh mình vào trại giam vì hủy hoại tài sản. “Khác với thằng anh, thằng Hạnh hiền lắm, bà con lối xóm ai cũng thương. Vậy mà không hiểu sao trong một phút nông nổi, nó lại gây ra chuyện tày trời còn nghiêm trọng hơn anh nó. Thật sự tôi cũng không ngờ được”, bà lão kể.
Một buổi chiều tháng 9/2013, đứa con trai thứ hai trở về nhà trong trạng thái say xỉn. Hạnh ngửa tay xin mẹ 50 ngàn để tiếp tục đi nhậu. Thấy con say, trong nhà lại không có tiền, người mẹ đã cố gắng dung lời ngon ngọt dỗ dành. Những tưởng đứa con út sẽ nghe lời, không ngờ, khi vừa vào tới nhà, ngồi xuống ăn cơm, Hạnh liền kiếm cớ đánh đứa cháu ngoại mới 6 tuổi một cách vô tội vạ. Hạnh quát: “Cha mẹ chỉ thương cháu ngoại thôi, không thương con”. Sau đó, Hạnh xách dao ra chém nát vườn chuối. Vừa thương cháu, vừa sợ, bà Thia kêu chồng mình bế cháu sang nhà hàng xóm lánh nạn.
Khi người mẹ càng khóc lóc, càng khuyên can thì đứa con bất hiếu càng làm càn. Không dừng lại ở việc quậy phá, Hạnh tuyên bố với mẹ rằng: “Người yêu con đã có bầu, mẹ coi chuẩn bị gấp để cưới vợ cho con”. Nghĩ nhà còn nghèo, không có thứ gì đáng giá, lại phải làm thuê làm mướn khắp nơi để lo từng bữa cơm nên bà Thia hẹn với con từ từ rồi hãy tính.
Lời khước từ của bà Thia như một chảo dầu đổ vào lửa, Hạnh hét lên: “Không cưới vợ cho tôi, tôi đốt nhà cho mà xem”. Vừa nói, Hạnh vừa chạy xộc vào nhà lấy chai dầu hỏa tưới lên vách lá rồi châm lửa.
Nhìn ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt, người mẹ già vừa khóc, vừa vội vàng xách từng xô nước từ ngoài sông vào để dập lửa. Thế nhưng nhà lá khô, ngọn lửa bốc lên càng ngày càng hung dữ, mái ấm che nắng che mưa bao nhiêu năm trong phút chốc đã hóa thành tro bụi.
Làm thuê làm mướn dành tiền thăm hai con trai trong tù
Theo thông tin từ lãnh đạo ấp Thạnh Hưng, gia đình bà Thia thuộc diện hộ nghèo trong xã, là người đồng bào dân tộc Khmer, trong gia đình không ai biết chữ. Đã vậy, khi hai đứa con trai nối gót nhau vào tù cũng là khi người chồng đổ bệnh. Ba cô con gái lại lấy chồng xa, cuộc sống cũng lay lắt kiếm ăn qua ngày. Trước tình cảnh đó, một mình bà Thia phải chạy ngược chạy xuôi, vừa lo thăm chồng trong viện, vừa lo thăm con trong trại giam. Sự cố gắng của bà chưa có kết quả thì người chồng đột ngột qua đời sau một cơn tai biến. Những tai họa liên tục ập xuống, khiến người vợ, người mẹ già nua như ngã quỵ.
Người mẹ khốn khổ nói trong nước mắt: “Trong vòng chưa đầy bốn tháng, tôi đã phải liên tiếp đón nhận những tin buồn. Đầu tiên là việc thằng con trai lớn đánh người rồi bị bắt. Tiếp đến là thằng con trai thứ hai đốt nhà rồi cũng ngồi tù 9 tháng. Rồi cái chết của chồng nữa. Tất cả đều quá nghiệt ngã đối với tôi. Mới hôm nào, căn nhà vẫn có bốn người. Vậy mà loáng một cái, giờ đây chỉ còn mình tôi thui thủi, nồi cơm nấu ra từ sáng tới tối vẫn không tài nào ăn hết.
Nhiều lúc buồn chán và tuyệt vọng, tôi từng nghĩ quẩn. Nhưng thương hai đứa con trong tù, tôi phải gắng sống, gắng làm thuê làm mướn để có tiền đi thăm chúng nó”.
Nghe tiếng khóc đau khổ của người mẹ trong căn nhà lá nhỏ bé, chúng tôi không khỏi động lòng thương cảm. Cuộc đời bà đã phải chịu quá nhiều khổ cực, thiệt thòi và mất mát. Lần về quá khứ của người phụ nữ đáng thương, được biết trước khi lấy bà, chồng bà là người đàn ông chết vợ và đã có 4 người con riêng. Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết tâm đến với nhau.
Khi nhắc đến hai đứa con bất hiếu người mẹ tâm sự: “Chúng nó phạm tội, bị pháp luật trừng phạt là đúng. Nhiều khi tôi cũng giận lắm, nhưng con tôi thì tôi phải thương, làm sao mà bỏ rơi được. Cũng tại tôi làm mẹ mà không tốt. Không cho con ăn học đàng hoàng, đến khi con lớn lại không có tiền cưới vợ cho con”.
Trước tình cảnh éo le của gia đình bà Thia, người dân ấp Thạnh Hưng đã đồng lòng gom góp tiền bạc, công sức để dựng lại một ngôi nhà khác.
Sức khỏe lại chẳng được bao nhiêu, nên bây giờ mỗi ngày công, bà Thia chỉ nhận được 100 ngàn. Ai kêu gì bà làm đó, số tiền có được bà để dành không dám tiêu xài. Thời gian rảnh bà hái rau, bắt ốc bán kiếm tiền để dành làm lộ phí đi thăm hai con. “Khi nào nhớ con, tôi lại bắt xe lên trại giam thăm tụi nó. Mấy lần tôi lên thăm, tụi nó đều khóc, hứa sẽ cải tạo thật tốt, để sớm về với mẹ, phụ giúp tôi và kiếm tiền cưới vợ, không làm tôi buồn nữa”, người mẹ cười héo hắt.