Bi kịch của cuộc hôn nhân 'siêu tốc'

Phiên tòa xét xử nữ bị cáo Ngô Thanh Huyền (33 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị truy tố về tội “Giết người” diễn ra với tâm trạng trầm lắng của những người trong cuộc.

Bị cáo đã một lần lỡ làng nhưng dừng như chưa thấm những bài học hôn nhân đã vội vàng cưới một người cuồng ghen làm chồng. Hệ quả đau lòng là chẳng những hạnh phúc không đạt được, Huyền lại đánh mất tất cả…

Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Huyền khóc nức nở khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, cho rằng do khủng hoảng tâm lý nên không kiểm soát được bản thân. Câu chuyện éo le của Huyền khiến những người dự khán cảm thấy cô vừa đáng thương, vừa đáng trách. Sinh ra trong một gia đình nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, Huyền cũng như biết bao thiếu nữ khác, cô lên xe hoa về nhà chồng khi vừa tròn đôi mươi.

Chồng Huyền là một thanh niên cùng ấp, hiền lành và chăm chỉ nhưng “nhu mì” đến mức không hoạch định được tương lai cho gia đình. Lấy nhau được hơn hai năm, vợ chồng Huyền sinh một lèo hai con. Đó thực sự là quãng thời gian Huyền hạnh phúc nhất, cuộc sống nơi miệt vườn quanh năm lam lũ tuy vất vả nhưng căn nhà nhỏ luôn ấm áp bởi tiếng bi bô của những đứa con thơ.

Ảnh minh họa.

Làm ăn vất vả quanh năm nhưng kinh tế gia đình mãi không khá lên được nên Huyền được một người bạn rủ lên TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương làm công nhân. Một buổi tối, Huyền nhìn hai đứa con suy dĩnh dưỡng đang nằm ngủ mà thấy lòng xót xa, cô tâm sự với chồng về việc có thể cải thiện thu nhập bằng cách đi làm công nhân, nếu tăng ca nhiều có thể kiếm được dăm triệu đồng/tháng, nếu chắt bóp gửi về thì có thể cải thiện cuộc sống. Chồng Huyền suy nghĩ đơn giản, thấy cái lợi trước mắt nhưng không lường được sự phức tạp trong hoàn cảnh “xa mặt cách lòng” nên đồng ý. Vậy là Huyền khăn gói rời quê lên vùng đất xa lạ bắt đầu một công việc mới.

Trong quãng thời gian làm công nhân, Huyền không quản ngại vất vả, cô tăng ca liên tục và chắt bóp gửi về quê để chồng nuôi con. Điều bất hạnh cho Huyền là khi có tiền trong tay, người chồng lại lãng quên sự vất vả của vợ, nướng sạch vào những trò cờ bạc “chỉ có rủi mà không có may”. Cho đến một ngày, Huyền bàng hoàng khi người chồng gọi điện thông báo “hung tin” đã lỡ đánh bạc hết tiền và hiện đang nợ hơn 100 triệu đồng. Huyền đau khổ nhưng vẫn vay mượn tiền gửi về quê, tuy nhiên, sau sự rạn nứt trên, tình cảm vợ chồng Huyền xem như đứt gánh giữa đường.

Lẽ ra sau lần vấp ngã đầu đời, Huyền phải trưởng thành hơn trong suy nghĩ, vậy nhưng cô vẫn dễ dãi để rồi sa vào một bi kịch đau lòng hơn. Thông qua quan hệ xã hội, Huyền quen biết với anh Trần Văn Tùng, một người đàn ông có nhiều điểm chung. Tùng từng có vợ và con trai nhưng đã ly hôn, sự cảm thông khiến Huyền nhanh chóng xích lại gần Tùng, họ chóng vánh dọn về chung sống như vợ chồng và có với nhau một đứa con. Tuy nhiên, sự tái hôn vội vã khiến Huyền không hiểu hết được bản tính của người chồng mới. Dù đã sống chung với Huyền nhưng Tùng lại luôn bị quá khứ của người vợ ám ảnh. Mỗi lần thấy Huyền gọi điện về quê hỏi thăm hai con, Tùng chẳng những không thông cảm mà còn tỏ thái độ bực dọc.

Huyền khai tại phiên tòa: Biết chồng ghen tuông mù quáng nên ban đầu Huyền đã tế nhị tránh việc gọi điện về quê, tuy nhiên, Tùng vẫn âm thầm theo dõi và thường xuyên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” một cách tàn nhẫn. Huyền buồn bã nên chủ động ôm con ra ở riêng. Ly thân được một thời gian, Tùng lại điện thoại cho Huyền xin lỗi và mong được đoàn tụ. Huyền nghĩ người chồng có thể đã biết cảm thông nên đồng ý gặp mặt.

Trong lần ngồi ăn chung, Tùng bực bội nên lại lôi quá khứ của Huyền ra kể lể. Huyền ức chế tâm lý nên yêu cầu Tùng im lặng, Tùng tiếp tục cho rằng Huyền chỉ là kẻ “đạo đức giả”. Ngay lập tức, Huyền rút con dao để sẵn trong giỏ đâm Tùng, do quá bất ngờ nên Tùng không kịp trở tay, gục xuống quán ăn. Sau khi gây án, Huyền lấy xe chở con nhỏ đến thẳng cơ quan Công an đầu thú. Tùng được quần chúng đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó.

Vị Hội thẩm nhân dân hỏi Huyền: “Nếu hạnh phúc hôn nhân không đạt được thì bị cáo có thể chọn giải pháp chia tay, tại sao lại tước đoạt sinh mạng người khác?”. Huyền nức nở: “Bị cáo đã phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác, do tâm lý bị ức chế mà không tỉnh táo lựa chọn cho mình giải pháp đúng đắn. Giờ bị cáo hối hận thì đã muộn mất rồi”. Cái giá Huyền phải nhận là mức án 13 năm tù về tội “Giết người”. Sự an ủi duy nhất cho bị cáo là người chồng cũ đã nhận nuôi các con của Huyền, để bù đắp những mất mát mà anh đã gây ra cho vợ. Qua vụ án, bài học cho tất cả mọi người là hãy sống có trách nhiệm với bản thân, với sự lựa chọn trong hôn nhân, sự vội vã, hành xử thiếu kiềm chế có thể sẽ phải trả giá rất đắt.