Đèo con nhỏ đi chở gỗ lậu
Chị Nguyễn Hồng Quế (SN 1975, tại thôn Gò Mãm, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), với dáng vẻ xinh đẹp và cách ăn nói dịu dàng, ít người biết chị chính là một trong những "nữ quái xế" khét tiếng một thời ở "lãnh địa gỗ lậu".
Được biết, con đường nối xã Yên Thịnh (Hữu Lũng - Lạng Sơn) với xã Trấn Yên (Bắc Sơn - Lạng Sơn) là tuyến đường "độc đạo" của cánh lâm tặc chặt phá, buôn lậu gỗ ở rừng đặc dụng Hữu Liên. Đã từ lâu, rừng đặc dụng Hữu Liên vẫn là điểm nóng về nạn buôn gỗ lậu. Đây từng được mệnh danh là "thủ phủ" của rất nhiều gỗ quý như: Nghiến, lim, sến, gụ… Vì cái lợi trước mắt, nhiều người dân đã tiếp tay cho lâm tặc tàn sát rừng. Chính họ cũng vào rừng xẻ gỗ và buôn lậu gỗ.
Chị Quế cho biết, ở xã này có rất nhiều đàn bà chuyên vào rừng chặt gỗ và kiêm luôn nghề cửu vạn gỗ lậu. "Chúng tôi đem cưa lên núi chặt cây và vác gỗ xuống chân đồi, sau đó chất lên "ngựa sắt" (xe thồ - PV) chở đến các "đầu nậu". Phương tiện chủ yếu là các loại xe Win, Minks… được gắn những giá thồ bằng thanh sắt "độ", to như ngón chân cái. "Nữ quái xế" có thể chở được hơn tạ gỗ mà vẫn chạy bon bon xuyên qua các cánh rừng" - Chị Quế nói.
Kiểm lâm cũng rất khó bắt được những nữ quái xế chuyên nghiệp chở gỗ lậu. Chị Quế tiết lộ: "Chúng tôi là người địa phương nên thông thuộc từng cung đường, vạt núi. Chỉ thấy bóng dáng kiểm lâm là chúng tôi đã định hình sẽ "én" lối nào tắt và nhanh nhất. Ở mỗi lối thoát đã được bố trí "chim lợn" theo dõi lực lượng chức năng, chỉ cần xe chúng tôi phóng qua, "chim lợn" sẽ lập tức dùng vật cản chắn đường. Đội quân cửu vạn đã nhiều lần tẩu thoát ngoạn mục trước mắt lực lượng kiểm lâm như vậy đấy!".
Chị Quế cho hay, trong những chiến dịch vây bắt của ban quản lý rừng Hữu Liên hoặc trạm kiểm lâm, thậm chí có thêm đội tăng cường của hạt Kiểm lâm huyện, các chị vẫn có thể "qua mặt". "Để vận chuyển gỗ lậu bí mật, chúng tôi chở từng khúc gỗ nhỏ rồi mông má bên ngoài một ít củi khô… và thản nhiên như "chở củi" về nhà. Nếu nói về độ liều, có lẽ những "quái xế" nam giới cũng phải nể sợ cánh "quái xế" nữ chúng tôi.
Chỉ cần thấy có xe chặn hay rào rắn mà không kịp quay đầu xe, các chị sẵn sàng tháo gỗ rồi chạy thoát thân với tốc độ chóng mặt. Nhưng, có chị bị kiểm lâm vây xe vẫn cả gan gào thét ầm ĩ: "Tao đang muốn chết đây! Thằng nào muốn chết cùng tao thì lao vào!". Vừa hô, chị ta vừa rồ ga, nhảy số và lao điên đảo. Liều lĩnh hơn nữa, có chị còn đem con nhỏ đi chở gỗ mà vẫn phóng bạt mạng. Khi gặp kiểm lâm, chị ta hô hét toáng lên: "Có con nhỏ! chết con tôi các ông đền đấy!...".
Nhiều người dân cho biết, cũng đã có rất nhiều trường hợp cửu vạn "đổ máu" trên "lãnh địa gỗ lậu" này. Nhiều cuộc tháo chạy của những "quái xế" đã phải trả bằng máu, thậm chí bằng mạng sống của chính mình và người thân. Vì chạy trốn kiểm lâm, có người đã lao cả người và xe xuống vực chết thảm. Có người bị gỗ đè gẫy chân, gẫy tay, thương tật và sau đó trở thành gánh nặng cho gia đình.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Sau bao năm trời ròng rã kiếm tiền từ gỗ lậu, một số cửu vạn đã nhận ra mình đã phải trả một cái giá quá đắt. Ở nơi chỉ toàn núi đá này, ruộng đồng thì ít, nhiều người dân chẳng có nghề ngỗng gì, nguồn thu nhập từ những cây gỗ rừng vẫn được coi là nguồn chủ yếu để cải thiện cuộc sống. Thậm chí, có người làm giàu từ việc làm gỗ lậu. Vì cái lợi trước mắt, người dân đã đổ xô vào rừng chặt phá, khai thác gỗ.
Chị Nguyễn Hồng Quế - "nữ quái xế" một thời ở lãnh địa gỗ lậu
Chị Tuyến cũng là một cửu vạn khét tiếng ở "lãnh địa gỗ lậu" này. Sức khỏe, tay lái "lụa" và độ liều của chị cũng không thua kém gì cánh nam giới. Một mình chị có thể vác được cả khúc gỗ nặng hàng tạ từ thung lũng núi đá ra đến bìa rừng. Chỉ cần có thanh sắt chống xe, một mình chị cũng tự buộc khúc gỗ nặng một cách chắc chắn. Nhìn thấy chị đi xe, nhiều người cũng phải lạnh tóc gáy. Đối với "nữ quái xế" này, bất kể đường rừng, đường núi đá hay cánh đồng, con suối, chị vẫn băng băng vượt qua.
Người dân bảo rằng, chưa ai nhìn thấy chị ngã xe bao giờ. Kể cả trong trường hợp nguy hiểm bất ngờ, mặt chị vẫn "lạnh tanh" để xử lý. Có lần, nhìn thấy đội kiểm tra liên ngành của hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng và trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên chặn lại, vẫn vẻ mặt không biến sắc, chị nghiêng xe, giật mạnh dây chằng khúc gỗ, đồng thời tay kia rồ ga, chân nhảy số. Khi khúc gỗ rơi xuống đến đất, chị cũng đã quay được xe.
Với tay lái lụa của "nữ quái xế" đồng rừng này, đội kiểm tra cũng đành chào thua. Thế nhưng, "nữ quái xế" ấy cũng bị thương tật vì cái nghiệp chở gỗ lậu của mình. Vì chở quá nhiều, trong một lần phanh gấp, đống gỗ theo quán tính đè gẫy sống lưng. Cả cuộc đời kiếm tiền từ gỗ lậu cũng không đủ để chữa trị. Giờ đây, sức khỏe đã không còn, chị giã từ nghề "quái xế" trong cay đắng.
Cũng giống như chị Tuyến, chị Quế đã kịp thời quay lại cuộc sống lương thiện khi phải trả giá quá đắt vì lợi ích trước mắt. "Năm 2009, chồng tôi bị ốm và mất vì lao lực do làm việc quá sức. Số tiền tôi tích cóp bao nhiêu năm trời cũng chẳng đủ chữa bệnh cho chồng. Khi chồng mất, tôi cũng chỉ ở vậy để nuôi con".
Chị cũng bỏ nghề làm gỗ lậu từ khi chồng đã mất: "Có lẽ, đó là cái giá phải trả cho những hành động phá rừng của mình. Ngẫm về cuộc đời, tiền bạc cũng chẳng là gì. Bây giờ, tôi sẽ cố gắng chăm sóc gia đình, chịu khó dậy sớm bán hàng kiếm đủ tiền lo cho con ăn học thành người. Tôi sinh được hai cháu, cháu lớn đang học trường nghề dưới Hà Nội, còn cháu thứ hai cũng đang học cấp ba, năm tới sẽ thi đại học…".