Chín bị cáo đã xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời xin được sống để có cơ hội minh oan.
Không cần phải hủy án
Trước đó, phần tranh luận tại tòa đã diễn ra căng thẳng khi các luật sư cho rằng đại diện Viện kiểm sát (VKS) không đưa ra được chứng cứ buộc tội và lập luận cụ thể để đối đáp làm rõ các vấn đề mà luật sư yêu cầu.
Cụ thể, các luật sư cho rằng vụ án còn nhiều khuất tất, tội tham ô tài sản chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) là chưa thuyết phục. Về tội cố ý làm trái thì chứng cứ buộc tội không rõ ràng, lỗi là do cơ chế, thiếu văn bản, thiếu quy định chặt chẽ của pháp luật, thiếu sự giám sát của cơ quan nhà nước... Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn, cho rằng việc các bị cáo chia nhau số tiền 1.666.000 USD là hành vi trục lợi bất chính của tội cố ý làm trái, vì thế không thể nằm trong tội tham ô. Luật sư Hưng cho rằng một hành vi khách quan được xác định cho hai tội danh là không chính xác. Các luật sư khác đều kiến nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ hành vi tham ô tài sản.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng vụ án đã đầy đủ chứng cứ. Bản luận tội của VKS đã nêu rất rõ hành vi phạm tội, đã áp dụng rất cụ thể các điều luật, điều khoản để quy trách nhiệm dân sự, hình sự cho các bị cáo. VKS có đủ căn cứ để chứng minh việc các bị cáo tham ô tài sản, lời khai của bị cáo Sơn chỉ là một trong sáu căn cứ để VKS kết luận về tội này. Đại diện VKS thừa nhận lời khai của bị cáo Sơn về việc đưa tiền có một số mâu thuẫn nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, vì thế không cần phải hủy án điều tra lại vì các chứng cứ đã rõ ràng.
Một số luật sư cho rằng việc tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo phải bồi thường dân sự khi Vinalines chưa có đơn yêu cầu là vi phạm pháp luật. Đối đáp vấn đề này, đại diện VKS cho biết: “Đây là dân sự trong hình sự, Bộ luật hình sự đã có quy định rất rõ người gây ra hành vi phạm tội phải bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra. Không cần Vinalines có đơn yêu cầu mới bồi thường. Nếu Vinalines không đòi bồi thường thì Nhà nước mất tiền à?”.
Một đồng cũng là tiền của dân
Về việc các luật sư cho rằng tiền mua ụ nổi không phải của Nhà nước, đại diện VKS cho rằng Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vì vậy tiền mất đi một đồng đều là tiền của Nhà nước, là mồ hôi nước mắt của dân. Vinalines có vay ngân hàng để mua ụ nổi, gây thất thoát bao nhiêu thì Nhà nước phải trả, dân phải trả chứ không phải ai khác.
Tại tòa, các luật sư cũng đề nghị VKS đánh giá bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow (giám đốc công ty bán ụ nổi) mà luật sư đã cung cấp. Đại diện VKS cho biết đã xem kỹ bản tuyên thệ. Theo đại diện VKS, dù tại bản tuyên thệ ông Goh không thừa nhận việc thỏa thuận chia tiền “lại quả” nhưng ông Goh khẳng định đã biết Dương Chí Dũng từ lâu. Tại bản tuyên thệ, ông Goh khẳng định việc thanh toán tiền mua ụ nổi theo hình thức tín dụng thư. Ông Goh khẳng định có việc chuyển 1.666.000 USD về VN, vì thế có thể khẳng định việc tham ô tài sản là có.
14h chiều nay (25/4), tòa tuyên án.
Trực tiếp Tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm
Bị cáo rất hối hận “Với cương vị là cán bộ quan trọng của Vinalines đã để ra sai phạm tiêu cực nghiêm trọng như thế này, bị cáo rất hối hận, những ngày qua rất đau khổ trong trại... Bị cáo muốn làm điều gì đó cho ngành nhưng không thành công, giờ thành tội cũng là điều đau đớn với bị cáo. Bị cáo thành khẩn, rất ăn năn. Bị cáo sẽ vận động gia đình, dù bao nhiêu đi nữa cũng bán để khắc phục trách nhiệm, nếu bị oan bị cáo vẫn khắc phục. Nhưng cho bị cáo được sống để đến lúc được minh oan. Nếu không đến lúc đó không còn gì nữa. Xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân và mong xem xét cho bị cáo”. (Bị cáo DƯƠNG CHÍ DŨNG nói lời sau cùng tại tòa) |