Bí ẩn vệ tinh Nga Kosmos 2499

Nga có thể đang bí mật thử nghiệm một thiết bị diệt vệ tinh trên quỹ đạo làm dấy lên quan ngại về tham vọng vũ khí không gian của Moscow.

Vệ tinh Kosmos 2499, vật thể 2014-28E hoặc NORAD 39765 là những cái tên được dùng để chỉ một vật thể bí ẩn đang thu hút sự chú ý của các tổ chức quân sự, cơ quan vũ trụ phương Tây lẫn giới quan sát vệ tinh nghiệp dư trên thế giới. Tính đến hôm qua, Kosmos 2499 được phát hiện trên bầu trời bờ tây nước Mỹ và tiếp tục có những hướng di chuyển bất thường, theo website N2YO. Tờ The Financial Times cho biết sau khi lọt vào tầm ngắm của các nhà quan sát nghiệp dư, giờ đây vật thể trên đã trở thành mục tiêu của Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD).

Vệ tinh giấu mặt

Kosmos 2499 đã tách khỏi tầng trên của tên lửa đẩy hồi năm trước và từ đó bắt đầu đuổi theo bộ phận này. Vệ tinh trên được phóng vào ngày 25/12/2013 trong một sứ mệnh có vẻ bề ngoài bình thường là nhằm bổ sung vệ tinh viễn thông Rodnik mới vào hệ thống vệ tinh quân sự của Nga. Ban đầu NORAD cho rằng Kosmos 2499 chỉ là rác vũ trụ. Tuy nhiên, đến tháng 5/2014, chính phủ Nga thông báo với LHQ rằng vụ phóng vào cuối năm ngoái trên thực tế đã đưa tổng cộng 4 vệ tinh lên quỹ đạo chứ không phải 3 như đã biết. Trong khi đó, các nhà quan sát vệ tinh bất ngờ khi phát hiện vật thể “rác” có vẻ như sử dụng động cơ để thực hiện một loạt các hoạt động điều chỉnh vị trí một cách bất thường và thay đổi quỹ đạo ban đầu của nó.

Sau một vài chuyển động khó hiểu từ tháng 8 đến tháng 10, sự bí hiểm của vệ tinh trên đã lên đến mức cao trào vào ngày 9/11, khi Kosmos 2499 tiến sát bộ phận tên lửa đẩy Briz-KM đã đưa nó lên quỹ đạo. Theo BBC dẫn lời nhà quan sát vệ tinh Robert Christy, Kosmos 2499 có vẻ như nằm cách tầng trên của tên lửa Briz-KM chỉ vài chục mét, điều này cho thấy nó đã bắt được mục tiêu và sứ mệnh đã hoàn tất. Cũng chính ông Christy là người đặt nghi vấn về danh tính cũng như mục đích của vệ tinh Nga hồi tháng 8, và từ đó đánh động các cơ quan hàng không và quân sự phương Tây. “Kosmos 2499 có lẽ là thiết bị kiểm tra vệ tinh? Mục tiêu nhiều khả năng nhất của nó chính là tên lửa Briz-KM đã phóng nó”, theo nhận xét trên Twitter của nhà quan sát không chuyên.

Vũ khí diệt vệ tinh đã bắt đầu được phát triển vào thập niên 1950. Theo Reuters, Liên Xô đã phát minh Istrebitel Sputnik (vệ tinh chiến đấu) vào đầu những năm 1960, đây là vệ tinh được thiết kế để bay áp sát các vệ tinh đối thủ và kích nổ đầu đạn để tiêu diệt mục tiêu. Nhưng sau đó Nga đã chính thức hủy bỏ chương trình này, trong khi các nước như Trung Quốc và Mỹ mấy năm gần đây đã lần lượt thử nghiệm các vũ khí phá hủy vệ tinh từ xa. Hồi năm 2000, một vệ tinh Anh cũng đã được triển khai cho sứ mệnh tương tự.

Thiết bị kiểm tra vệ tinh được thiết kế để do thám vệ tinh khác và chụp ảnh hoặc nghe lén các hoạt động truyền tin và dữ liệu của mục tiêu. Tuy nhiên, phía phát triển có thể sử dụng công nghệ này để phá hỏng hoặc tiêu diệt vệ tinh đối thủ, hay nói chính xác là vũ khí diệt vệ tinh. Cũng có thể nó chỉ là một công cụ hữu dụng của các nhà vận hành vệ tinh dân sự, cho phép họ kéo dài thời gian phục vụ của các tài sản giá trị cao trên không gian thông qua dịch vụ bảo trì, tiếp nhiên liệu hoặc sửa chữa trực tiếp trên quỹ đạo. Thế nhưng, dưới cái nhìn đầy nghi ngờ của các thế lực không gian như Mỹ và Trung Quốc, Nga không thể chỉ tốn công thử nghiệm công nghệ trên thuần túy vì mục đích dân sự. Phía Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi về vụ việc.

Đường đua tam mã

Trong lúc báo chí phương Tây đưa tin kiểu “hành động khiêu khích quân sự của Nga có thể đã mở rộng lên tới quỹ đạo”, hoặc “quan ngại sâu sắc về tham vọng sở hữu vũ khí không gian của Điện Kremlin”, tờ The Moscow Times dẫn lời giới chuyên gia cho hay Nga không phải là thế lực không gian duy nhất phát triển vũ khí diệt vệ tinh. Trong năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều thử nghiệm các sứ mệnh tương tự. Cụ thể, vào ngày 28/7, không quân Mỹ phóng vệ tinh ANGELS (viết tắt từ Thử nghiệm dẫn đường và chuyển động tự hành trong không gian gần). Nó được thiết kế để di chuyển xung quanh tầng trên cùng của tên lửa đẩy Delta 4 và có thể tự điều khiển hoạt động của mình với rất ít sự can thiệp từ trạm kiểm soát dưới mặt đất. Để làm được điều này, phía Mỹ cài đặt các hệ thống trí thông minh nhân tạo phức tạp cho vệ tinh.

Về phần Trung Quốc, vệ tinh Thực tiễn số 15 dường như thực hiện sứ mệnh tương tự như của Kosmos 2499. Được phóng lên quỹ đạo vào ngày 19.7.2013, nó liên tục tiếp cận và theo sát vệ tinh Thực tiễn thứ 7, một vệ tinh cũ hơn cũng của nước này. Đáng chú ý hơn nữa là một vệ tinh khác cũng được phóng cùng Thực tiễn 15 có thể đã sử dụng cánh tay robot để thả và bắt lại một vệ tinh đồng hành nhỏ hơn. Những hệ thống như vậy có tiềm năng được sử dụng để phá hoại vệ tinh của nước khác, nhưng cũng có thể Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ này cho trạm không gian trong tương lai của mình.