Không chỉ lạ bởi dáng hình, niên đại mà rặng duối cổ từng được vinh danh Cây di sản Việt Nam còn tạo nên những sắc màu huyền bí khó lý giải...
Khí thiêng “đất hai vua”
Từ lâu, thôn Cam Lâm (xưa gọi là ấp Cam Lâm, xã Đường Lâm) được coi là vùng đất địa linh, với sự hiện diện của của hai đời vua lẫy lừng lịch sử nước nhà. Vượt qua mọi giới hạn thời gian, mảnh đất hai vua vẫn còn đó những chứng tích lịch sử năm nào, đặc biệt là rặng duối cổ bên kia đồi Hổ Gầm, nơi mà một trong hai vị vua một thời đã dừng chân và tập trận...
Ngược trung tâm thủ đô chừng 40km, từ thành cổ Sơn Tây, theo quốc lộ 32, chúng tôi tìm đến Đường Lâm-“mảnh đất hai vua”, nơi còn lưu giữ dáng dấp của một làng quê Việt cổ với hàng loạt di tích: Làng cổ, chùa Mía, đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh. Càng đặc biệt hơn, trong chuyến đi ngày hôm ấy, chúng tôi được nghe các cụ trong làng kể về rặng duối thiêng, trong số đó có những câu chuyện ít nhiều đã được hé mở: Chuyện về rặng duối cổ gắn với những chứng tích lịch sử, nơi Ngô Vương từng tập trận và được phụng thờ tại đây.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì rặng duối cổ đã có từ rất xưa. Không ai có thể khẳng định độ chính xác là bao lâu. Người cao tuổi nhất thôn Cam Lâm cũng chỉ nói rằng từ đời xưa truyền lại một cái tên rất dễ gọi dễ nhớ đó là “Rặng duối Cụ Ngô” (Ngô Quyền - PV). Khi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức lễ công nhận rặng duối này là Cây di sản Việt Nam thì những bí ẩn của 18 “Cụ duối nghìn năm tuổi” càng được nhiều người chú ý tới.
Theo GS-TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội (HUSTA), những cây duối ở thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm) đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí để trở thành một di sản quốc gia cần được bảo tồn. Như khẳng định của HUSTA, rặng duối này có cách đây khoảng 1.000 năm. Tương truyền, đây là nơi Vua Ngô Quyền từng làm chỗ buộc voi, buộc ngựa sau các cuộc tập trận cùng với nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, lập ra vương triều Đại Việt.
Linh ứng 18 vị La Hán
Dãy duối là nơi chở che cho người dân Đường Lâm phía sau cánh cổng làng.
Ngày 22/4/2011, rặng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức công nhận là Cây di sản Việt Nam. Những cây duối là vốn quý của dân làng, nay lại khoác thêm chiếc áo tôn quý, nhưng vẫn không làm mất đi vẻ hoang sơ, phát tích của nó. Theo thời gian, rặng duối đã trở thành huyền tích, gắn với đời sống tâm linh của người làng Cam Lâm. Trong số những điều ẩn chứa phía sau những thân duối già kia, người ta đã tìm thấy ở đó một sự trùng hợp lạ kỳ của con số 18.
Nhiều người cũng liên tưởng tới bóng dáng của 18 vị La Hán đang tọa lạc tại chùa Tây Phương và ngự chung trên mảnh đất xứ Đoài. Các cụ cao niên trong làng, các em học sinh, thậm chí chính ông Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm cũng có chung mạch suy nghĩ, khi ông gợi chúng tôi nhớ đến những bức tượng La Hán khắc khổ tại ngôi chùa cách đó 30km, dù rằng ông chỉ lưu ý “có mối quan hệ nào đó ở con số 18, giữa một bên là rặng duối ngàn năm tuổi, với một bên là những bức tượng khắc khổ cũng từng chứng kiến bao bể dâu của dân tộc, nhưng tựu chung ở sự thâm trầm và khắc khổ”. Những ai từng đến và tìm hiểu về rặng duối cổ hẳn đều nhận ra rằng, đó đã không còn là suy nghĩ riêng của ông bí thư nữa.
Là sự ngẫu nhiên hay trùng hợp về con số “mười tám”? Có vẻ mỗi sự liên tưởng đều đong đầy bí ẩn. La Hán mười tám vị với mười tám thế ngồi, cách suy tư và hành xử khác nhau… Còn đối với mười tám “Cụ duối nghìn năm tuổi” xếp thẳng hàng ngự giữa vùng đất trung du đồi gò, qua bao nhiêu thăng trầm biến cố của thời gian, lịch sử vẫn cứ trầm lặng mà toả một màu xanh ngát cho đời. Theo các cụ cao niên trong làng, người dân Cam Lâm còn luôn coi những cụ duối là bậc thánh linh, là những vị thần bảo hộ, gác cổng cho lăng Ngô Vương và cho dân Cam Lâm, bởi vậy, dù đi xa về gần, mỗi người dân Cam Lâm đều tìm đến bên rặng duối như để tạ ơn các cụ đã phù hộ. Họ như cũng được che chở, làm vợi bớt những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh vất vả.
Huyền bí về rặng cây thiêng
Theo các cụ cao niên trong làng, các “cụ duối” có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Cam Lâm nói riêng và mảnh đất xứ Đoài nói chung. Không chỉ là dấu mốc của lịch sử, những cụ duối nơi đây từng được biết đến với thứ thần dược có khả năng kỳ diệu. Tích xưa truyền lại, hồi đó, do đời sống còn kham khổ, phụ nữ sinh con nếu mất nguồn sữa nuôi con thường đến dưới gốc duối già, lòng thành khấn niệm xin Ngài một nắm lá duối non đem về đun (kiểu sắc thuốc), rồi dùng nước đó uống hằng ngày. Chỉ ít ngày sau, sản phụ sẽ đầy sữa trở lại.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Bậc - một cao niên tại làng - thì sự ứng nghiệm của lời khẩn cầu đã nảy sinh lòng tin: Do có sự phù trợ của Ngô Vương nên mỗi khi uống nước lá duối thì sẽ có sữa để nuôi con nhỏ. Không chỉ vậy, những đứa trẻ mà người mẹ được dùng thuốc của Ngài sẽ mạnh khoẻ, thông minh, đức độ, hiền tài… mai sau chắc hẳn sẽ thành danh. Hoặc mỗi khi trong làng có người bị trúng gió, cảm mạo…, người ta lại ra xin Ngài lá duối về cùng một số cây thuốc sẵn có trong vườn, quanh nhà cho vào nồi đổ nước đun sôi để xông giải cảm toát hết mồ hôi gió độc là người mau lành bệnh. Còn một điều thú vị nữa là lấy lá duối xát vào răng vừa chắc khoẻ lại vừa trắng răng.
Lấy làm lạ về rặng duối giàu giá trị như vậy, nhưng tại sao vẫn tươi tốt và không hề có dấu hiệu bị tàn phá, những thắc mắc của chúng tôi mau chóng được cụ Nguyễn Văn Tửu lý giải, sở dĩ có sự lạ ấy, bởi rặng duối rất thiêng. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, thấy nhiều gốc duối to đẹp, các cành cây bủa vây um tùm, một số người chặt cành lấy củi khô đem về bán hoặc làm củi, hoặc trẻ nhỏ hay leo trèo bứt lá, bẻ cành. Nhưng không hiểu thế nào, gia đình họ từ đấy liên tiếp gặp họa. Rồi chẳng ai bảo ai, họ phải bảo nhau làm lễ, xin Ngài xá tội. Cũng từ đó mà bệnh hết, họa không còn, nhưng cũng chẳng ai dám nghĩ đến việc phá cây nữa. Từ bấy đến nay, người dân địa phương cũng ra sức bảo vệ rặng duối.
Theo cụ Tửu, người mới ốm dậy muốn lấy lá duối xông giải cảm, giải tan độc cũng phải xin phép làng chứ không được tự ý cầm dao cầm liềm cắt lá chặt cành, dù là cành nhỏ. Và, người xin cũng chỉ dám lấy liềm cắt một nắm lá nhỏ vừa đủ nấu.
Chứng tích trường tồn
Địa giới của ấp hai vua.
Rặng duối kéo dài thành hàng, có những cây mấy vòng ôm người lớn. Rặng duối ấy còn là phân ranh rõ rệt giữa phần đất của gia đình tướng Ngô khi Ngài chưa đăng quang ngôi vua, với các dòng họ, gia đình khác trong vùng. Từ rặng duối quay vào khu vực trong đền hiện giờ là đất của tướng Ngô Quyền. Quy ước ấy thực hiện từ năm 944 (năm Vua Ngô Quyền mất) đến tận bây giờ, khi dòng họ Ngô trên đất Cam Lâm với hậu duệ cuối cùng đã tạ thế cách đây nhiều năm, nhưng như một luật định bất thành văn, người dân trong làng đã tự giác tuân thủ và truyền lại như vậy. Một điều lạ khác, đó là từ đền thờ và lăng Ngô Vương đến rặng duối cổ, không hề có một ngôi mồ mả nào. Đó là cách thể hiện lòng kính trọng đối với Ngô Vương, người dân tự bảo nhau không làm nhà ở, không xây mồ mả trên đó.
Rặng duối cổ quanh năm lá cành xanh tốt, trấn hướng Tây Nam phong thuỷ che chở cho làng mỗi khi có mưa bão đến. Từ bao đời nay, rặng duối cổ chứng kiến sự thăng trầm của cõi nhân sinh của làng. Trẻ con sinh ra, lớn lên, lại tung tăng nô đùa, bắt chim đuổi bướm dưới bóng mát của cây. Và mỗi khi có người chết đi, gia đình nào có người khuất núi cũng tuân theo tục lệ “chào” rặng duối trước khi về với đất. Khi tiễn những người quá cố qua rặng duối, đoàn người đưa tang cùng quàn người chết đều dừng lại ở đó khoảng nửa giờ, vừa là để nghỉ ngơi song cũng là để vong người chết được chào vĩnh biệt dương gian lần cuối, trước sự chứng kiến của các “cụ duối”.