Miếu thiêng trên núi
Miếu Long Vương thuộc địa phận xã Thông Huề huyện Trùng Khánh ngự bên sườn một ngọn núi thiêng bậc nhất Cao Bằng, đó là núi Tam Tiên. Theo các cao niên trong vùng, núi Tam Tiên có tên tục là ba cô tiên, là ngọn núi thiêng hội tụ đủ cả long – mạch – thủy – sa. Phía trước miếu là sông Bắc Vọng uốn lượn gấp khúc vô cùng hiểm trở nhưng lại tạo cho núi Tam Tiên một quang cảnh tuyệt đẹp, thoáng khí. Chính mảnh đất thiêng này đã tạo cho miếu Long Vương một sức mạnh huyền bí mà ít ai đến thăm có thể phủ nhận.
Miếu Long Vương được chọn để xây bên sườn núi, giữa vị trí long mạch để trấn yểm cho một vùng phía bên tả sông Bắc Vọng. Tuy nhiên, Long Vương thần miếu có từ thời nào thì không còn ai nắm rõ. Họ chỉ biết, từ đời cha ông đã có ngôi miếu thiêng ấy trên địa phận xã Thông Huề.
Có câu chuyện kể rằng, Nam hải Long vương Ngao Thuận là bạn chí thân của Cao Biền người Trung Quốc. Trước khi chết, Ngao Thuận trối dặn Cao Biền phải đưa thi thể mình đến núi Tam Tiên mới mong trời đất yên lành. Và người ta đã dựng ngôi miếu nhỏ trên đó vừa để trấn yểm, vừa để cầu an, mưa thuận gió hòa.
Người xã Thông Huề đều khẳng định, Long Vương thần miếu rất thiêng, cầu gì được nấy. Ví như bà Nguyễn Thị Lành ở xã Đoài Côn bị bệnh tiểu đường đã lâu, chữa chạy khắp nơi không khỏi, cuối cùng gia đình phải lễ lạt lên miếu Long Vương khấn vái, một thời gian sau, dù không thuốc thang chữa chạy gì, bệnh đã tự khỏi. Chuyện trò với chúng tôi, bà Lành bảo: “Nói ra thì bảo là mê tín, nhưng thực sự là vậy. Tôi chạy chữa bao nhiêu nơi không khỏi, cuối cùng đành bất lực chờ chết. Nhưng rồi, có bệnh thì vái tứ phương. Thuốc thang không được thì may ra thần thánh sẽ cứu”.
Chính điện Nam hải Long vương Ngao Thuận
Hay như ông Nông Văn Hồi ở huyện Trùng Khánh bị mất 2 con trâu kéo. Ông cùng gia đình mang lễ lên cầu khấn Long Vương, ngay tối hôm đó hai con trâu không biết từ đâu đi về vào chuồng như có người dắt. Chưa hết, khi trâu đã về mà ông Hồi quên không lên miếu lễ tạ nên hôm sau dù trâu đã cọc cẩn thận trong chuồng mà vẫn không cánh mà bay.
Sợ quá, ông phải sắm đại lễ lên miếu xin tha. Chỉ một lúc sau, hai con trâu không ai dắt đường đã tự đến trước miếu Long Vương kêu rống lên. Ai cũng cho đó là điều kỳ lạ.
Những chuyện lạ ở miếu Long Vương không dừng lại ở đó, người dân cho rằng, miếu Long Vương cũng giống như các đền phủ dưới xuôi, cũng có thần thánh, thổ công ngự trị. Tín ngưỡng thờ tụng của đồng bào dân tộc Tày vùng Trùng Khánh – Cao Bằng tuy rất đa dạng, phong phú. Nhưng hầu hết, với họ thì miếu Long Vương là nơi duy nhất đem lại cho con người sự thư thái về tâm linh.
Ông Nông Quốc Hà – một cao niên ở thị trấn Trùng Khánh cho hay: “Miếu Long Vương không chỉ phù giúp nhân dân mưa thuận gió hoà, mà còn là nơi cầu tự. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã đến đây thắp hương và số nhiều đều có con cái như ý muốn”.
Như cháu ông Hà là anh Nông Quốc Tự lấy vợ 7 năm mà chưa có con. Đi khám bệnh viện, bác sỹ bảo anh bị tinh trùng yếu, vợ lại bị viêm lộ tuyến, khả năng có con dường như không thể. Hết Tây y đến Đông y mà bệnh tình không thuyên giảm. Anh sắm lễ đến miếu Long Vương cầu khấn, đến nay đã có 1 cháu gái xinh xắn.
Người Trùng Khánh còn hay lưu truyền câu chuyện Long Vương hiển linh đầy màu sắc liêu trai. Vào một đêm hè nóng bức, từ trên trời bắn xuống miếu một tia lửa sáng rực. Mọi người chạy ra phía chân núi Tam Tiên thì thấy một vị thần, người có vảy rồng đang hô mưa gọi gió. Cơn mưa ập đến, vị thần biến mất nhưng lạ thay, chỉ có những trẻ em mới cảm nhận được những cơn mưa ấy đang đổ xuống trần gian.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Thông Huề cho hay: “Đây thực sự là một ngôi miếu thiêng. Chính vì thế, mà người dân không lúc nào để miếu thiếu ánh nến khói hương. Nhiều sự kiện lạ xảy ra tại miếu nên dân tin đó là nơi Long Vương ở. Với trách nhiệm là chính quyền địa phương, tôi luôn tôn trọng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, những người lợi dụng tâm linh để “làm tiền” thì chúng tôi kiên quyết xử lý”.
Người dân cho rằng đây là miếu thiêng
Dị bản Bà Thủy - Cậu Tai
Chính những bí ẩn của Long Vương thần miếu tại vùng núi đá này đã có nhiều những dị bản khó xác định. Theo ông Sơn, truyền miệng ở địa phương để lại có 4 vị Long Vương gồm Đông hải Long vương Ngao Quảng, Tây hải Long vương Ngao Khâm, Nam hải Long vương Ngao Thuận và Bắc hải Long vương Ngao Nhuận.
Trong đó, một vị chết ở Ấn Độ, một vị chết tại Trung Quốc, một vị được chôn tại xã Thông Huề, còn một vị không rõ. Tuy nhiên, theo một dị bản thì Nam hải Long vương Ngao Thuận bị chết tại khu vực gần đảo Phú Quốc nhưng được Cao Biền “cưỡi mây đạp gió” đưa xác lên núi Tam Tiên để an táng.
Chính vì thế, câu chuyện lại liên quan đến Bà Thủy – Cậu Tai, một ngôi miếu thờ Long Vương (còn gọi là miếu Dinh Cậu) được xây dựng vào thế kỷ XVII, nằm cách thị trấn Dương Đông cách 200m về phía tây. Ngôi miếu này liên quan đến đạo Mẫu với tục thờ Bà Cậu, tức Bà Thủy và Cậu Tai (tai họa, tai nạn).
Theo nhiều cao niên ở xã Thông Huề, thi hài Nam hải Long vương Ngao Thuận được đưa lên núi Tam Tiên để chôn cất trấn yểm cho vùng núi. Theo dị bản này, thì mối quan hệ giữa Long Vương thần miếu và miếu Dinh Cậu ở Phú Quốc có liên hệ tâm linh chặt chẽ tới nhau.
Di tích cầu đá cổ qua sông Bắc Vọng
Long Vương lỡ bước?
Chính những phức tạp trong câu chuyện về Nam hải Long vương Ngao Thuận mà trung tâm điểm là miếu Long Vương đã khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tìm đến Thông Huề. Tuy nhiên, mọi câu chuyện ở đây đều là những dị bản khó xác định.
Theo lời ông Lưu Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Thông Huề thì, ngành văn hóa và bảo tàng tỉnh Cao Bằng cũng từng nhiều lần về tìm hiểu nhưng đều thất bại, không tìm được bất cứ văn bản, tài liệu nào liên quan đến sự ra đời của Long Vương thần miếu ở khu núi thiêng bí ẩn này.
Một giả thiết nữa được đặt ra, tại sao Nam hải Long vương Ngao Thuận lại chôn xác ở núi Tam Tiên? Hay do Ngao Thuận lỡ bước giữa vùng núi đá rồi bỏ mạng tại đây?
Những câu chuyện lạ ở Thông Huề lúc nào cũng như chuyện truyền thuyết. Bởi thế, không ít người dưới xuôi sau khi lên thăm miếu Long Vương đã không khỏi sửng sốt trước những điều tai nghe mắt thấy. Nhiều đại gia tin rằng, miếu Long Vương còn có sức mạnh phù hộ đường tài lộc và phát quan nên cứ mùng 1 hoặc ngày rằm, có nhiều xe ô tô đến sắp lễ khấn vái xin lộc thánh.
Các cao niên ở Thông Huề cũng chỉ còn những câu chuyện bí ẩn nửa hư nửa thực khiến lời giải càng đi vào phức tạp. Theo ông Sơn, hiện ngành văn hóa tỉnh Cao Bằng đang ra sức tìm hiểu, sưu tầm những tư liệu quý về miếu Long Vương để xây dựng di tích.
“Chúng tôi đã ra sức sưu tầm lại những câu chuyện cũng như tìm hiểu gốc tích về sự ra đời của miếu Long Vương nhưng đều thất bại. Chưa có một ngôi miếu nào lại chứa nhiều bí ẩn như Long Vương thần miếu ở núi Tam Tiên”, ông Lương Văn La – Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh. “Với sự linh thiêng của Long Vương thần miếu nên nhiều khách thập phương khắp các tỉnh đến lễ khấn. Hàng năm vào ngày 13/6 âm lịch đều có lễ hội cầu an, cầu mưa thuận gió hòa tại miếu. Hiện tại, trước khu miếu vẫn còn một cầu đá cổ đầy bí ẩn bắc qua sông Bắc Vọng”, ông Lưu Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Thông Huề. |