Hai chuyện kể từ Đông sang Tây
Trong những câu chuyện về trúng số, không hiểu tại sao tôi rất ấn tượng về câu chuyện này. Đó là câu chuyện của ông Hai Tâm ở Hố Nai (Biên Hòa – Đồng Nai) chuyên sống bằng nghề chạy xe ba gác máy, chở đồ gỗ cho những cửa hàng dọc QL 1, kiếm tiềm độ nhật qua ngày. Thế rồi một hôm vận may đến, ông trúng một xấp vé số giải Nhất tổng cộng số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Đối với một người chạy xe ba gác, số tiền nửa tỷ đồng là một tài sản quá lớn. Mọi người mừng cho Hai Tâm từ nay “lên đời”. Cũng như hầu hết những người trúng số khác, Hai Tâm cũng mở hầu bao hào phóng với bà con xóm giềng. Thế nhưng cái cách Hai Tâm làm thiệt là… khác biệt. Thay vì phát tiền “lì xì” như nhiều “đại gia trúng số” khác. Hai Tâm cho mua cả xe tải mì gói chở về đổ đầy nhà. Nghe nói, nhà Hai Tâm lúc nào cũng chất đầy mì gói, như cái kho của hãng mì. Ai muốn ăn bao nhiêu cứ đến lấy tùy ý.
Ai cũng khen Hai Tâm biết cách “chơi hoành tráng”, nhưng cũng có người bảo Hai Tâm máu đỏ đen. Bởi vì, hồi đó, các hãng mì gói đều có chiêu khuyến mãi “mua mì trúng xe”. Nghe nói, Hai tâm quyết mua mì chỉ đến khi trúng chiếc Dream II mới thôi, trong khi đó với số tiền nửa tỷ, ông có thể nua cả chục chiếc chạy chơi cũng được. Thế mới gọi là quái. Cho nên những ai đến xin mì, vui lòng xé bao, để lại phiếu cào chơi trúng thưởng cho Hai Tâm. Kết quả cuối cùng, Hai Tâm không trúng được chiếc Dream II nào, mà quay trở về với chiếc ba gác máy, tiếp tục đi chở thuê đồ gỗ kiếm tiền… ăn mì gói mỗi ngày.
Câu chuyện này xảy ra đã lâu, nhưng mỗi lần về Biên Hòa, tôi vẫn được nghe người dân kể lại. Câu chuyện lạ lùng về ông ba gác máy mỗi lần mua cả xe tải mì gói vẫn ấn tượng trong đầu mọi người. Đúng là trúng số cũng làm cho người ta thay đổi tính cách và hình ảnh. Nhưng cũng như nhiều người trúng số khác, cuối cùng “của thiên trả địa” lại rơi vào trường hợp Hai Tâm.
Câu chuyện thứ 2 xảy ra ở nước Anh. Đây không phải là câu chuyện tôi được chứng kiến hay nghe kể lại, mà tình cờ đọc được trên mạng. Cũng xin thưa, những câu chuyện thế này có đến 1001 chuyện.
Từng làm lao công ở bệnh viện, ông John (46 tuổi, sống ở Livingstone, West Lothia, Anh) được vận may mỉm cười năm 1997. Ông trúng số tới 10 triệu bảng Anh. Vậy là từ một người ngủ trên sàn nhà của bố mẹ, ông đã nhanh chóng trở thành triệu phú, một giấc mơ mà ông không bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng sự đời éo le. Tiền sẵn trong tay, ông chẳng suy nghĩ mà tiêu cho “sướng”. Ông hào phóng cho gia đình và bạn bè 3 triệu bảng, mua một căn biệt thự ở Carluke, chi 500.000 bảng mua một nhà nghỉ ở Tây Ban Nha và không ngần ngại vung tay tậu một đội siêu xe sang trọng, mỗi chiếc trị giá nửa triệu bảng. Tuy nhiên, khoản đầu tư 4 triệu bảng vào Câu lạc bộ Bóng đá Livingston đã khiến ông khuynh gia bại sản và để lại trên vai ông khoản nợ 2 triệu bảng khi câu lạc bộ này phá sản. Hiện John đang tá túc trong một ngôi nhà khiêm tốn của một người bạn.
Có hay không “lời nguyền”?
Trong dân gian, chúng ta vẫn thường nghe về những “lời nguyền”, đại loại: “Nếu trúng số thì đừng nên mừng, vì thế nào rồi cũng “của thiên trả địa”, nếu không mất tiền thì cũng mất mạng, không mất mạng thì cũng ốm đau bênh tật cho đến khi nào không còn xu nào dính túi”.
Chị Rosemary Obiakor ở Lagos (Negeria) cho một người ăn mày toàn bộ số tiền trúng vé số vì sợ "lời nguyền".
Lời nguyền trong dân gian, dù được truyền đi dưới dạng truyền khẩu từ những “hãng thông tấn vỉa hè”, nhưng vẫn có sức ám ảnh. Trong thực tế nhiều người rất tin vào điều đó. Nhiều người đêm nằm mơ trúng số, nhưng cũng có nhiều người đêm đêm nằm trăn trở: “Nếu trúng số rồi mình sẽ làm gì?”. Sẽ làm gì ở đây, ngoài suy nghĩ sẽ làm gì với số tiền khổng lồ đó, còn là suy nghĩ phải làm gì để “giải nguyền”?. Cho nên, xin nói thật rằng, nhiều người sau khi trúng số bỗng trở nên tử tế, không phải vì nhân tâm thay đổi mà nhiều khi chỉ vì… sợ “lời nguyền” tức là vì mê tín. Không chỉ người Việt mình mới mê tín, mà ở nước ngoài họ cũng mê tín. Câu chuyện mà tôi đọc được trên mạng sau đây chứng minh “hùng hồn” điều này. Chị Rosemary Obiakor ở Lagos (Negeria) trúng xổ số độc đắc hơn 3 triệu naira (khoảng 22.000USD), một khoản tiền khổng lồ ở Negeria, nhưng chỉ một thời gian sau người phụ nữ 46 tuổi này đã tặng lại toàn bộ số tiền cho một người ăn mày. Tin được không? Trao lại toàn bộ chứ không phải là cho một ít? Vì sao vậy? Theo tờ báo giải thích thì “Ngoài lí do hảo tâm, thương người, việc tặng tiền cho người khác của chị Obiakor còn xuất phát từ sự mê tín. Chị cho biết đã từng nghe nhiều câu chuyện về sự xui xẻo mà người trúng độc đắc gặp phải, nên chưa mừng đã vội lo”. Chị này lo tới mức đã “tống khứ” toàn bộ số tiền đó một cách vội vã ngay trên đường đi cho một người ăn mày tình cờ.
Vậy thì sự mê tín như trên có cơ sở không? Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ là có. Chúng ta thử phân tích mà xem. Đối với một người tay trắng, bỗng dưng có tiền tỷ trong tay sẽ là một cú sốc tâm lý. Từ cú sốc này dẫn đến thay đổi toàn bộ hành vi hành động. Đối với nhiều người, khi trúng số, ngoài việc “nhón tay làm phúc” để “giải nguyền” thì còn lại “ăn chơi phủ phê” hay còn gọi là “trả thù đời”. Với cách tiêu pha “ném tiền qua cửa sổ” không sớm thì muộn, họ trở về với con số không, với chiếc ba gác, hay tiệm sửa xe đạp vỉa hè thì đó cũng là chuyện bình thường. Ở đây bài học về cách quản lý tiền bạc rất quan trọng. Nhưng có lẽ ít ai lưu tâm đến điều này. Hơn nữa, những người trúng số thường mang tâm lý mình là kẻ gặp may, được “trời Phật độ trì”, họ cứ nghĩ là mình sẽ gặp may nữa, nên cứ lao theo những trò cờ bạc may rủi. Kết quả như thế nào thì ai cũng rõ.
Còn chuyện những người trúng số bỗng dưng gặp tai nạn hoặc chết bất đắc kỳ tử thì sao? Tôi vẫn nhớ cách đây vài năm, trên báo chí xôn xao vụ Urooj Khan, 46 tuổi, người Mỹ gốc Ấn Độ đã trúng vé số 1 triệu USD. Một số tiền khổng lồ. Thế nhưng sau đó Khan bị chết mà không rõ nguyên nhân. Cho đến bây giờ cái chết của Khan vẫn là ẩn số. Có một chi tiết đáng lưu ý là Khan vốn là người Hồi giáo và luật Hồi giáo cấm cờ bạc nên Khan đã từng thề bỏ cờ bạc, sống như một người Hồi giáo trong sạch. Thế nhưng anh đã phạm lời thề, mua cùng lúc đến… 2 tấm vé số và trúng một tờ như đã nói ở trên. Có điều anh ta chưa nhận được tiền thưởng thì đã qua đời. Cuối cùng thì cơ quan điều tra tạm kết luận anh ta chết vì xơ cứng động mạch. Một kết luận không thỏa lòng người, nhưng với cá nhân tôi điều đó có thể đúng. Bởi, như chúng ta đã biết, những người sở hữu quá nhiều tiền bạc trong tay thì không thể sống trong tình trạng “thanh thản”. Những âu lo, sợ hãi, lo nghĩ… chi phối rất lớn đến con người họ. Do đó, họ dễ sinh bệnh tật. Những cái chết bất đắc kỳ tử, phần lớn là do tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong trong phút chốc.
Như vậy, “lời nguyền” và việc “giải nguyền” trong thế giới những người trúng số là chuyện hoàn toàn có thật, nhưng không thể hiểu theo nghĩa mê tín dị đoan. Cuối cùng thì có lẽ ai cũng có thể chia sẻ với tôi điều này: “Tiền bạc rất cần, thật cần cho cuộc sống, nhưng không phải bao giờ tiền bạc cũng mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc".