Bí ẩn kho báu khổng lồ của vua Minh Mạng - Kỳ 1: Bí mật trong lòng Đại nội

Ít ai biết rằng, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn còn gắn liền với một lời đồn về kho báu khổng lồ trong lòng đất Đại Nội mà cho tới giờ vẫn còn là bí ẩn.

Trong suốt các đời vua chúa nhà Nguyễn, nhắc đến thời kỳ vua Minh Mạng, người đời nghĩ đến ngay hình ảnh của một ông vua nổi tiếng quyết đoán, cùng với đó là năng lực giường chiếu phi thường. Nhưng ít ai biết rằng, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn này còn gắn liền với một lời đồn về kho báu khổng lồ trong lòng đất Đại Nội mà cho tới giờ mặc dù hậu nhân đã nhiều lần cất công tìm kiếm nhưng vẫn không thu được nhiều kết quả. Vậy thì sự thật về lời đồn này là như thế nào? Có hay không kho tàng khổng lồ mà nhân gian đồn đoán? Trong bài này, người viết xin gửi tới độc giả những bí ẩn mà chúng tôi tìm thấy từ những tài liệu hiếm hoi thu thập được liên quan đến kho báu bí mật trong lòng đất của vua Minh Mạng và những cuộc tìm kiếm ít được công bố công khai.

Những manh mối đầu tiên

Hầu như trong các tài liệu lịch sử hiện nay còn tồn tại, ít có tài liệu nào nhắc đến kho vàng bạc được chôn trong lòng đất của vua Minh Mạng. Bởi lẽ trong quá trình nắm quyền triều chính của mình, Minh Mạng vốn nổi tiếng là ông vua quyết đoán và có tài thao lược, mỗi việc làm của ông đều tỏ ra rất khác người. Những bí mật của vua Minh Mạng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lời giải hoặc ít nhất cũng chỉ là những thông tin sơ sài được đề cập đến vài dòng trong các cuốn sách được liệt vào hàng quý hiếm xưa nay. Ngay cả sau khi chết, thi hài của ông cũng được an táng ở một nơi không ai biết.

Hiện nay, lăng Minh Mạng (hay còn gọi là Hiếu lăng) tọa lạc dưới chân núi Cẩm Kê, thuộc địa phận của xã Thủy Bằng huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng được xây dựng trên diện tích 28 ha bao gồm nhiều kiến trúc khác nhau. Toàn bộ cấu trúc của Hiếu lăng được thiết kế mang hình ảnh của một cơ thể người khi nằm xuống. Khi chúng tôi tới đây hỏi về nơi chôn cất thi hài của Vua Minh Mạng thì ai nấy, kể cả những người dân trong vùng lẫn những người phụ trách coi sóc lăng tẩm đều lắc đầu không biết. Anh Trần Quốc Dũng (một hướng dẫn viên du lịch lâu năm mà chúng tôi bắt gặp tại lăng Minh Mạng) cho hay: “Trên lý thuyết thì trong khuôn viên lăng này có một khu vực được xem là nơi chôn cất thi thể của vua, được gọi là Minh Lâu nằm trên đỉnh Tam Thai. Nhưng thực chất thì địa điểm này chỉ mang tính tượng trưng mà thôi. Cho tới tận bây giờ, không một ai biết thực chất áo quan của vua đang nằm ở đâu cả. Bởi ở đây người ta cũng không thể tính được tất thảy có bao nhiêu đường hầm bí mật và áo quan giả của vua trong khuôn viên Hiếu lăng. Khi chết, vua được chôn cất với vô số những đồ ngự dụng, vàng bạc châu báu, và số binh lính được giao nhiệu vụ chôn cất thi hài vua tình nguyện chết để bí mật này được chôn dấu mãi mãi không ai biết”.

Đến lúc vua đã băng hà nhưng những bí mật về áo quan vẫn không thể lý giải được, thì kho tàng vàng bạc của Minh Mạng thông tin về nó càng khó tìm kiếm hơn gấp ngàn lần. Vậy thì có hay không nhiều hầm vàng bạc đang nằm đâu đó trong kinh thành Huế? Có phải tiếng đồn về kho vàng này đã được trấn yểm? Trong lúc đang loay hoay tìm hiểu về những câu chuyện thâm cung bí sử liên quan đến vị vua này, một người dân sống quanh khu vực lăng giới thiệu cho chúng tôi đến gặp một bậc cao niên trong làng. Đây có thể được xem là người có thể cung cấp phần nào thông tin về những vấn đề mà chúng tôi đang cất công tìm kiếm. Cụ N.B.T (83 tuổi, xin được giấu tên, là hậu duệ của một vị quan triều Nguyễn) cho biết: “Hồi còn nhỏ, tôi có nghe cha mình kể lại những câu chuyện về kho báu của nhà vua. Nhưng đây chỉ là thông tin mà người trong cung đồn đoán với nhau, chứ không ai có thể biết chính xác kho vàng này được chôn chính xác ở địa điểm nào cả. Chỉ biết rằng lời đồn về kho vàng ấy là có thật, vì khu vực mà vua để vàng bạc trước kia được cho người canh giữ vô cùng cẩn mật. Không một ai biết vị trí chính xác của nó vì sau khi khiêng hằng trăm, thậm chí hàng ngàn rương vàng bạc, châu báu đặt vào các thạch thất, toán lính đã tình nguyện chết mang theo bí mật xuống mồ với tinh thần “vua kêu tử thần tử”. Chỉ mỗi vua Minh Mạng là người nắm giữ mật đồ chôn các kho báu mà thôi”. Qua những gì ban đầu mà chúng tôi được cụ T kể lại, thì câu chuyện tưởng rằng chỉ là giai thoại, lời đồn đại của nhân gian, ai ngờ khi đi sâu vào tìm hiểu thì mới rõ thông tin về kho báu bí mật dưới lòng đất Đại Nội là chuyện có thật!

Vua Minh Mạng

Tư liệu lịch sử hiếm hoi hé lộ sự thật

Từ những thông tin quý giá mà chúng tôi thu thập được tại lăng Minh Mạng, những nghi ngờ ban đầu về sự thật có hay không kho báu trong lòng đất Đại Nội đã phần nào được hé mở. Điều này càng thôi thúc chúng tôi trong hành trình khơi lại những bí mật mà vốn từ lâu đã đi vào quên lãng. Nhưng một điều đáng buồn là trong các tài liệu ghi lại về lịch sử của triều Nguyễn mà chúng tôi tìm thấy tại các hiệu sách và các lăng tẩm khác ở Huế đều không nhắc đến vấn đề này. Ngay cả những bài viết được cho là quý hiếm của các vị quan đại thần dưới thời Gia Long, Minh Mạng cũng không cho kết quả như mong muốn. Có lẽ đây cũng là một trong những việc làm mà trước đó vua Minh Mạng cũng muốn giấu kín, không cho các nhà viết sử thời đó ghi chép lại. Tưởng rằng mọi thứ đã đi vào ngõ cụt thì trong một lần gặp gỡ với nhà Huế học Phan Thuận An, chúng tôi được ông chia sẻ những tài liệu vô cùng quý giá liên quan đến vấn đề mà chúng tôi đang băn khoăn.

Ông An cho biết: “Hiện nay, tôi đang giữ một số tài liệu cũng như những thông tin liên quan đến kho tàng bí mật này của triều Nguyễn. Nguyên dưới thời Gia Long (1802 - 1819) và Minh Mạng (1820 - 1840), thực sự có chôn dấu hầm vàng bạc, châu báu trong lòng đất. Đây là thời kỳ hưng thịnh nhất của vương triều nhà Nguyễn bởi vậy mà số của cải được cất dấu chắc chắn không hề nhỏ. Và cũng chỉ có dưới thời đại của hai vị vua này mới có chuyện chôn giấu của cải. Về sau khi vua Minh Mạng qua đời, toàn bộ những thông tin liên quan đến kho tàng này đều theo ông về với lòng đất. Không còn một ai biết được chút manh mối nào về những căn hầm bí mật này. Các vị vua của triều Nguyễn sau này một phần vì không muốn làm kinh động tới tiên đế, một phần vì thời thế thay đổi nên cũng không còn chuyện chôn cất vàng bạc và đả động gì tới những tài sản mà vua Minh Mạng trước đó đã giấu đi”.

Trong các tài liệu mà nhà Huế học Phan Thuận An có được thì bộ sách Đại nam nhất thống chí (tập Kinh sư), Đại Nam thực lụcĐại Nam Điển Lệ cho biết rằng kho tàng của Triều Nguyễn dưới thời Gia Long gọi là Nội Đồ Gia, được thiết lập ở phía tả của Hưng Khánh thuộc Tử Cấm Thành, qua năm đầu thời Minh Mạng được đổi tên là Nội Vụ Phủ. Cơ quan này quản lý 7 kho với 7 loại vật hạng khác nhau, trong đó kho vàng bạc là quan trọng nhất. Mỗi kho có 12 người chủ thủ canh giữ rất cẩn mật. Các kho được triều đình cho kiểm kê đầy đủ, nghiêm ngặt và thanh tra chặt chẽ. Riêng hầm chứa vàng bạc ở kho này đã chứa lên đến 200.000 lượng vàng bạc vào năm 1836.

Vào cuối năm 1838, vua Minh Mạng cho rằng các nhân viên làm việc ở cơ quan ấy “đi lại ồn ào” gần nơi cung cấm nên nhà vua cho dời Nội Vụ Phủ ra khỏi tử cấm thành và thiết lập tại khu vực bên trái Hoàng Thành (tức là khuôn viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ngày nay). Nhà vua giao cho Thống chế Mai Công Ngôn điều khiển 2.000 biền binh làm công việc dời kho này. Cẩn thận hơn, vua Minh Mạng đã chỉ định các đại thần cao cấp nhất trong triều đình là Phạm Hữu Tâm, Nguyễn Tăng Minh, Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên thay nhau hàng ngày đến giám sát công việc dời kho để của kho khỏi bị bỏ sót và thất thoát.

Như vậy, những thông tin mà chúng tôi đã dày công thu thập được đã minh chứng phần nào cho những nghi vấn có hay không kho báu khổng lồ của vua Minh Mạng là có thật. Nhưng toàn bộ nội đồ về kho tàng này chỉ có duy nhất vua Minh Mạng là người nắm rõ. Điều này lý giải vì sao cho đến tận bây giờ bí mật về những hầm vàng bạc vẫn được chôn sâu mà chưa thể tìm thấy mặc dù đã có những cuộc tìm kiếm trải dài qua nhiều năm.

KỲ CUỐI: NHỮNG MINH CHỨNG VỀ SỰ TỒN TẠI CỦA KHO BÁU KHỔNG LỒ VUA MINH MẠNG.