Bí ẩn kẻ đạo diễn phi tang xác nạn nhân vụ TMV Cát Tường là ai?

Bí ẩn chai thuốc thứ 5 bị mất tích sau khi Tường đã bơm 4 chai vào bụng nạn nhân.

Bí ẩn chai thuốc thứ 5

So với phiên toà xét xử sơ thẩm lần trước (mở và bị hoãn để điều tra bổ sung tháng 4/2014), vụ án TMV Cát Tường mở lần này (ngày 4/12) có hai điểm mới. Thứ nhất là vào ngày 18/7/2014, thi thể của nạn nhân H. bất ngờ được phát hiện ven sông Hồng thuộc thôn Trung Quang, xã Vân Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mặc dù thi thể nạn nhân được tìm thấy nhưng do ngâm nước quá lâu (khoảng 10 tháng) nên đang trong quá trình phân huỷ mạnh. Các cơ quan chuyên môn đã xác định, chính xác thi thể tìm thấy là của chị H. với xác suất trên 99%, nhưng không thể chỉ ra đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết và cũng không thể xác định được nạn nhân chết trước hay chết sau khi bị vứt xuống sông. Chính vì thế, việc tìm thấy thi thể chỉ có thể khẳng định nạn nhân đã chết và mang ý nghĩa về mặt tâm linh với gia đình, chứ không giúp làm sáng tỏ những uẩn khúc và mấu chốt của vụ án.

Điểm mới thứ hai là Tường bị thay đổi điều khoản truy tố từ khoản 1 Điều 242 lên khoản 3 Điều 242 BLHS tội Vi phạm quy định việc khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. HÌnh phạt ở mức truy tố cũ từ 1 – 5 năm tù, với mức truy tố tăng mức hình phạt là 7- 15 năm tù.

Theo luật sự (LS) Nguyễn Anh Thơ (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) thì nội dung vụ án trước khi bị toà trả hồ sơ điều tra mới này không có gì thay đổi, chỉ có điểm khác là nâng khoản truy tố cùng trong 1 tội danh với Tường.

Theo Cáo trạng được đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đọc tại toà, bị cáo Tường đã chỉ đạo nhân viên pha chế 5 chai thuốc. Sau khi hỏi chị H. có tiền sử bệnh gì không, được chị H. trả lời không có tiền sử về bệnh, Tường đã dùng 4 chai thuốc pha sẵn bơm vào bụng chị H. Tuy nhiên đến nay, còn chai thuốc thứ năm hiện ở đâu vẫn là điều bí ấn.

Bị cáo Tường cúi mặt tỏ vỏ áp ngại, có lỗi trước vành móng ngựa.

Bị cáo Tường: “Nhiều tình tiết trong cáo trạng không đúng”

Sau khi công tố viên Nguyễn Minh Tuấn công bố cáo trạng, bị cáo Tường được gọi lên thẩm vấn. Ở phần thủ tục, bị cáo Tường xin phép chủ toạ để quay xuống phía gia đình nạn nhân xin lỗi. Trả lời HĐXX, cựu giám đốc TMV Cát Tường khai, hút mỡ bụng chỉ là một thủ thuật không có quy định cấm – Hỏi: Bị cáo có nghiên cứu Thông tư 41 của Bộ Y Tế? – Đáp: Có – Hỏi: Trong phẫu thuật tạo hình có tạo hình lấy mỡ nhưng đây chỉ là thủ thuật hút mỡ - Công thức pha thuốc cho các y tá làm trước khi phẫu thuật có làm theo quy chuẩn không? – Đáp: Bị cáo học được từ các giáo sư của Hàn Quốc – Hỏi: Có được đưa vào bài giảng ở Việt Nam không? – Đáp: Chưa ạ. Bị cáo tự ứng dụng.

Theo lời khai, khi đang đi lễ chùa, Tường được nhân viên y tá gọi thông báo sức khoẻ chị H. có biểu hiện bất thường. Về đến trung tâm, thấy chị H. không có nhịp tim, Tường tiến hành cấp cứu, bơm thuốc trợ tim – Hỏi: Tại sao khi chị H. mất. Bị cáo không báo cáo cơ quan chức năng và gia đình bị hại? – Đáp: Bị cáo muốn đưa vào bệnh viện Bưu Điện trước – Hỏi: Lý do không đưa vào viện Bạch Mai gần đó? – Đáp: Vì đông người. Bị cáo khai tiếp trong quá trình đi cùng có 3 người, bị cáo lái xe. Vợ bị cáo khuyên can, lúc đó tâm lý sợ không nghĩ được. Tường bảo, trong lúc hoảng loạn nghĩ Khánh có ý tốt với mình. Khi tới cầu Vĩnh Tuy, đã quyết định ném xác nạn nhân phi tang.

Trước lời khai trên, chủ toạ nói: “HĐXX thấy bị cáo khai thác so với lời khai tại Cơ quan điều tra”. Cựu giám đốc TMV Cát Tường cho rằng, do sợ dư luận nên không dám thông báo vụ việc với cơ quan chức năng.

“Khi bị cáo đi thi chị H. vẫn bình thường, quay về thì chị H. đã chết”!

Chiều 4/12, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn. Khi chủ toạ hỏi: “Bị cáo thấy việc mình đưa kỹ thuật pha chế thuốc theo công thức mới vào chữa bệnh mà không xin phép các cơ quan chức năng như bộ Y tế hoặc sở Y tế là đúng hay sai?”. Tường đáp: “Đây chỉ là thủ thuật, bị cáo học theo công thức pha chế thuốc gây tê cho chị H. Phẫu thuật tạo hình là mới, là rộng, còn phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là nhỏ, nằm trong phẫu thuật tạo hình. Bị cáo lại là người đã được đào tạo về phẫu thuật tạo hình, vì thế bị cáo có thể làm được việc hút mỡ bụng của chị H. để bơm lên ngực làm thẩm mỹ”.

Toà chất vấn: “Theo văn bản trả lời của sở Y tế, lượng pha thuốc gây tê mà bị cáo pha chế để dùng gây tê cho chị H. cao gấp 1,5 lần so với chuẩn thế giới. Vậy, bị cáo dựa vào chuẩn nào để làm việc đó?”. Bị cáo Tường cãi: “Cơ quan điều tra kê 5 chai thuốc, nhưng thực chất bị cáo chỉ sử dụng hơn 3 chai”. Chủ toạ hỏi dồn: "Nhưng sau khoảng 15 phút, chị H. bị co giật?”. Bị cáo Tường nhanh miệng chối: “Dạ không đúng, chị H. khi đó chỉ bị đau một bên tay, chứ không co giật”.

Vậy, việc hút mỡ bụng để bơm lên ngực theo bị cáo là thủ thuật thì có đúng không?”, Toà hỏi tiếp. Tường đáp ngắn gọn: “Dạ đúng”.

Đại diện VKSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tiếp lời chủ toạ: “TMV Cát Tường có đủ điều kiện hoạt động chưa?”. Cựu bác sỹ Tường trả lời: “Dạ, chỉ có đủ điều kiện về kỹ thuật nhưng chưa có giấy phép của sở Y tế. Đây là thủ thuật nên làm xét nghiệm cũng đơn giản. Chỉ cần thử máu chảy máu đông”. “Bị cáo có thực hiện việc xét nghiệm này không?” – “Bị cáo không làm, y tá làm”. Đại diện VKS nhắc nhở Tường: “Bị cáo không được đổ lỗi cho y tá, họ chỉ thực hiện theo chỉ định của bác sỹ… Thế các y tá có báo cáo kết quả không?” – “Dạ có, kết quả bình thường. Bị cáo chỉ biết là một trong các y tá làm chứ không biết ai làm, chỉ thấy khoanh vào đấy kết quả”.

VKS tiếp tục chất vấn: “Theo bị cáo, việc hút mỡ bụng của chị H. bơm lên ngực được thực hiện tại TMV Cát Tường có đúng không?”. Tường vẫn một mực khăng khăng: “Phẫu thuật thì mới phải vào bệnh viện, còn đây là thủ thuật thì không bị cấm”.

Đại diện VKS nhắc lại: “Tại phiên toà ngày 4/4, bị cáo thừa nhận việc hút mỡ bụng bơm lên ngực được thực hiện tại TMV Cát Tường là sai. VKS nhắc lại để bị cáo nhớ”. “Việc làm của bị cáo dẫn đến cái chết của chị H. và vứt xác xuống sông là đúng hay say sai?” , VKS hỏi tiếp – “Việc bị cáo ném xác xuống sông là sai. Còn việc chị H. chết thì đến bây giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân, lúc bị cáo ở đấy, chị H. vẫn sống, khi bị cáo đi thì chị H. vẫn bình thường, quay về thì chị H. đã chết. Kể cả trường hợp pha thuốc chuẩn vẫn còn có thể xảy ra sự cố”, Tưởng lẻo mép quanh co.

Bị cáo cố tình quanh co sẽ không được hưởng khoan hồng?” – “Đây là bị cáo tranh luận để cho công bằng, còn bị cáo không chối tội. Nếu có tội thì nhận, còn không thì sẽ không nhận”, Tường cãi.

Có thể nói, sau phiên toà này dư luận không còn quan tâm đến tội danh và mức án dành cho bị cáo Tường và Khánh mà từ những uẩn khúc còn lại trong vụ án, dư luận băn khoăn hơn về câu hỏi: Nếu không phải là Tường và Khánh thì ai là kẻ chủ mưu đạo diễn kịch bản phi tang xác nạn nhân và xoá dấu vết hiện trường?