Sáng nay (14/11), rất đông người thân gia đình bệnh nhân là Trần Thị Tưởng (51 tuổi), quê ở thôn Đa Hội, xã Châu Khê, Từ Sơn (Bắc Ninh) vây Bệnh viện Đa Khoa Hà Nội (29 Hàn Thuyên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì cho rằng bệnh viện vô trách nhiệm, để bệnh nhân bị chết lâm sàng.
Những người này mang theo ảnh của bệnh nhân Tưởng băng rôn ghi rõ: “Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An vô trách nhiệm, mổ thanh quản làm chết người”.
Theo chị Trần Thị Hồng (SN 1985) – con gái bà Tưởng cho biết, ngày 30/10, bà Tưởng bảo chị Hồng chở sang khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vì thấy khó chịu và ngứa ở cổ. Người trực tiếp thăm khám cho bà Tưởng là bác sỹ Nguyễn Hoài An. Sau khi khám, chẩn đoán, bác sỹ An đã tiến hành mổ cho bà Tưởng.
Ca mổ kết thúc thành công, bà Tưởng hoàn toàn khỏe mạnh, bác sỹ An có dặn bà Tưởng phải kiêng nói trong vòng 10 ngày. Mổ xong, bà Tưởng cắt thêm thuốc trở về nhà.
Đến ngày thứ chín, một vài người hàng xóm sang thăm bà Tưởng nên bà Tưởng có nói chuyện với họ nhưng giọng nhỏ và khan. Sau đó, bà Tưởng thấy phần cổ đau rát, khó chịu liền bảo chị Hồng gọi điện cho bác sỹ Nguyễn Hoài An. Sau khi nghe qua sự việc, bác sỹ An liền bảo chị Hồng đưa bà Tưởng tới khám lại.
Chị Trần Thị Hồng (SN 1985) – con gái bà Tưởng trao đổi với phóng viên Tiền Phong. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Khoảng 9h sáng ngày 8/11, chị Hồng đưa mẹ lên phòng khám. Qua khám lại, bác sỹ cho biết trong cổ bà Tưởng có một nang nước nhưng không đáng lo ngại, sẽ tiến hành xử lý được.
Chị Hồng sau đó được các bác sỹ yêu cầu ra ngoài đợi, còn bà Tưởng được đưa vào trong phòng để tiến hành chữa trị. Đến 14h30 cùng ngày, chờ lâu không thấy mẹ ra, chị Hồng sốt ruột nhòm vào bên trong phòng mẹ đang nằm điều trị thì bị các y tá đóng cửa và yêu cầu ra ngoài.
Chị Hồng đợi tiếp đến 17h vẫn không thấy có động tĩnh gì. Cùng lúc này chị bắt gặp một bác sỹ nữ phụ trách gây mê đi ra. Người này có nói với chị Hồng rằng lúc gây mê bà Tưởng bị lên cơn co giật.
Lo lắng trước sức khỏe của mẹ, chị Hồng điện gọi hỏi bác sỹ An. Bác sĩ An cho hay, khi vừa xịt thuốc gây mê bà Tưởng đã co thắt và bảo chị Hồng đợi thêm nửa tiếng. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng sau vẫn không thấy tiến chuyển gì, chị Hồng đã gọi người nhà lên.
Người nhà mang theo ảnh bệnh nhân và băng rôn bao vây quanh BV đa khoa Hà Nội.
Sau khi cả bố cùng lên, chị Hồng đã gọi điện lại cho bác sĩ An mong được xem tình hình của mẹ. Sau đó, bác sĩ An mời cả hai bố con chị Hồng lên phòng gặp cả Giám đốc Bệnh viện và BS chuyên khoa tên Sơn. Phía bệnh viện cũng chỉ giải thích là bị lên cơn co thắt.
Trong khoảng thời gian này chị Hồng cũng không biết mẹ mình sống chết ra sao. Sau một hồi bàn bạc, đến 22h30, chị Hồng cùng gia đình quyết định xin đưa bà Tưởng sang Bệnh viện Việt Đức.
“Lúc đưa sang, mẹ tôi vẫn lên cơn co giật rất mạnh, nước mắt liên tục trào ra” – chị Hồng bức xúc cho biết.
Đến khi đưa sang Bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ chẩn đoán tim bà Tưởng ngừng đập sau khi mổ, trạng thái chết lâm sàng.
Sau bảy ngày điều trị, hiện bà Tưởng vẫn đang nằm hôn mê, chết lâm sàng tại Bệnh viện Việt Đức.
Phóng viên đã lên liên hệ làm việc với Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Tuy nhiên, nhân viên lễ tân tại đây tên là Lương Thị Thoa cho biết, hiện Ban lãnh đạo đang lo giải quyết vụ việc, đề nghị phóng viên để lại giấy giới thiệu và sẽ hẹn gặp sau.