Cuối buổi chất vấn chiều 13/11, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, trưởng khoa một bệnh viện ở Hà Nội nói với ông rằng, vị này thấy đau lòng khi nhìn cảnh "bệnh nhân ăn cơm từ thiện nhà chùa, tiền đưa cho bác sỹ". Ông Hoàng chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc giáo dục y đức cho bác sỹ. Đây cũng là quan tâm của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) với cuộc vận động nói không với phong bì mà Bộ Y tế đang vận động.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã cho Bộ trưởng Y tế "nợ" câu trả lời về y đức sang buổi chất vấn sáng 14/11. Vấn đề tăng viện phí, chênh lệch giá thuốc đấu thầu đã được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình nhưng chưa làm các đại biểu hài lòng, đến cuối buổi có nhiều đại biểu vẫn chất vấn lại.
Về vấn đề tăng viện phí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giá dịch vụ y tế được quy định từ năm 1995, được điều chỉnh năm 2006 đến nay đã quá lỗi thời. "Các đồng chí giám đốc bệnh viện nói, mỗi lần tăng lương thì đầu chúng tôi bạc thêm tí nữa vì giá dịch vụ không tăng. Có đồng chí nói gần như phát khóc, chúng tôi tự ăn vào người chúng tôi", bà Tiến nói.
Theo Bộ trưởng Tiến, nếu tính đủ giá dịch vụ thì bệnh nhân có lợi, nhà nước giảm dần đầu tư cho cơ sở điều trị mà đầu tư trực tiếp cho người bệnh. Còn nếu tiếp tục duy trì giá viện phí thấp thì bệnh viện nhếch nhác, thu nhập thấp phải đi làm ngoài ảnh hưởng đến chất lượng và cả thái độ phục vụ của y bác sỹ. "Giá thấp thì bệnh nhân phải trả thêm đủ thứ, vô hình chung chúng ta làm khổ người dân quá nhiều", bà Tiến nói.
Tuy nhiên, theo bà Tiến, hiện nay tăng giá viện phí mới có 3/7 yếu tố nên chưa thể cải thiện ngay chất lượng. Không thể đòi hỏi chất lượng thay đổi ngay trong "một sớm một chiều". "Tiền tăng thêm mới chỉ đủ chi cho việc nâng cao chất lượng khoa khám bệnh, mắc thêm quạt, thay ga giường…", Bộ trưởng Y tế nói.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn về việc mời thầu, đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện công cùng chủng loại, cùng địa phương nhưng chênh lệch lớn, có nơi 20-30%, có nơi 1,2-1,5 lần.
Bộ trưởng Tiến thừa nhận, phản ánh về chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương, giữa giá đấu thầu với giá thị trường, có nơi 10-15%, có nơi hơn là một thực trạng. Theo bà Tiến, giá thuốc đẩy cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc "các hãng dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn các thuốc biệt dược, thuốc ngoại để kiếm lợi". Những vi phạm này, một phần do quy định của Thông tư số 10 năm 2007, có những kẽ hở, chia nhóm thuốc không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc khác nhau, dẫn đến "có những thuốc Trung Quốc nhưng giá lại là giá của Mỹ". Thông tư cũ cũng không quy định, kết quả đấu thầu, phải thấp hơn giá niêm yết trước đó.
Nay Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 01 đã thay thế Thông tư 10, chia các nhóm thuốc thành các xuất xứ khác nhau dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật; Thông tư 50 quản lý giá thuốc quy định giá trúng thầu phải thấp hơn giá kê khai. Tổ liên ngành có Bộ Y tế, Tài chính, Công Thương lập ra danh mục giá CIF của 17.000 loại thuốc công khai trên trang web của Cục quản lý dược (Bộ Y tế), các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phải dựa vào giá đó để niêm yết giá.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tiến, một nguyên nhân sâu xa là Bộ Y tế đang vừa thực hiện chức năng quản lý ngành, vừa thực hiện chức năng quản lý giá là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Bà Tiến đề nghị, nên sửa đổi quy định hiện hành để việc quản lý hiệu quả hơn.