Lo sợ hoang mang
Từ đầu năm 2012, hàng loạt trường hợp tử vong vì bệnh lạ ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã khiến cho cuộc sống của hàng trăm gia đình ở xã Ba Điền càng hoang mang tột cùng. Anh Phạm Văn Khiên (36 tuổi), giọng đầy lo lắng: "Năm ngoái được cán bộ của trung ương, tỉnh về khám, kiểm tra... tưởng cái bệnh hết rồi. Vậy mà nay nó trở lại, 'bắt' đi nhiều người quá, bà con trong xã sợ lắm".
Người dân Ba Điền tập trung tại Trạm y tế xã để khám bệnh
Đã hơn 1 tháng nay, kể từ khi chồng và con phải chuyển vào bệnh viện Phong, da liễu Quy Hòa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, để điều trị căn bệnh Dày sừng lòng bàn tay, bàn chân thì mọi công việc nương rẫy, chăm sóc người cha già, rồi trông nom đàn trâu, bò...đều dồn lên đôi vai của chị Phạm Thị Ung (30 tuổi), ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền.
Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, bày tỏ: "Người dân Ba Điền bây giờ ai cũng nơm nớp lo sợ bệnh lạ này. Nhiều người đã đến trụ sở và đến tận nhà để hỏi, nhưng xã có biết và hiểu nhiều về căn bệnh này đâu mà nói, nên chỉ động viên và trấn an bà con thôi".
Đến đưa tang cũng không dám
Nhiều người, kể: "Trước đây gia đình nào có người mất thì dân trong thôn đến giúp và đưa tang nhiều lắm. Thế nhưng từ khi căn bệnh này xuất hiện, đặc biệt là người chết liên quan đến bệnh này thì chỉ có bà con trong dòng họ đến đưa viếng mà thôi, còn người khác thì không dám đến".
Ông Phạm Văn Tiến (54 tuổi), ở Làng Rêu, thở dài: "Vì sợ mắc bệnh nên cách đây mấy hôm thằng Đinh Văn Xí ở thôn kế bên đã dẫn vợ và 2 đứa con sang gia đình vợ để tránh bệnh rồi. Mà đâu riêng gì thằng Xí nhiều gia đình khác trong thôn và vùng lân cận ở Ba Điền đã và đang tính chuyện tạm lánh sang nhà người thân quen ở địa phương khác".
Cán bộ y tế Ba Tơ tiến hành lấy máu của người dân
Không chỉ người dân, mà căn bệnh Dày sừng lòng bàn tay, bàn chân còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền xã Ba Điền.
Được biết, ngoài 3 người bị mắc bệnh phải nghỉ để điều trị, thì ước tính gần 10 trường hợp người thân là con, anh em... của cán bộ trong xã cũng bị mắc bệnh, nên họ cũng xin nghỉ để đưa người thân đi điều trị. Trong khi đó công việc rất nhiều nên số cán bộ còn lại phải chia nhau làm giúp những việc không phải chuyên môn của mình.
“Sở Y tế nói ít, huyện nói nhiều”
Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi tại cuộc họp do UBND tỉnh đã chủ trì vào chiều ngày 18/4, từ ngày 19/4/2011-15/4/2012, tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận 171 trường hợp mắc bệnh ở 5 xã gồm: Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Vinh, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Tô, trong đó có 8 trường hợp đã tử vong.
Bệnh tập trung nhiều nhất là xã Ba Điền với 161 trường hợp ở 84 hộ gia đình; riêng trong năm 2012, có 69 trường hợp mắc mới và 28 trường hợp tái phát, 7 tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, thì số người chết từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 19/4/2011-18/4/2012) là 19 trường hợp.
PGS.TS Khang đang kiểm tra 1 bệnh nhân mắc bệnh tại Ba Điền
Huyện Ba Tơ đã có văn bản đề nghị Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Hóa học thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu tìm ra nguyên nhân.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến- Bệnh viện Phong Da liễu trung ương Quy Hòa (Quy Nhơn), bày tỏ: "Đại đa số các trường hợp tử vong là đã bị biến chứng suy giảm chức năng nội tạng. Vì vậy nếu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị, cũng như tỉ lệ tử vong sẽ được hạn chế rất nhiều. Vào giữa tháng 4, sở y tế tỉnh đã tăng cường cán bộ và thiết bị để cùng với y tế huyện Ba Tơ tổ chức khám cho toàn bộ người dân ở xã Ba Điền".
Sẽ mời chuyên gia y tế nước ngoài
Là một trong số những người đầu tiên có mặt kiểm tra, theo dõi diễn biến của bệnh tại xã Ba Điền; đồng thời trực tiếp điều trị cho không ít bệnh nhân trong suốt một năm qua, thế nhưng PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cũng tỏ ra rất lo lắng trước đợt tái phát vào gần cuối tháng 3 đến khoảng giữa tháng 4 vừa qua.
Theo đó chưa đầy 4 tuần đã có 7 người ở xã này tử vong và hàng chục trường hợp khác mắc bệnh.
Theo PGS TS Khang, thì tuy đến nay vẫn chưa xác định cụ thể, nhưng qua kết quả thu thập và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia nước ngoài, thì nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm độc.
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai nhận định: "Từ kết quả kiểm tra, tìm hiểu thực tế và tư liệu mà các đồng nghiệp cung cấp; mặt khác trong thời gian chiến tranh thì Ba Điền còn có căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy....cho nên tôi cũng có nhận định nguyên nhân gây bệnh như PGS. TS Khang là có thể do bị nhiễm độc. Thế nhưng để có kết luận cụ thể, chính xác thì cần phải chứng minh, làm rõ. Ngoài ra cần phải kiểm tra các nguyên nhân khác".
Th.s Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế, cho biết: Bộ cũng đã thành lập Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, tư vấn định hướng nghiên cứu tìm nguyên nhân gây bệnh.
Nếu trường hợp các chuyên gia trong nước vẫn không tìm ra được nguyên nhân, thì Bộ sẽ mời các cơ quan chuyên môn nước ngoài trợ giúp. Riêng việc điều trị cho số đã mắc Dày sừng lòng bàn tay, bàn chân thì toàn bộ kinh phí do ngành y tế chịu.