Đề xuất trên nằm trong tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp sáng 31/5. Tuy nhiên, theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo, nếu thực hiện theo cơ chế trên sẽ nảy sinh nhiều bất cập lẫn tiêu cực.
Theo giải trình của Chính phủ, trong quá trình thực thi pháp luật về điện lực, việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện trong thời gian qua chưa bảo đảm tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá.
Đáng chú ý, giá bán điện bình quân càng ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào, nên chưa đáp ứng được yêu cầu giảm rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất điện khi thị trường nguyên, nhiên liệu và điều kiện thủy văn biến động lớn.
Cùng với đó, ngành điện cũng chưa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, chưa đảm bảo yêu cầu giá điện được tính đúng, tính đủ để khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải, phân phối điện; chưa tạo động lực cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Khi thực hiện theo cơ chế thị trường, giá điện luôn biến động, không thể bất biến trong một thời gian dài nên việc Luật Điện lực hiện hành giao cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biểu giá bán lẻ đã không còn phù hợp với thực tế.
Theo cơ quan thẩm tra, nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền.
Trên thế giới có nhiều nước điều chỉnh giá điện hàng năm hoặc hàng quý, thậm chí là hàng tháng theo các yếu tố đầu vào có nhiều biến động như: tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thuỷ văn... Tuy nhiên, ở nước ta vì điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt, việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.
Do đó, theo cơ quan thẩm tra, để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu của thị trường nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước thì cần quy định theo hướng: cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách giá của Luật Điện lực, còn các chi tiết về cơ cấu biểu giá cần giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong giải quyết công việc theo tinh thần cải cách hành chính của Nhà nước.
Trong báo cáo thẩm tra dự thảo luật nói trên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường.
Mặt khác, quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước, đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, ủy ban này cho rằng, để phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành điện nước ta và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chính phủ cần phải cân nhắc, nghiên cứu thêm một số vấn đề, chẳng hạn như việc can thiệp giá khi chưa thể thực hiện thị trường điện cạnh tranh hoàn toà; hoặc khái niệm “có sự điều tiết của Nhà nước” cần được cụ thể hóa thông qua các chính sách thuế, các biện pháp kinh tế và tài chính...
Liên quan đến vấn đề giá bán lẻ điện, trong khi Chính phủ đề xuất giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng quy định tại dự thảo luật.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền.
Do đó, ủy ban này cho rằng, Nhà nước cần phải quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân, tức là giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đã quy định.
Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ cần phải cân nhắc bổ sung thêm nội dung Nhà nước có quy định cơ chế điều chỉnh giá, bởi ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chi phối.