Tuy nhiên, chỉ mấy tiếng sau khi nhập viện, gia đình anh Giang đã vĩnh viễn mất đi đứa con trai của mình một cách oan uổng vì sự thiếu trách nhiệm của ê kíp trực tối hôm đó.
Cái chết tức tưởi
Theo lời kể của anh Phạm Văn Giang, bố của cháu Phạm văn Thành Đạt 2 tuổi (xóm 2, xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì cháu Đạt bị sốt từ ngày 23/11, mặc dù gia đình đã điều trị tại nhà nhưng cháu không thuyên giảm mà bệnh tình diễn biến ngày càng nặng nên giữa đêm 26/11 gia đình quyết định đưa cháu vào viện. Tại bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bác sỹ cho cháu Đạt nhập viện. “Đến 3h sáng, tôi thấy cháu sốt cao, nôn mửa, sức khỏe yếu dần nên tôi chạy sang phòng trực gọi y tá xin cho cháu đến phòng cấp cứu nhưng y tá lại nói gia đình cứ yên tâm cháu không sao cả, cho cháu uống kháng sinh tiêu đờm vài hôm sẽ đỡ. Quá lo lắng, gia đình tôi tiếp tục xin được chuyển lên tuyến trên thì y tá trả lời là lên tuyến trên họ cũng điều trị như vậy thôi nên gia đình cứ yên tâm ở lại và hãy chờ đến 5h sáng bác sỹ phòng nội soi đến sẽ tiến hành nội soi cho cháu”, anh Giang vừa khóc vừa trình bày. Đến hơn 5h sáng ngày 27/11, cháu Đạt càng lúc càng yếu dần, gia đình hoảng hốt chạy sang kêu ê kíp trực thì y tá mới tá hỏa gọi bác sỹ trực. Tuy nhiên cháu Thành Đạt đã chết ngay sau đó ít phút do không được cấp cứu kịp thời.
Trách nhiệm thuộc về y tá trực?
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân tử vong của cháu Phạm Văn Thành Đạt, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu. Khi được hỏi về trách nhiệm của mình, bác sỹ Trần Quang Khải, Trưởng khoa Lây đồng thời là bác sỹ trực đêm 26/11 cho rằng: “Hôm đó tôi chịu trách nhiệm trực hệ ở cả 3 khoa cấp cứu, khoa Lây và khoa Nội nhi. Khi bệnh nhân nhập viện tôi đã tiến hành thăm khám, chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên và đã cho thuốc điều trị. Thông thường bác sỹ trực hệ chủ yếu trực ở khoa cấp cứu, nếu khoa nào có trường hợp đột xuất cần thăm khám thì y tá trực sẽ mời bác sỹ trực đến. Riêng trường hợp cháu Đạt, trong suốt thời gian từ khi tôi thăm khám cho cháu lúc 22h30 (lúc cháu Đạt vào nhập viện) cho đến 5h15 sáng hôm sau, tôi mới được y tá trực báo cáo tình trạng bệnh nhân. Lúc nhận được tin, chúng tôi chạy đến tiến hành cấp cứu nhưng do tình trạng bệnh nhân đã quá nặng không thể cứu vãn được nữa".
Ông Vũ Văn Phú, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã họp phân tích tuy nhiên do thời gian gấp rút nên đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra cái chết cho cháu Đạt. Nói về trách nhiệm của ê kíp trực đêm 26/11, ông Phú cho rằng cái sai thuộc về 2 y tá trực là Lê Thị Trang và Trần Thị Hồng bởi theo nguyên tắc khi bệnh nhân có dấu hiệu xấu và gia đình đã yêu cầu cấp cứu nhưng y tá vẫn không mời bác sỹ đến. Đến lúc tình trạng bệnh của cháu đã quá nặng mới thông tin cho bác sỹ thì đã quá muộn không thể cứu vãn. Hiện chúng tôi cũng đã họp kiểm điểm và rút kinh nghiệm cho nhân viên tại khoa Nội nhi".
Điều đáng nói là sau cái chết của cháu Thành Đạt, đến nay bệnh viện vẫn chưa tiến hành họp hội đồng khoa học để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Đạt cũng như chưa có báo cáo bằng văn bản sự việc lên cấp trên.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này.