Bóng đá Việt Nam nếu ai cũng làm bài bản và chịu đầu tư vì sự phát triển chung như bầu Thắng, bầu Đức, có lẽ giờ đã không rơi vào cảnh loạn. Thậm chí bầu Kiên đang rơi vào vòng lao lý, cũng được xếp là một trong những ông bầu có công với bóng đá Việt Nam. Bầu kiên đi tiên phong trong phong trào doanh nghiệp bắt tay vào làm bóng đá. Năm 2003, ông trùm ngành ngân hàng khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi đưa Lajos Detari, một trong những cầu thủ vĩ đại của bóng đá Hungary về dẫn dắt đội. Điểm nhấn đáng nhớ trong sự nghiệp làm bóng đá của bầu Kiên, chính là phát biểu gây rúng động tại lễ tổng kết mùa giải 2011, tạo ra bước ngoặt với bóng đá Việt Nam với việc ra đời VPF.
Nhìn chung những thế hệ sơ khai như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Kiên đều làm bóng đá đầu tiên là vì tâm huyết, vì sự phát triển chung. Đó là lý do mà thời gian đầu của bóng đá chuyên nghiệp, ít có nhiều biến động, đời sống bóng đá phẳng lặng, hiếm mùa nào BTC giải phải lo chuyện vỡ giải.
Tuy nhiên, kể từ khi bóng đá thị trường trở nên biến tướng với việc xuất hiện những ông bầu thích ăn xổi, thích những scandal hơn là làm bóng đá, thì bóng đá Việt Nam bắt đầu loạn. Trong số những ông bầu làm bóng đá dạng này, điển hình nhất là hai ông bầu gây nhiều tai tiếng thời gian qua là bầu Trường và bầu Thụy.
Loại bỏ không thương tiếc HLV từng là công thần khi dẫn dắt đội bóng lên được V-League, bỏ ra gần chục tỷ đồng mua về những chân sút hàng đầu, nhưng lại sẵn sàng cho đội bóng khác mượn hoặc bán với giá rẻ, quả thật cách làm của bầu Trường chẳng giống ai.
Bầu Trường từng cùng cò Đại đẩy giá cầu thủ lên cao, để hiện tại phải nợ lương họ. Ảnh: Thế Ngọc
Chỉ mới “ló” mặt ở sân chơi bóng đá Việt Nam vài năm nay sau khi bỏ tiền ra mua xuất hạng Nhất của Sơn Đồng Tâm, Ninh Bình “lột xác” liên tục và nhanh chóng ghi tên mình vào hàng ngũ “đại gia” trong làng bóng đá quốc nội với chi phí đầu tư vào mỗi đầu mùa đạt con số chóng mặt. Trở thành đội bóng có tiếng ở V-League, công đầu tiên phải nhắc đến bầu Trường, một ông bầu chịu chơi nhưng cũng có cách làm bóng đá rất “dị”.
Sau những lần vung tiền mua sắm vô tội vạ, để rồi sau đó, Ninh Bình giống như một cái “chợ”, cả về cầu thủ lẫn HLV. Đá bóng thì ít mà “vặc” nhau thì nhiều. Thừa thãi trên băng ghế dự bị nhưng ra sân thì rất ít người đá đấm cho ra hồn. Còn HLV thì thay như thay áo.
Bầu Trường đã tạo nên một thứ bản sắc rất tạp với những cầu thủ tứ xứ. Chính sách mua sắm không tiếc tiền của bầu Trường vô tình đẩy giá chuyển nhượng cầu thủ tăng vọt. Giờ thì cách làm của bầu Trường đã khiến ông bầu này “lĩnh đủ”. Mới nhất, toàn bộ các cầu thủ trong đội đã đình công, bỏ tập nếu như tiền nợ lương 3 tháng không được trả. Hôm qua, bầu Trường quyết định mạnh tay xử những trường hợp có biểu hiện chống đối, trong đó có cả trợ lý HLV Nguyễn Đức Cảnh. Thậm chí bầu Trường còn dọa sẽ cho giải thể cả đội bóng chỉ bởi cầu thủ dám lên tiếng vì bị nợ lương vài tháng.
Một ông bầu khác cũng có cách làm khá giống bầu Trường là bầu Thụy. Ông bầu sinh năm 1976 này thậm chí còn nổi tiếng hơn về khoản chịu chơi và cách làm bóng đá mang tính ngẫu hứng. Mới gần nhất, ông bầu này chỉ đạo em ruột mua Navibank Sài Gòn rồi định cho không Hà Tĩnh. Ngay cả CLB Sài Gòn Xuân Thành, cũng đang được bầu Thụy biếu cho TP HCM. Cứ mỗi một quyết định của bầu Thụy, bóng đá Việt Nam lại thêm rối, khiến VFF, VPF cứ phải chạy theo để giải quyết.
Những gì mà bầu Trường, bầu Thụy làm, chẳng ai bảo vì bóng đá. Thậm chí chỉ cần phật ý điều gì, là những ông bầu này dọa sẽ bỏ ngay, sẵn sàng để hàng trăm con người phải đứng đường.
Bóng đá Việt Nam trong một thời gian dài đã quá lệ thuộc vào các ông bầu, nên giờ các ông bầu chỉ cần “hắt hơi sổ mũi” là khối người lo giải đấu sẽ vỡ. Như Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng nói, đã đến lúc bóng đá Việt Nam không thể sống mãi bằng bầu sữa của các ông bầu, mà phải bằng khán giả.
Đây là cơ hội để cơ cấu lại, “thanh lọc” những ông bầu không thích làm bóng đá mà chỉ thích "phá đám".