Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua tranh quyết liệt

Tiếp theo các hoạt động quy mô lớn để vận động sự ủng hộ của cử tri Pháp trong cuộc đua giành chiếc ghế ông chủ Điện Elize, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy có bài diễn thuyết chỉ trích mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào đối thủ François Hollande.

Trước hàng nghìn người ủng hộ ở thành phố Lyon, ông Sarkozy chỉ trích ông Hollande không tôn trọng người dân, đánh cược tương lai của người dân và tiến hành chiến dịch tranh cử bằng những lời dối trá. Tổng thống Sarkozy cho rằng “đây không phải là lúc cho các thử nghiệm kinh tế liều lĩnh và các dự án viển vông”.

Giai đoạn đầu quan trọng của cuộc đua giành ghế Tổng thống Pháp kết thúc tối 16/3 với việc các ứng cử viên hoàn tất quy trình nộp danh sách 500 chữ ký ủng hộ của các chính khách, quan chức chính quyền theo luật định.

Dù có 10 ứng cử viên hoàn tất quy trình nộp danh sách - điều kiện bắt buộc để bước vào cuộc đua, song trên thực tế, sàn đấu này chỉ dành cho 2 ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Sarkozy thuộc đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và ông Hollande thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS).

Ông Sarkozy (phải) đang thất thế trước ông Hollande - Ảnh: Reuters

Các bài diễn thuyết tranh cử của ông Sarkozy trong tuần này chủ yếu tập trung vào các chính sách thuộc lĩnh vực đổi mới đô thị và chủ đề văn hóa, gia đình. Trong khi đó, bài diễn văn về châu Âu của ứng cử viên PS Hollande ngày 17/3 tại Paris, dù được xem là rất quan trọng, song làm người dân thất vọng khi họ không nhận thấy sự đột biến hay nét mới nào mà chỉ là tổng hợp lại những gì ông nói từ những tháng trước.

Cho rằng châu Âu đang trải qua cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, ứng cử viên PS lặp lại ý tưởng liên quan đến “điều ước châu Âu về sự ổn định, quản trị và tăng trưởng” có thể thay thế cho Hiệp ước về kỷ luật ngân sách, được 25 trên 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ký kết.

Ông Hollande từng khẳng định nhiều lần cho rằng nếu được bầu làm Tổng thống Pháp, ông sẽ yêu cầu thương lượng lại Hiệp ước về kỷ luật ngân sách của châu Âu được ký kết song chưa được phê chuẩn.

Đối mặt với lực lượng cánh hữu bảo thủ đang nắm quyền ở đa số các nước Tây Âu, ông Hollande huy động được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo cánh tả châu Âu có mặt trong cuộc gặp tại Paris ngày 17/3 như thủ lĩnh đảng SPD (Đức) Sigmar Gabriel; Chủ tịch Đảng Xã hội châu Âu Sergueï Stanichev; Chủ tịch đảng Dân chủ Italy Pier Luigi Bersani; Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz.

Ngoài ra, sự tham gia của hai cựu Thủ tướng Pháp Laurent Fabius và Lionel Jospin, được cho là dấu hiệu của sự hòa giải, thống nhất trong nội bộ PS trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Pháp, ứng cử viên Sarkozy đang có những bước tiến đuổi kịp ứng cử viên Hollande về số phiếu ủng hộ trong vòng một diễn ra vào ngày 24/4.

Hãng IFOP công bố kết quả thăm dò ngày 17/3 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy tăng từ 33% trong tháng 2 lên 36% trong tháng 3. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ông nhận được (65%) trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra năm 2007.

Đối với vòng hai dự kiến diễn ra ngày 6/5, các cuộc thăm dò dư luận hiện vẫn nghiêng về chiến thắng của ông Hollande, dù khoảng cách dẫn điểm giữa hai ứng cử viên hàng đầu đang giảm dần. Kết quả thăm dò của Viện CSA cho thấy trong vòng hai, ông Hollande có khả năng giành 54% số phiếu bầu so với tỷ lệ 46% của ông Sarkozy.