Dự án xây dựng TTTM chợ Mơ đã khởi công tháng 12/2008 và sẽ hoàn thành vào quý II/2012 nhưng đến nay công trình mới chỉ xây dựng đến tầng 17
Hụt hơi, cầm chừng
Chúng tôi đã có cuộc khảo sát các dự án trên địa bàn Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến Dự án Khu nhà ở cao cấp Skylight tọa lạc tại số 125D Minh Khai, Hai Bà Trưng do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Coma làm chủ đầu tư. Dự án đã khởi công xây dựng từ tháng 6/2009, dự kiến hoàn thành tháng 6/2011, được xây dựng trên diện tích rộng 15.534m2, gồm 2 tòa nhà chung cư cao cấp 22 tầng và 14 nhà liền kề có vườn, cao 3 tầng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, dù đã gần hết quý I/2012 nhưng dự án mới đang thi công 2 tòa nhà đến tầng 13, còn phần xây dựng nhà liền kề thì vẫn là khu đất trống, chưa được triển khai.
Một công nhân làm việc tại đây cho biết: Dự án chỉ triển khai xây dựng đều từ tháng 11/2011, còn trước kia thì hầu như có triển khai nhưng rất chậm. Tuy đang được triển khai nhưng công nhân này cho biết, hiện chỉ có khoảng 120 công nhân làm việc trên toàn bộ dự án, nguyên vật liệu nhập về nhiều khi không đủ cho công nhân thi công. Với tiến độ thi công này, một công nhân khác dự kiến ít nhất 2 năm nữa dự án mới hoàn thành.
Hiện nay, các dự án chậm tiến độ đang là vấn đề bức xúc với nhiều người dân đã mua nhà tại các dự án này. Cụ thể khi phóng viên đến tìm hiểu tại Dự án phá dỡ và xây dựng mới nhà ở cao tầng và văn phòng làm việc, số 187 Tây Sơn, Đống Đa. Chị Lan Anh - một người dân đã mua căn hộ tại dự án này chia sẻ, vợ chồng chị đã vay ngân hàng mua nhà với lãi suất 22%/năm, ngốn phần lớn thu nhập hàng tháng của gia đình. Hiện tại anh chị phải thuê nhà hàng tháng với chi phí 6 triệu đồng/tháng. “Tiền chôn vào dự án không biết làm cách nào lấy ra. Hiện tại tôi rất muốn bán căn hộ của mình vì nhận thấy tiến độ thi công đang diễn ra quá chậm” – chị Lan Anh bức xúc.
Dự án do Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 9/2009 và dự kiến hoàn thành quý II/2012, nhưng đã gần hết quý I mà công trình này mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà 17 tầng. Theo quan sát của phóng viên, công trình đang thi công với số lượng công nhân ít ỏi, công trường vắng lặng, chỉ có lác đác vài chục công nhân làm việc.
Tương tự, dự án xây dựng Trung tâm Thương mại chợ Mơ đã khởi công tháng 12/2008 trên diện tích đất là 11.154m2, tại số 459C, Bạch Mai, Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến xây dựng 3 khối nhà cao từ 5 đến 25 tầng, và sẽ hoàn thành vào quý II/2012 nhưng đến nay công trình mới chỉ xây dựng đến tầng 17. Hiện, công trình cũng đang gấp rút xây dựng nhưng với hạn hoàn thành đã gần hết thì công trình vẫn không thể đuổi kịp tiến độ đề ra.
Các công trường đều vắng bóng công nhân thi công
Cũng chung cảnh ngộ, dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ Hapro, 11B Cát Linh, Đống Đa, do Tổng công ty Thương Mại Hà Nội làm chủ đầu tư đã khởi công tháng 1/2010, dự kiến hoàn thành cuối năm 2011 nhưng đến nay, công trình mới hoàn thiện xong phần thô và đang tiếp tục thi công.
Hay như mới đây nhiều khách hàng mua dự án chung cư cao cấp Usilk city (Văn Khê- Hà Đông) đã rất lo ngại khi 9 tòa nhà thuộc dự án này đều bị chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. Điều đáng nói, nhiều khách hàng đã nộp 100% tiền mua nhà để được nhận khuyến mãi một phần diện tích sàn trung tâm thương mại. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 9 tháng mà phần lớn toà nhà vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”.
Bên cạnh đó, còn nhiều công trình, dự án khác cũng đang thi công một cách cầm chừng như: Dự án Tricon Tower (Hoài Đức), dự án SMS Hoàng Gia (Hà Đông), dự án Trung Yên Plaza (UDIC), chung cư G3AB Yên Hòa (Cầu Giấy), chung cư L3,L4,L5 (Ciputra)… cho thấy nhiều chủ đầu tư đã 'hụt hơi'.
Khách hàng lĩnh đủ
Năm vừa qua, do tác động của tình hình kinh tế thế giới cùng chủ trương thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn trong đó nhiều dự án tạm dừng và hoãn tiến độ triển khai, thị trường BĐS trầm lắng, giảm sút cả về mặt giá cả và lượng giao dịch, các doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là do chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn. Do không huy động được số vốn tối thiểu từ khách hàng, hoặc từ nguồn khác để tiếp tục dự án, mà bản thân những doanh nghiệp này gần như hoàn hoàn phụ thuộc vào nguồn vốn này nên họ buộc phải dừng dự án.
Theo Bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE, trong hoàn cảnh này, người mua nhà chịu thiệt thòi lớn nhất. Những tổn thất mà nhóm khách hàng này phải chịu gồm: Tổn thương về tài chính, mất chi phí cơ hội, mất niềm tin, tỷ lệ rủi ro suất đầu tư bị đẩy lên cao... Chính vì vậy, thời điểm này khách hàng nên cân nhắc khi tham gia dự án của các doanh nghiệp BĐS, nhất là các chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm.