Đường dây làm bằng giả chuyên nghiệp
Sáng 15/1, tin tức từ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an TP.HCM) cho biết, vừa phối hợp với Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng Cục cảnh sát - Bộ Công an khám phá một đường dây chuyên làm giả các loại bằng cấp cho khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, đích thân Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cùng ban Lãnh đạo PC45 trực tiếp chỉ huy lực lượng trinh sát Đội 4 (PC45) khám phá đường dây này với chuyên án mang bí số 414G.
Vào tối 12/1, các tổ trinh sát Đội 4 kết hợp với các Phòng, Ban nghiệp vụ trong chuyên án lần lượt truy quét tại khu vực phường 6 và phường 8 (quận Gò Vấp, TP. HCM) và TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), triệu tập 13 người liên quan về trụ sở làm việc. Qua khám xét, Cơ quan điều tra thu giữ trong người của Nguyễn Ngọc Thiệu 3 bằng tốt nghiệp đại học của các trường đại học Kinh tế TP.HCM, đại học Điện lực bị nhóm này làm giả.
Đến ngày 14/1, PC45 đã ra lệnh bắt khẩn cấp 9 nghi phạm trong nhóm làm bằng giả gồm Phạm Đăng Thành, Nguyễn Ngọc Thiệu, Lê Văn Tượng, Nguyễn Thanh Nguyên, Nguyễn Tấn Đây, Đinh Văn Quang, Nguyễn Hiệu, Tấn Ngọc Hoàng và Chu Ngọc Trung để điều tra, làm rõ về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Các đối tượng trong đường dây làm bằng giả bị bắt.
Từ lời khai của các đối tượng, lực lượng trong chuyên án 414G đã phối hợp lần dò ra "ông trùm" đường dây làm bằng giả. Theo đó, nhóm của Thành chỉ thực hiện công việc kiếm khách hàng và đặt làm hàng còn thực chất người "sản xuất" ra các loại bằng cấp giả lại là một "ông trùm" khác hoạt động giấu mặt từ lâu. Trước những chứng cớ không thể chối cãi, các đối tượng đã khai nhận từ tháng 2/2014 đến nay, nhóm đã làm giả khoảng 500 bằng cấp các loại như thạc sỹ, cử nhân, bảng điểm, học bạ... của các trường đại học danh tiếng trong nước với giá từ 5 - 9 triệu đồng/bằng cho nhiều người đặt mua ở nhiều tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Các loại bằng giả cơ quan công an thu giữ được.
Theo lời khai của các nghi phạm, ban đầu Phạm Đăng Thành (còn gọi Long "chùa", 25 tuổi, quê Quảng Ngãi) đăng lên Facebook quảng cáo nhận làm bằng cấp giả các loại nói trên với sự đảm bảo không thể phát hiện thực - hư. Khi có khách hàng đặt mua, Thành cử các đàn em là Nguyễn Ngọc Thiệu (tự Ấn), Lê Văn Tượng, Nguyễn Hiệu và Đinh Văn Quang cùng quê Quảng Ngãi đi gặp khách hàng để lấy thông tin, làm bằng giả, lấy tiền sau khi làm xong. Khi đã có kinh nghiệm và số lượng khách hàng tăng dần, đến tháng 8/2014, Tượng và Hiệu đứng ra trực tiếp đăng thông tin, số điện thoại và số tài khoản trên mạng để nhận làm bằng giả với hình thức giống Thành.
Lật mặt "ông trùm"
Q., một người có nhu cầu mua bằng giả, hiện đang theo học ở trường ĐHQG TP.HCM tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: "Cách đây hai tháng nhiều người bạn của em đã nói về đường dây làm bằng giả đăng tải trên mạng mang tên Thành. Lúc đầu nhiều đứa không tin, sợ bị lừa nhưng sau khi tìm hiểu thấy đường dây này làm có uy tín nên mấy đứa bảo nhau làm. Tụi em đang tính hẹn gặp mua bằng, trả tiền thì không ngờ nhóm này bị bắt".
Nắm bắt được nhu cầu cần có bằng cấp cao để phục vụ công việc của nhiều người, nhóm của Thành đã tự tìm hiểu lần ra đường dây làm bằng giả chuyên nghiệp tại Đồng Nai. Qua tìm hiểu Thành quen biết với "ông trùm" Chu Ngọc Trung (SN 1983, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chuyên in ấn, làm giả con dấu các loại bằng cấp. Sau một vài phi vụ làm ăn lấy lòng tin, Thành ngày càng được “ông trùm” tin tưởng và giao dịch với giá bán thấp. Nhóm của Thành đặt "ông trùm" Trung làm bằng giả với giá từ 2 đến 4 triệu đồng/bằng, Thành giữ vai trò môi giới và bán lại bằng với giá từ 5 đến 9 triệu đồng/bằng. Để mở rộng chuyện làm ăn, Thành tìm thêm một số đối tượng thân thiết tham gia vào đường dây và chia chác lợi nhuận.
Lần theo thông tin trên, PV đã đến tìm hiểu thực tế tại khu vực gần căn nhà số K3/229 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai của vợ chồng "ông trùm" Trung. Nhiều người dân cho biết đường dây này đã hoạt động từ lâu và từng bị bắt vì tội làm bằng giả. Trước đây vợ của "ông trùm" Trung tên là Nguyễn Kiều Vang (SN 1986) cũng từng bị bắt vì tội làm bằng giả. Được biết hiện Vang đang chịu sự quản thúc cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan công an thành phố Biên Hòa. Tuy vậy, vợ chồng "ông trùm" vẫn "ngựa quen đường cũ", tiếp tục tổ chức làm bằng giả để kiếm lợi bất chính.
Để bảo vệ đường dây được kín đáo, "ông trùm" Trung không trực tiếp giao dịch mà giao cho đàn em của mình liên hệ với Thành. Mỗi phi vụ làm ăn, Thành đều phải gửi email thông tin của khách tới "ông trùm", khi nhận bằng thì Thành được Trần Trọng Hoàng hành nghề xe ôm (một đàn em của "ông trùm") mang đến giao và lấy tiền. Bên cạnh Thành cũng có những đệ tử thân tín, một trong số đó là Nguyễn Ngọc Thiệu. Mỗi phi vụ làm ăn, Thành nhận "đơn đặt hàng" rồi sai Thiệu đi lấy thông tin của khách và trả cho Thiệu mỗi lần 500.000 đồng. Đến trưa ngày 12/1, khi Thiệu đang thực hiện giao bằng giả cho khách thì bị bắt và khám xét nơi ở.
Khai thác các đối tượng, Cơ quan điều tra lần tìm ra đường dây hoạt động của “ông trùm” Trung. Khi khám xét nơi làm việc của "ông trùm", cơ quan công an phát hiện tại đây có 2 máy in, 3 máy tính, 1 máy sấy, 1 bàn ủi, 2 máy photocopy, 5 phôi bằng, 28 bảng điểm, 39 bản mộc tên, 7 mộc tròn, 5 mộc vuông, 197 học bạ đủ các loại...