Barcelona sẽ ra sao nếu Catalunya độc lập?

Với 80% các cử tri Catalunya muốn tách ra khỏi TBN, Barcelona và Espanyol có thể sẽ phải nói lời chia tay La Liga.

Xavi Hernandez đã đi bỏ phiếu, cả các đồng đội của anh là Sergi Roberto và Martin Montoya, các lãnh đạo CLB hiện giờ và trong quá khứ như Sandro Rosell, Joan Laporta và Josep Maria Bartomeu cũng vậy. HLV Pep Guardiola cũng đã tới điểm trưng cầu dân ý. Các cầu thủ Barcelona tranh thủ trở về quê nhà cho kịp giờ bỏ phiếu sau trận đấu với Almeria, trong khiGuardiola bay về từ tận Munich. Ông có mặt tại một trong 1.317 điểm bỏ phiếu ở Catalunya vào quá trưa ngày Chủ nhật, một trong 2 triệu người đi bày tỏ ý nguyện trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của Catalunya.

Có 2 câu hỏi được nêu ra trong lá phiếu. Câu thứ nhất hỏi liệu Catalunya có nên tách ra thành một nhà nước. Câu thứ hai hỏi nếu câu thứ nhất là đồng ý, thì liệu Catalunya có nên tuyên bố độc lập. Kết quả cho thấy có 80,7% câu trả lời có cho cả hai câu hỏi. 10% trả lời có cho câu thứ nhất và không cho câu thứ hai, 4,5% trả lời không với cả hai. Chính quyền TBN nói cuộc bỏ phiếu là “phản dân chủ”, “bất hợp pháp” và “vô nghĩa”. Chính quyền Madrid từ chối mọi thương lượng về độc lập của Catalunya. Tòa án hiến pháp TBN cũng đã ra phán quyết cấm cuộc trưng cầu dân ý và trên lý thuyết, việc tổ chức cuộc bỏ phiếu có thể bị truy tố. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý vẫn diễn ra.

Câu hỏi giờ là điều gì sẽ đến tiếp theo. Đó là một câu hỏi cũng quan trọng với các chính trị gia như với những CLB bóng đá ở Catalunya. Liệu họ sẽ tiếp tục chơi ở giải vô địch TBN hay không? Tuy nhiên, câu hỏi này sẽ có những câu trả lời khác nhau ở Barcelona và Espanyol. Barcelona từ lâu đã là một đội bóng cổ súy cho chủ nghĩa độc lập của Catalunya, nhưng bản sắc và lịch sử của họ hoàn toàn khác với Espanyol.

Không lâu sau cuộc nội chiến, báo TBN Marca đã viết một bài bình luận nói Espanyol là “một đội bóng của những người dân ái quốc (TBN)” và Barcelona “sử dụng thể thao làm bình phong cho chủ nghĩa ly khai”. Nhưng hôm Chủ nhật, Chủ tịch Espanyol Joan Collet cũng đi bỏ phiếu và trong trận họ gặp Villarreal, trên các khán đài xuất hiện cả những lá cờ Catalunya và quốc kỳ TBN.

Liên hệ của Barcelona với Catalunya rõ ràng hơn và CLB tự hào với tầm ảnh hưởng về mặt chính trị và xã hội của họ, thông qua khẩu hiệu: “Còn hơn một đội bóng”. Một thành viên của quốc hội Catalunya lưu vong ở Anh trong nhiều năm từng kể bố ông nói với ông rằng “ngày mà những tiếng hô vang đòi độc lập vang lên ở Camp Nou sẽ là ngày chúng ta chiến thắng”. Trong 2 năm qua, cứ vào phút 17, giây thứ 14 của mỗi trận đấu, những tiếng hô đòi độc lập đó đã vang lên, và chúng không hề bị gió cuốn đi.

Nhưng tinh thần địa phương chủ nghĩa cũng đã đẩy Barcelona vào một vị thế khó xử. Đội bóng chọn cách im lặng và một tuần trước đã phải cấm một tấm băng-rôn tuyên bố Catalunya là một quốc gia độc lập ở châu Âu. Trong khi đó, trên áo đấu và khắp sân bóng, cái tên địa lý xuất hiện nhiều nhất là “Qatar”. BLĐ duy lý của Barca đơn giản chỉ muốn kiếm tiền cho đội bóng, tập trung vào phát triển cơ sở CĐV toàn cầu và không mặn mà lắm với những ý tưởng chính trị.

Dễ hiểu là một số người hâm mộ Barca bản xứ đã cáo buộc CLB không thể hiện một lập trường can đảm rõ ràng về vấn đề độc lập tương xứng với truyền thống và lịch sử của họ. Trong nội bộ đội bóng, BLĐ Barca vẫn nói với nhau rằng họ sẽ tránh xa chính trị, họ không phải là lực lượng dẫn dắt trong vấn đề này và tuân theo ý kiến của người dân Catalunya. BLĐ CLB cũng giải thích rằng họ ở thế khó và không được lựa chọn, dù lời giải thích đó chỉ đúng một phần.

Với rất nhiều người TBN không thuộc xứ Catalunya, Barcelona vẫn là một thế lực thúc đẩy độc lập, với một vị thế đặc biệt không ai sánh được. Trong những trận họ gặp Espanyol, các CĐV đối phương thường hay hát vang bài “Y Viva Espana” (TBN muôn năm) với những lá quốc kỳ vẫy cao như một cách bày tỏ thái độ. Các cầu thủ Barca cũng thường xuyên được nhắc nhở rằng TBN là ĐTQG của họ và nhiều lần ở các giải lớn, thái độ của họ từng bị nghi ngờ.

Câu hỏi lớn đặt ra là nếu Catalunya độc lập, Barcelona và Espanyol sẽ ra sao? Chính thức thì Barcelona không trả lời công khai câu hỏi đó. Họ thậm chí còn không muốn bị hỏi một câu như thế. Nhà chức trách bóng đá TBN cũng đã cố gắng giữ im lặng cho tới trước cuộc trưng cầu dân ý.

Nhưng sau khi kết quả được công bố, họ đã buộc phải lên tiếng và Chủ tịch La Liga - Javier Tebas xác nhận nếu Catalunya độc lập, Barcelona sẽ phải rời giải.

Tebas giải thích đó hoàn toàn là vấn đề luật định kỹ thuật: Điều lệ La Liga chỉ cho phép một ngoại lệ duy nhất các đội nước ngoài được tranh tài ở giải vô địch TBN là những đội của tiểu quốc Andorra. Tất nhiên, luật lệ cũng do con người viết ra và có thể điều chỉnh, nhưng nếu ngay lúc này Catalunya độc lập, thì Barca sẽ phải rời giải đấu. Cũng cần nhắc rằng Tebas từng là một thành viên của phong trào chính trị cánh hữu Fuerza Nueva. Ông thừa nhận là một người TBN yêu nước, ông không thể im lặng về vấn đề này.

Nhưng đồng thời, ông cũng là chủ tịch giải đấu. Thật ra thì việc Barcelona (hay Espanyol) rời giải chẳng có lợi cho ai cả. Trái lại, tất cả đều sẽ phải chịu thiệt thòi. Các hợp đồng bản quyền truyền hình, tài trợ và khán giả đến sân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Một giải đấu vốn chi có 2 đội thống trị giờ sẽ chỉ còn lại 1 đội và ngay cả Real Madrid khi đó cũng sẽ thiệt hại rất nhiều.

Barcelona và Espanyol sẽ thiệt hại nhiều hơn. Trong dài hạn, Barca, với quy mô, sự mến mộ dành cho họ, lối chơi đẹp và những tài năng, có thể dần hồi phục. Espanyol ít chắc chắn hơn. Nhưng ngay tức khắc, thiệt hại là rất khó đong đếm. Mà ngay cả trong dài hạn, những tính toán là rất phức tạp. Họ có thể xin thi đấu ở BĐN hay Pháp, nhưng các thủ tục dự kiến sẽ kéo dài và cuộc thương lượng không hề dễ dàng. Còn khả năng tổ chức một giải vô địch riêng của Catalunya với đủ sức hút lúc này là không khả thi. Đội mạnh thứ ba của vùng đất này là Girona, đang chơi ở giải hạng Nhì, với số khán giả trung bình tới sân là 5.500. Tệ hơn nữa, đội mạnh thứ tư: chính là Barcelona B!