Ibra rời Nou Camp vào tháng 8/2011, nhưng trong mắt Pep, chân sút người Thụy Điển đã trở thành “người vô hình” từ tháng 3. Suốt 5 tháng ròng rã, Pep không thèm nói chuyện với Ibra lấy một câu.
Cựu HLV của Barca không hề giấu lý do ông ghét Ibra như xúc đất đổ đi: “Cậu ta mắc bệnh ngôi sao”. Pep còn ám chỉ Ibra cố tình kéo bè kéo phái, lập hàng rào bao quanh mình, phá vỡ những giá trị đoàn kết truyền thống của đội chủ sân Nou Camp. Với Pep và Barca, chủ nghĩa cá nhân là thứ không được phép tồn tại.
Đoàn kết, đó là một trong những sức mạnh kinh điển giúp Barca vượt mặt Real Madrid – tập thể luôn có sẵn những “băng nhóm” đối đầu lẫn nhau, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Ở TBN, người ta gọi Barca là một đội bóng, còn Real, đơn thuần chỉ là những tập thể nhỏ ghép lại.
Nhưng bây giờ Pep đã ra đi và có vẻ như tinh thần đoàn kết trong tập thể Barca cũng đang dần mai một theo thời gian. Sở dĩ tác giả dùng khái niệm “có vẻ như” là bởi cũng chưa có dấu hiệu cụ thể nào chứng tỏ nội bộ Barca đang xuất hiện nhóm “quyền lực đen” triệt tiêu những cá thể không cùng chí hướng.
Nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng không có nghĩa là “quyền lực đen” không tồn tại. Sự kiện Leo Messi, ngôi sao sáng nhất của Barca cùng một số cầu thủ nằm trong nhóm công thần được đối đãi trên mức bình thường chính là dấu hiệu manh nha của khái niệm quyền lực tập trung vào một nhóm người cố định.
Trong những kỳ nghỉ lễ, nhóm Messi, Xavi, Iniesta, Puyol, Pique… luôn được ưu tiên về tập trung muộn hơn so với các đồng đội. Thậm chí có nguồn tin từng khẳng định rằng, vào kỳ Giáng sinh năm ngoái, Messi thậm chí còn không thèm góp mặt trong buổi tập đầu tiên sau kỳ nghỉ.
Hay như trận bán kết Champions League lượt về với Chelsea năm ngoái, cầu thủ trẻ Isaac Cuenca ngay lập tức bị Messi mắng té tát vào mặt sau một tình huống xử lý có phần cá nhân. Thực ra trong pha bóng mà Cuenca chủ động dứt điểm ở góc hẹp thay vì tung ra một đường căng ngang có thể bị bắt bài, cầu thủ trẻ này xử lý không hề sai. Nhưng trong mắt Messi dường như không có chuyện những cầu thủ trẻ được phép vượt mặt đàn anh.
Tất nhiên, mọi chuyện mới chỉ dừng ở ngưỡng lo ngại. Người ta chỉ lo tập thể vốn xây dựng lối chơi dựa trên sự ăn ý giữa các cá nhân như Barca bỗng dưng xuất hiện “quyền lực đen”, sẽ gián tiếp kéo Gã khổng lồ xứ Catalan tuột khỏi đường ray. Những fan Barca từng cười vào sự kiện Ronaldo bỗng dưng cảm thấy buồn vì bị cô lập, sẽ nghĩ sao nếu một ngày nào đó, ở Barca cũng xuất hiện sự kiện tương tự với một cầu thủ không đến từ tổ ấm La Masia? Đó sẽ là ngày tiqui-taca không còn là của Barca nữa.