Bảy tỏ sự phẫn nộ trước việc bạo hành tại trường mầm non tư thục Phương Anh, ở quận Thủ Đức, TP HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM cho biết, hành vi đánh đập, gây đau đớn, tổn thương cho các em nhỏ của Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác quy định tại khoản 2, Điều 110 Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với khung hình phạt 1-3 năm tù. Đồng thời, họ phải có trách nhiệm bồi thường khi gia đình nạn nhân yêu cầu nếu hành vi bạo hành gây thương tích hoặc tổn hại đến tinh thần các em.
“Những đứa trẻ không có tội tình gì, hoàn toàn không có khả năng tự vệ bị chính các cô giáo của mình - thay vì có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc - lại đánh đập tàn nhẫn. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, cần xử nghiêm”, vị luật sư bức xúc.
Ngoài ra, luật sư Hậu cho rằng, đã có đủ cơ sở để xem xét khởi tố thêm 2 người này tội Cố ý gây thương tích. Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, tuỳ theo tỷ lệ thương tật và hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Chung quan điểm, luật sư Trần Quốc Dũng (đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình (ở đây là những em nhỏ) của các bảo mẫu là có hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần và thực hiện một cách cố ý... gây đau đớn về cả thể xác và tinh thần cho các cháu nhỏ đã có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích. Việc xác định tỷ lệ thương tật là căn cứ quan trọng trong việc định tội đối với người thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, điều 104 BLHS thì dù tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng phạm tội đối với trẻ em (điểm d) thì cũng đủ căn cứ để truy tố về tội danh Cố ý gây thương tích.
"Thời điểm này thì khó có thể xác định được tỷ lệ thương tật cho các cháu, vì vậy ban đầu cơ quan điều tra mới khởi tố hai bảo mẫu về tội Hành hạ người khác là có cơ sở", vị luật sư nêu ý kiến.
Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, mức hình phạt theo quy định của pháp luật có thể áp dụng đối với những người này về hành vi hành hạ người khác là không cao, nhưng cũng đủ tính răn đe. Bởi, khi thực hiện hành vi bạo hành trẻ họ không nhận thức được mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, ngoài việc phải chịu hình phạt, những phản ứng từ dư luận xã hội đã là một "bản án" theo suốt cuộc đời họ.
Nêu quan điểm về biện pháp hạn chế và chấm dứt được tình trạng bạo hành trẻ em, luật sư Hậu cho rằng, ngoài việc xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng còn phải phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, thanh kiểm tra những cơ sở trông nuôi trẻ. Trên thực tế đã có nhiều bảo mẫu bạo hành trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù. "Tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn nhiều trong những năm qua và sẽ không dừng lại nếu các cơ quan chức năng không phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và xử lý. Cần chấm dứt ngay các hành vi vi phạm vô nhân đạo và tàn nhẫn của một số người nhận nuôi dạy trẻ”, ông Hậu nói.
Hai ngày qua, clip ghi lại hình ảnh 2 bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh ở quận Thủ Đức liên tục tát vào mặt, bóp cổ, ghì đầu các em nhỏ xuống đất trong lúc cho các em ăn khiến dư luận phẫn nộ. Ngay sau khi vụ việc được phát giác, Công an quận Thủ Đức đã bắt giam chủ cơ sở mầm non tư thục Phương Anh - Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ quận 8) và cháu gọi là mợ Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) về tội Hành hạ người khác. Ngoài ra, cơ quan này cũng điều tra thêm hành vi kinh doanh không phép đối với chủ cơ sở mầm non này.