Sẽ được tại ngoại?
Nhờ bị bắt tạm giam với hành vi “giết người” trong lúc nghi can này đang nuôi con nhỏ (SN 2011) mà theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (như biện pháp cấm đi khởi nơi cư trú).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: "Với những hành vi theo như kết luận ban đầu của CQĐT, Hồ Ngọc Nhờ có dấu hiệu phạm tội giết người với tình tiết là giết trẻ em quy định tại điểm C khoản 1 Điều 93 BLHS 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Hiện nghi can này đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và nếu Nhờ có nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Trường hợp Nhờ không có nơi cư trú rõ ràng và căn cứ theo những thông tin ban đầu, Nhờ có dấu hiệu phạm tội giết người với tình tiết là giết trẻ em quy mức hình phạt cao nhất là tử hình thì cơ quan CSĐT có quyền áp dụng biện pháp tạm giam với đối Nhờ.
Nếu sau khi bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà con của Nhờ vẫn chưa đến 36 tháng tuổi thì Nhờ được hoãn chấp hành hình phạt thù cho tới lúc con của Nhờ đủ 36 tháng tuổi".
Đầy rẫy nhà trẻ tự phát
Sau vụ “bảo mẫu” Hồ Ngọc Nhờ tra tấn đến tử vong cháu bé 18 tháng tuổi xảy ra trên địa bàn khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, người dân ở đây phản ánh tình trạng còn rất nhiều điểm trông giữ trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Người dân địa phương, nơi xảy ra vụ án đang rất lo lắng vì khu vực vẫn còn tồn tại nhiều điểm giữ trẻ tự phát
“Thật tình mà nói thì nếu không gửi trẻ ở điểm tự phát thì phụ huynh cũng không biết phải gởi con ở đâu vì ở khu phố này có hàng ngàn dân lao động nhập cư, không hộ khẩu, đồng lương eo hẹp… thì làm sao có đủ điều kiện đưa con đến nơi gởi chính quy, tử tế?”, bà Nguyễn Ngọc Loan, quê tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, không thể đổ hết lỗi lên đầu những người lao động nghèo, mà chính vì sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã tạo nên tình trạng các điểm trông giữ trẻ “chui” xuất hiện nhiều như hiện nay.
Tại tổ 9 và 10 khu phố 6, phường Linh Trung có hàng chục điểm giữ trẻ tự phát mà nơi giữ là những căn phòng trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp… nhưng giữ rất nhiều trẻ.
Bà H. (quê ở miền Tây) lên thành phố thuê nhà trọ ở KP6, phường Linh Trung để đi mua bán ve chai. Tuy nhiên thời gian gần đây thấy việc giữ trẻ “dễ ăn”, “cung không đủ cầu”, ai cũng làm được nhưng không bị chính quyền nhắc nhở nên đã đứng ra nhận 4 đứa trẻ về giữ (mỗi tháng kiếm hơn 5 triệu đồng).
Ông Phạm Ngọc Minh, tổ trưởng KP6 cũng trăn trở trước tình trạng người dân nhập cư là lao động nghèo không có điều kiện gởi con nơi an toàn
Ông Phạm Ngọc Minh, tổ trưởng tổ 10 khu phố 6 khẳng định, ở địa phương này, dân nhập cư chiếm 70% (đa số lao động nghèo). Đây là khu dân cư nằm trong diện quy hoạch treo thuộc Làng đại học Thủ Đức.
“Đa số người dân nơi đây rất nghèo, không có tiền đi gửi trẻ ở các cơ sở trông giữ trẻ khác vì không đủ chu cấp cho các cháu. Chính vì những khó khăn như thế mà tại địa phương này xuất hiện nhiều nơi trông trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động”, ông Minh nói.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thì những cơ sở giữ trẻ ngoài công lập hiện nay sẽ do UBND phường, xã trực tiếp cấp phép và quản lý. Những cơ sở giữ trẻ “chui” nằm ngoài sự quản lý của Sở Giáo dục. Nếu có vi phạm, xử lý thì thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã nơi cơ sở đó lưu trú.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Thủ Đức cũng thừa nhận những điểm giữ trẻ tự phát xuất hiện trên địa bàn là không phải hiếm vì địa phương tập trung nhiều KCN, KCX.
Lãnh đạo ngành GD&ĐT khuyến cáo người dân không nên gửi trẻ ở những nơi tự phát để tránh những tai nạn đau lòng như gia đình chị Võ Thị Huyền đang phải gánh chịu
Bà Nga khuyến cáo không nên gửi con vào những điểm tự phát sẽ tiếm ẩn rủi ro. Bà Nga khẳng định trên địa bàn quận Thủ Đức không thiếu các trường lớp mầm non chính quy, được trang bị cơ sở vật chất cũng như chuyên môn theo quy định. Chi phí ở những nơi giữ trẻ này cũng chỉ dao động trên dưới 1 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền ăn và các khoản khác).
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn quận, các trường lớp mầm non ngoài công lập đều nhận giữ trẻ ngoài giờ và theo ca phù hợp với công việc của phụ huynh với chi phí dao động từ 20-50.000 đồng/ngày để tạo điều kiện cho phụ huynh có thể tăng ca làm.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo, hiện toàn thành phố có 870 trường mầm non, trong đó có 419 trường công lập và 451 trường ngoài công lập (bao gồm, trường mầm non tư thục và lớp nhóm trẻ mầm non). Tổng cộng có 309.000 trẻ em đang được học tại các hệ thống trường trên, gồm: 161.000 em thuộc hệ thống công lập và 148.000 em ngoài công lập. Ở quận Thủ Đức có 148 trường mầm non, với 720 lớp và tổng số gần 21.000 em, bao gồm: mầm non công, tư thục và nhóm trẻ.