Bão Kalmaegi: Tối nay bão đổ bộ đất liền

4h sáng nay, bão số 3 (Kalmaegi) nằm trên khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 570km, mạnh cấp 12, 13.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết trong 12 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.

Như vậy trưa nay (16/9), vùng tâm bão sẽ đi vào vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ.

Đến 16 giờ chiều nay (16/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Ở vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8 - 9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động dữ dội.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.

Như vậy tối nay (16/9), vùng tâm bão có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ cấp 10 – 11, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (tức là từ 39 đến 61km một giờ), giật cấp 8 - 9.

Từ chiều nay (16/9), ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Từ chiều tối nay ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to.

Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc chỉ đạo các địa phương đối phó bão số 3

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “bốn tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, mưa lũ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Đối với các tỉnh trung du, miền núi, rút kinh nghiệm từ bão số 2, cần chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến từng thôn, bản để người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về thiên tai, biết cách ứng phó và chủ động phòng, tránh, nhằm giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc về sinh mạng người dân do bất cẩn, chủ quan.

Cần tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn.