Bao giờ Ngô Kiến Huy, Thanh Thảo mới hạ màn?

Vào đúng ngày 1/4/2012 - ngày cá tháng Tư, toàn bộ cộng đồng mạng được xem một seri phim mang tên: “Ba người lớn và một đứa trẻ”.

Bộ phim có sự diễn xuất của ba nhân vật: nam nhân vật chính do ca sĩ Ngô Kiến Huy thủ vai, nữ nhân vật chính do ca sĩ Thụy Anh đảm nhiệm và nữ nhân vật tuy không chính nhưng lại rất chính qua sự diễn xuất của búp bê Thanh Thảo.

Ba diễn viên đã diễn một “xen” trong một bộ phim Việt Nam đầy mùi mẫn với những tình tiết quá logic khiến cho người xem phải nghi ngờ. Và không ai tưởng tượng là chuyện đó lại xảy ra với những ngôi sao có tên tuổi. Một câu chuyện tình ái tưởng chỉ diễn ra ở những ngõ hẹp tối tăm của nhóm người thường đứng chênh vênh bên lề dòng chảy chính của xã hội, nhưng lại xảy ra ở những nhân vật rất có giá của giới showbiz Việt. Một giới tưởng rằng phải rất tinh thông với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình và sinh đẻ có kế hoạch. Một em bé chào đời, đó là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao của nhiều đôi lứa nhưng lại trở thành nguyên nhân của cuộc cãi vã không ngừng nghỉ giữa Ngô Kiến Huy, Thụy Anh và Thanh Thảo.

Ngô Kiến Huy thì khẳng định “không có tình yêu với em gái Thanh Thảo”, Thụy Anh trách móc Ngô Kiến Huy đã vô trách nhiệm với đứa con của mình, còn Thanh Thảo ra sức chì chiết cậu “em rể” hờ đã không dám nhận con trai. Cả ba người lớn đó không những cố gắng đưa ra những luận điểm đầy logic cho mình mà còn cố gắng đổ lỗi cho người khác.

Với góc nhìn của người bố trẻ Ngô Kiến Huy, mặc dù đã công khai với truyền thông rằng mình chính là cha của bé Minh Trí nhưng vẫn cố gắng giãi bày rằng mình bị giăng bẫy do âm mưu nào đó, rồi là không hề yêu Thụy Anh, rồi là do mình say rượu, rồi là mình là đàn ông, v.v và v.v. Vậy là, với cái mác là đàn ông, Ngô Kiến Huy cho mình một cái quyền được quan hệ tình dục mà không cần tình yêu. Vậy sự phủ nhận tội lỗi của mình như vậy Ngô Kiến Huy sẽ được gì? Mọi người chia sẻ với “tai nạn cuộc đời” này hay phẫn nộ thêm? Có lẽ cả hai. Đúng là “đàn ông nông nổi giếng khơi” chính là để chỉ  tình huống của Ngô Kiến Huy lúc này.

Còn Thụy Anh thì ngược lại, dường như với cô việc “lên giường” với Ngô Kiến Huy nếu chưa hẳn là vì tình yêu thì chí ít là cũng có cảm tình. Nhưng thật trớ trêu, tình cảm đó lại không có sự đồng thuận của đối phương nên đã trở thành hậu họa. Cô cố gắng giữ đứa trẻ để mong thỏa mãn được sự khao khát tình yêu của mình. Nhưng đổi lại, một loạt những hệ lụy mà cô đang phải gánh chịu: cha đứa bé đòi bỏ thai, cha đứa bé không chịu nhận con mình để rồi phải xét nghiệm ADN mới thừa nhận, cha đứa bé không muốn sống chung vì không có tình yêu, v.v và v.v. Như vậy, cách thức níu kéo tình yêu của Thụy Anh đã trở nên mù quáng và sai lầm. Và để rồi bây giờ ngậm ngùi, đau đớn vì đứa con ngoài giá thú. Phải chăng câu “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” càng đúng hơn với cô gái trẻ này. 

Và cuối cùng, nhân vật “người bác ruột”, Thanh Thảo đã nhảy vào cuộc bằng những cuộc tranh cãi nảy lửa với Ngô Kiến Huy và giới truyền thông. Những tư tưởng mâu thuẫn nhau như những đợt sóng cứ thế đến và đi ở người ca sĩ nổi tiếng này. Trên trang mạng cá nhân, Thanh Thảo chỉ chích Ngô Kiến Huy vì không nhận con và muốn đòi lại danh dự cho em gái mình (không biết là danh dự gì?), đến khi Ngô Kiến Huy nhận con rồi thì lại “Ngô Kiến Huy hãy để cho em tôi và cháu tôi được yên”, và rồi đến gần đây nhất lại “Thanh Thảo hối hận vì khơi mào scandal "con rơi", v.v và v.v.

Cứ ngỡ là theo phong cách sống hiện đại, giới trẻ sẽ được tiếp cận với những nền văn hóa văn minh, có cơ hội mở mang tầm nhìn để nhận thấy những điều tốt đẹp đang diễn ra khắp nơi. Nhưng mặt trái của những điều tốt đẹp đó vẫn tồn tại song hành trong xã hội, biến cái tưởng như là logic thành phi logic.

Và một sự thật, đằng sau sự giáo dục của Gia đình và Nhà trường, con người vẫn thả mình trong bản năng gốc là thỏa mãn với nhu cầu và ham muốn của chính mình. Cái bản năng gốc đó khiến con người không cần tình yêu, chỉ đơn thuần là khác giới, họ “lên giường” với nhau thật đơn giản. Nhưng rồi những hệ lụy từ hành vi đơn giản đó sẽ trở thành hệ quả xã hội không đơn giản chút nào. Bản năng gốc cho phép con người làm tất cả những gì họ thích, nói tất cả những gì họ nghĩ mà hoàn toàn không cần quan tâm đến dư luận xã hội nhìn nhận họ ra sao, đánh giá họ như thế nào? Lợi ích bản năng của họ đã lấn át lợi ích xã hội. Ai cũng biện minh cho mình là đúng nhưng tất cả đều… không đúng. Một đứa trẻ mới 3 tháng tuổi như bé Minh Trí không đáng là mục tiêu để trở thành cuộc cãi vã của ông bố, bà mẹ và người bác. Lẽ ra đứa trẻ đó phải là niềm vui của xã hội, của gia đình, bé xứng đáng có bố, có mẹ và được quây quần trong sự ấm áp của người thân. Rõ ràng trẻ em không có lỗi, lỗi chỉ do người lớn chúng ta gây ra.

Bộ phim không biết đã đến hồi kết chưa, nhưng xã hội không muốn đón nhận những câu chuyện đau lòng như vậy, xã hội đang hướng vào bé Minh Trí và mong chờ nhìn thấy một em bé sinh ra đời một cách lành mạnh, lớn lên lành mạnh và trở thành công dân lành mạnh.