Bão 'đắng lòng' tràn ngập Facebook Việt

Cụm từ 'đắng lòng' trở thành từ khóa hot trên Facebook qua loạt status từ chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, học hành của giới trẻ.

Facebook bỗng nở rộ cụm từ "đắng lòng" xuất hiện trong những dòng trạng thái của các bạn trẻ. Độ phủ sóng của nó ngày càng lan rộng khi teens sử dụng nó như một câu nói cửa miệng từ thế giới ảo đến cả ngoài đời thường.

Dòng status "đắng lòng" chia sẻ trên Facebook. Ảnh: Chụp màn hình.

Không khó để bắt gặp những dòng status khó đỡ kiểu: "Đắng lòng nữ sinh định trốn thi đi ăn kem mà cửa hàng chưa mở cửa", hay "Đắng lòng nữ sinh đại học vì quá lo lắng cho kỳ thi ngày mai đã ăn liền lúc 2 cây kem và 1 bát mì dẫn tới đau bụng...".

Đi kèm với những dòng trạng thái đó, chủ nhân của nó thường đính kèm biểu cảm bằng hình mặt đau khổ, thê lương để thể hiện tâm trạng không mấy tốt hay sự việc không như ý muốn. Từ chuyện ăn uống, học hành, thi cử, vui chơi..., giới trẻ gắn liền với từ "đắng lòng" này.

Những kiểu than vãn "đắng lòng" hài hước. Ảnh: Chụp màn hình.

Trào lưu ''đắng lòng'' còn len lỏi vào cuộc sống thường nhật, trở thành câu nói cửa miệng của nhiều teen. Nhiều bạn trẻ còn tỏ ra bất ngờ trước sự lan rộng của trào lưu này và hài hước cho rằng ''đắng lòng'' là hậu quả việc "vỡ mật".

Lý giải cho sự bùng nổ trào lưu này, Mai Phương, ĐH Sài Gòn cho rằng: "Theo mình, cụm từ "đắng lòng" được sử dụng như là một công cụ để chủ nhân nó tâm sự những chuyện không mấy vui vẻ. Có thể bạn đó sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi treo status đó lên tường và nhận được chia sẻ từ bạn bè".

Hoàng Dũng, THPT Cầu Giấy, Hà Nội có nhận xét: "Mình thấy nó lạ và khá là funny đấy chứ. Nghe từ "đắng lòng" từ một ai đó tạo cảm giác như muốn chia sẻ, cảm thông với họ vậy".

Chu Linh, THPT Yên Hòa, Hà Nội hài hước nói: "Dạo gần đây mình thấy bạn bè mình có nhiều bạn để status "đắng lòng" kiểu vậy lắm. Mình thấy cứ như giật tít lên báo ấy. Chắc tối nay mình sẽ thử để một lần xem sao".

Cụm từ "đắng lòng" được sử dụng từ chuyện học hành cho đến ăn uống. Ảnh: Chụp màn hình.

Trào lưu này còn có sức ảnh hưởng tới nhiều lứa tuổi khác nhau. Một giảng viên cũng khá hào hứng khi Facebook cá nhân thầy thường đăng những tấm ảnh kèm chú thích "đắng lòng" hài hước.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cho rằng, nếu lạm dụng cụm tự này quá nhiều lại gây ra những phản ứng không tốt, khiến tiếng Việt bị méo mó. Việc suốt ngày treo status kiểu than vãn, kêu ca những chuyện chẳng đáng sẽ gây ức chế cho người thấy hoặc nghe nó.

"Người khác sẽ đánh giá bạn là người ù lì, không có lập trường, thậm chí là yếu đuối  nếu cứ suốt ngày kêu la như vậy. Cuộc sống còn có bao điều tốt đẹp, mọi việc đều có cách giải quyết. Chẳng có việc gì phải buồn bã để luôn phải "đắng lòng" như thế", Bình Nguyên nói.

Trước đó, cộng đồng cũng hùa theo các trào lưu tương tự như 'có một sự thích nhẹ''... Mới đây, những câu nói kiểu Quả là điều bình thường luôn hay Bạn có bị kích thích không cũng trở thành các câu nói cửa miệng quen thuộc của dân mạng.