"Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai cũng nhủ, “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật!”.
Đây là đoạn mở đầu trong truyện ngắn bất hủ “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Và nhân vật Chí Phèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa của người Việt Nam. “Nói kiểu Chí Phèo”; “Chửi như Chí Phèo”; “Thằng ấy Chí Phèo lắm, đừng dây vào”; “Ôi, nó chửi như Chí Phèo, chấp làm gì…”. Những câu “danh ngôn” về Chí Phèo như vậy rất không hiếm và được sử dụng rất “bình dân” ở mọi nơi, mọi chỗ.
Vừa qua, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/9. Từ vụ nhân bản xét nghiệm “vô lương” ở Hoài Đức đến vụ biển thủ 3 tỉ đồng của học sinh dân tộc thiểu số, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bức xúc: “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa, từ liều vắcxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm”.
Phó chủ tịch nước cũng nói về việc trong các báo cáo khi đánh giá về các tình hình thì chúng ta thường không chỉ ra được ai sai, nơi nào sai, tại sao làm sai và biện pháp xử lý như thế nào?
Quả thực những điều Phó chủ tịch nước nói chúng ta đã thấy nhan nhản trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Trong báo cáo kiểm điểm của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương thì hầu hết không bao giờ chỉ đích danh nơi nào xảy ra sai phạm ấy và ai phải chịu trách nhiệm về việc này.
Từ xưa đến nay, chúng ta đã quá quen với lối kiểm điểm theo kiểu chung chung. Nào là khuyết điểm này là do chúng ta, rồi do chúng ta buông lỏng quản lý, rồi do chúng ta thiếu giám sát, do trình độ yếu kém của một bộ phận… Cái gì cũng “chúng ta”, nhưng hầu như không chỉ ra rằng ai gây nên sự việc ấy và ai phải chịu trách nhiệm.
Rồi gần đây, rất nhiều báo cáo, kiểm điểm về công tác Đảng cũng nêu lên rằng: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất”. “Trong cơ quan có những đảng viên chưa gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, còn phát ngôn tùy tiện v.v...”. Nhưng hầu như không có mấy nơi dám chỉ thẳng ra: chi bộ nào, đảng bộ nào, bí thư nào đã thoái hóa, biến chất, đã không gương mẫu.
Chính vì lối nói chung chung của chúng ta trong các báo cáo đã khiến thiên hạ cho rằng đây là cách nói của Chí Phèo, theo kiểu “hắn chửi cả làng Vũ Đại, nhưng trừ mình ra”.
Từ sự không cụ thể này mà khiến những người làm sai đã phớt lờ, vì một khi không chỉ đích danh thì “tai liền miệng, ai nói người ấy nghe”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chẳng phải là vì các cơ quan quản lý sợ gì cơ sở, mà chính là do chúng ta vẫn có lối hành xử duy tình trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật theo kiểu “nói thế chúng nó khắc tự hiểu”. Rồi cũng có lý do nữa ấy là không ít cấp chính quyền đã dung túng cho cấp dưới làm bậy, nhưng đến khi thấy tình hình phức tạp quá thì cũng phải nêu ra. Nhưng nếu nêu đích danh thì lại “há miệng mắc quai”. Nói rằng có việc chính quyền bảo kê cho doanh nghiệp, cho đơn vị nào đó, thậm chí cho cá nhân làm bậy thì quả thực cũng chẳng oan.
Thời gian gần đây đã có nhiều vụ tiêu cực tày đình được phanh phui. Nào là vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức, vụ chôn giấu thuốc trừ sâu ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, rồi hàng loạt địa phương để xảy ra tình trạng xây nhà trái phép, ăn chặn tiền cứu trợ của Chính phủ cho người nghèo, vụ lãnh đạo chủ chốt của bốn doanh nghiệp công ích nhận lương khủng bị phanh phui… Người ta mới tá hỏa ra rằng, hiệu lực quản lý của chính quyền chúng ta quá kém và rõ ràng có vấn đề.
Tại sao như vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, người dân đã tố cáo ngót chục năm nay rồi nhưng chính quyền các cấp cứ phớt lờ? Tại sao chính quyền có trong tay lực lượng thanh tra, kiểm tra, công an để dễ dàng điều tra ra sự việc này nhưng lại không làm? Câu giải thích chắc chắn sẽ được đưa ra là: do cán bộ yếu về năng lực; do người mỏng, kiểm tra không hết hoặc do khó khăn về cơ chế xử phạt… Nhưng tại sao lại không đặt ra một lý do khác là chính quyền cơ sở đã “ăn” của doanh nghiệp này để bao che cho những việc làm sai trái này? Vậy tại sao khi đã đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp thì không đình chỉ ngay công tác những cán bộ có trách nhiệm giải quyết đơn thư của người dân suốt bao năm nay? Trong sự việc này phải công nhận rằng, người dân địa phương ở nơi có nhà máy thuốc trừ sâu này đã hành xử hết sức bình tĩnh và đã tuân theo các quy định của pháp luật rất nghiêm túc. Phản ứng của họ mới ở mức “con giun xéo lắm cũng quằn”, buộc phải vùng lên để đấu tranh. Nếu như phải dân “dữ” thì không khéo họ đã đập tan nhà máy rồi.
Gần đây chúng ta nói nhiều về bệnh vô cảm trong một bộ phận công chức. Để dẫn đến những vụ việc tiêu cực xảy ra, nói vô cảm là quá nhẹ và cũng chỉ là một cách bao che cho đám cán bộ làm sai, làm bậy. Thật ra chẳng có gì qua mặt được các cơ quan chức năng ở chính quyền cơ sở. Một người dân bình thường đổ vài thúng cát ra trước cửa để sửa sang, cơi nới lại nhà mình, ắt nhân viên thanh tra xây dựng sẽ ập đến hoạnh họe đủ các loại giấy tờ, áp đủ các thứ quy định về trật tự công cộng cho gia chủ và yêu cầu phải chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, nếu chủ nhà “biết điều” thì sẽ được xử theo hướng khác…? Chính vì vậy mà tình trạng xây nhà trái phép ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang trở nên đáng báo động. Nhưng xử được số cán bộ như ở TP Hồ Chí Minh vừa rồi cũng là rất hiếm.
Bấy lâu nay, chúng ta cứ kêu gào lên rằng, các doanh nghiệp phải minh bạch giá đầu vào, đầu ra của sản phẩm… Đúng là phải minh bạch. Thế nhưng tại sao không đòi hỏi rằng chúng ta phải minh bạch về những nơi làm sai, những cán bộ, cá nhân làm sai mà trong các báo cáo lại cứ nêu kiểu “chúng ta”.
“Chúng ta” là ai mới được chứ?