Bánh trung thu 5 sao: Chưa qua mùa đã đóng quầy

Khác với thị trường bánh bình dân đang sôi động, những sản phẩm mùa trung thu của khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội đã vào đợt giao hàng cuối, thậm chí có nơi đã đóng quầy.

Giữ mức chiết khấu thấp (chỉ 5-15%) với giá không thay đổi nhiều, loạt bánh trung thu của các khách sạn lớn tại Hà Nội năm nay có sức tiêu thụ tốt. Khách sạn Hà Nội, Sofitel Metropole, JW Marriott Hà Nội... đều tung ra các mẫu bánh trung thu có giá từ 620.000 đồng đến hơn 12 triệu đồng một hộp, đi kèm có rượu ngoại hoặc các sản phẩm quà tặng dát vàng.

Theo đại diện bán hàng của một khách sạn 5 sao, đơn vị này đã tung các sản phẩm bánh trung thu cách đây 1 tháng, chia làm 2 loại sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người dùng. Mặc dù số lượng bánh tăng hơn 10% so với năm ngoái, nhưng tới ngày 21/9 (tức 9/8 âm lịch), quầy hàng của khách sạn đã đóng cửa, vì hết sản phẩm.

Tương tự, nhân viên một khách sạn 4 sao tại quận Ba Đình, cũng cho biết, năm nay đơn vị này tung ra thị trường tới 14 mẫu bánh nhưng hiện chỉ còn loại số 1 và số 10. Theo vị này, mùa trung thu 2015, khách sạn vẫn nhận làm những loại bánh giá vài chục triệu một hộp, nhưng khách phải đặt trước và ký hợp đồng số lượng với đơn vị.

Giá bánh trung thu của các khách sạn lớn không chênh lệch nhiều so với thị trường,
nhưng những sản phẩm bán kèm, chi phí hộp da cao... khiến những hộp
bánh này đội lên tới hàng chục triệu đồng. Ảnh: JW.

"Sản lượng bán ra cao hơn nhiều so với năm 2014, nhất là các phân khúc trung và cao cấp. Thực tế bánh trung thu của khách sạn làm gần chục năm qua chưa từng ế hàng, luôn đóng quầy trước rằm và không có chuyện phải bán khuyến mại như các thương hiệu bình dân. Riêng những khách mua nhiều, đặt trước có thể được giảm giá 5-15% tùy loại, hoặc mua 10 hộp lớn tặng 1 hộp nhỏ", vị này cho hay.

Đại diện một khách sạn 4 sao tại TP HCM có bánh trung thu siêu đắt tiết lộ, giá bán các loại bánh rời không thay đổi so với năm ngoái, nhưng rượu và các sản phẩm quà tặng bán kèm thì cao hơn hẳn. Thông thường, giá các sản phẩm ngoài bánh, tính cả vỏ bằng da, chiếm 70-90% giá tiền. 

Khẳng định việc bán kèm rượu vào bánh không phải là cách để tăng doanh thu, vị này cho rằng, đây là chiến lược đánh vào nhu cầu thực của khách hàng. 

"Khách mua bánh của khách sạn vì có những sản phẩm hạng sang đi kèm này. Rượu được lựa chọn phù hợp với nhân bánh và khẩu vị người Việt. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm này được khách đặt mua để biếu tặng, nên việc kèm theo đồ uống là nhu cầu thực mà chúng tôi đã tính trước", nhân viên khách sạn cho hay.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hà - nhân viên đối ngoại một công ty lớn ở Hà Nội cho biết: "Các khách sạn có thể sản xuất được nhiều hơn nhưng họ chỉ đưa ra mức có giới hạn và ngừng sản xuất trước để tránh hàng tồn. Còn thật ra, làm gì có chuyện sản xuất không đủ để bán bởi nếu muốn họ có thể cho ra lò nhiều hơn".