Số đông ý kiến quan ngại, tấm bằng đỏ mà nhiều SV đang cầm trong tay không tương xứng với lượng kiến thức mà các bạn có sau 4,5 năm trên giảng đường. Do vậy tình trạng bằng đỏ thất nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
“Tôi cũng chẳng khác mấy bạn. Cố gắng vừa học vừa làm 3 năm CĐ, phấn đấu hết mình ra trường với bằng giỏi hy vọng sẽ dễ xin việc. Vậy mà suốt từ lúc ra trường đến nay không xin nổi 1 công việc đúng nghề mình học, nộp hồ sơ khắp nơi nhưng điều đầu tiên họ hỏi là kinh nghiệm. Thậm chí mình xin thử việc không lương để thể hiện tay nghề họ cũng lắc đầu” – một bạn đọc cùng cảnh ngộ chia sẻ.
“Mình tốt nghiệp ĐH, đi xin việc khắp nơi đều nói cần kinh nghiệm. Thất nghiệp, chán nản lắm! Trong khi bạn bè cùng lớp gần như có việc hết.”
“Mình cũng là SV bằng giỏi ra trường đây, và thất nghiệp đc nửa năm rồi!” – một tân cử nhân khác than thở.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng trong khi SV ĐH ra trường thất nghiệp không ít thì vẫn có những bạn trẻ chỉ học CĐ, bằng tốt nghiệp trung bình, khá nhưng vẫn nhận được những công việc tốt vì họ chứng minh được khả năng của mình.
Mặc khác, sự đánh giá trong nhà trường chưa hẳn đã là chuẩn mực, cũng như kiến thức mà nhiều SV được dạy chưa hẳn đã cần thiết cho công việc thực tế.
Độc giả tên Yến khẳng định: Cái bằng không quan trọng bằng việc bạn làm được những gì… Chị cũng đưa ra giải pháp với những SV mới ra trường: Muốn có kinh nghiệm hãy lăn xả vào làm, việc gì cũng được, miễn là hợp pháp và nuôi sống bản thân, rồi thời cơ cũng đến! Bạn đọc này quan niệm để đạt được thành công, phải kiên trì một thời gian tích lũy kinh nghiệm.
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Nguyễn Văn Nhi đưa lời khuyên hữu ích: Để tìm được công việc, thứ nhất bạn phải chứng tỏ được bản lĩnh và quan trọng là phải tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Lúc đầu có thể là công việc chưa vừa ý, nhưng tốt nhất là phải đi làm để va chạm và lấy kinh nghiệm đi phỏng vấn tiếp.
Bạn đọc Trần Ngọc Trình cũng đồng tình với ý kiến SV mới ra trường còn thiếu hụt rất nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm.
Anh Vũ Văn Tuyến thì nhận định bằng đỏ đôi khi cũng chỉ cũng chỉ là một cách đánh giá, một quan điểm chấm điểm của mỗi trường. “Có trường coi trọng chất lượng thương hiệu của họ nên họ chấm điểm rất chặt, ra đề có độ khó cao. Có trường thích thành tích và muốn sản phẩm của họ ra trường có cơ hội tìm việc làm dễ thông qua tấm bằng, bảng điểm đẹp”.
Anh Tuyến cho rằng những SV sở hữu tấm bằng đỏ trong tay mà vẫn thất nghiệp, hãy xem lại giá trị thực sự của tấm bằng đó, bởi vẫn còn nhiều SV chỉ bằng trung bình, học cao đẳng nhưng vẫn được các nhà tuyển dụng săn đón, chào mời.
“Trong những năm gần đây, các trường đã phủ kín bằng đỏ nên thất nghiệp dù bằng đỏ là chuyện hết sức bình thường” – độc giả Lê Quảng Nam đồng tình thực tế trên.
Lỗi của nhà đào tạo?
Một độc giả khác chia sẻ sự khó khăn với các tân cử nhân, đồng thời đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ đang đi tìm việc làm. Chị cho rằng yếu tố mà các bạn luôn phải có là sự nhiệt huyết, tạo sự tin tưởng cho nhà tuyển dụng.
“Quan trọng nữa là các bạn nên thu xếp đi làm thêm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, làm cộng tác viên, nhân viên, có lương hay chỉ mấy đồng phụ cấp cũng sẽ giúp ích cho các bạn trong việc tìm kiếm công việc trong tương lai rất nhiều”.
Độc giả Nguyễn Trình đưa ý kiến, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ SV thất nghiệp tăng là do chưa có định hướng, phân tích về nhu cầu xã hội. Các ngành kinh tế, ngân hàng đào tạo quá nhiều trong khi các ngành kỹ thuật và ít “hot” không ai học dù thiếu nhân sự.
Một độc giả khác chia sẻ về trường hợp một SV ĐH bằng đỏ dù chấp nhận mức lương 2 triệu đồng/ tháng vẫn không được một công ty nước ngoài chấp nhận do kỹ năng của SV này quá yếu.
Một số người cho rằng tình trạng này là một thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam và lỗi không nhỏ thuộc về các cơ quan quản lý ngành giáo dục, SV chỉ là nạn nhân của một hệ thống giáo dục yếu kém.