Trong thời gian qua, các băng nhóm này đã khống chế lực lượng chức năng, doanh nghiệp và người dân để khai thác thác gỗ, bảo kê thu tiền, cướp đoạt đất đai và gây ra hàng loạt vụ hỗn chiến đẫm máu giữa rừng.
Chân dung các trùm lâm tặc
Tôi hỏi đường vào khu vực Đăk Zên, ông Trần Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, đơn vị đóng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đăk Nông - lắc đầu: "Mùa này mưa rồi, không đi được đâu". Thật vậy, chỉ một vài trận mưa đầu mùa, những con đường mòn len lỏi giữa rừng nguyên sinh dẫn đến Đăk Zên đều bị phong tỏa. Khu vực Đăk Zên trước năm 2007 thuộc quyền quản lý của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (lúc đó gọi là Lâm trường Quảng Trực). Bên kia suối Đăk Zên - mùa khô xe tải có thể lội qua dễ dàng - là các xã Đăk Nhau, Đường 10, Bom Bo của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ông Đức kể: "Hồi đó một tổ bảo vệ rừng do Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và chính quyền xã Quảng Trực thành lập thường xuyên chốt chặn tại bến Đăk Zên để ngăn chặn những người dân ở tỉnh Bình Phước sang khai thác gỗ, xâm canh đất rừng. Chúng tôi phải đi vòng xuống trung tâm huyện Bù Đăng, rồi ngược lên Đăk Nhau, qua bến Đăk Zên mới vào được nơi đóng chốt trên lâm phần của mình". Khi đó có một số người sang Đăk Zên xâm canh, nhưng họ không phá rừng mà chủ yếu lợi dụng những khoảnh đất trống để trồng cây ngắn ngày. Một số lâm tặc từ Bình Phước có sang làm gỗ với quy mô "du kích", hễ thấy cán bộ mặc "quân phục" lâm trường là biến mất, không dám quay đầu nhìn lại. Theo những người từng đóng chốt tại đây trước năm 2007, công tác bảo vệ rừng lúc đó không có gì đáng ngại, Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hoàn toàn kiểm soát mọi tình hình.
Hàng nghìn hécta rừng ở Quảng Trực bị xã hội đen bao chiếm để mua bán hoặc cho thuê
Nhưng từ năm 2007, khi UBND tỉnh Đăk Nông thu hồi hơn 3.000ha rừng của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên giao cho các doanh nghiệp tư nhân thuê để trồng cao su, quản lý bảo vệ rừng thì khu vực Đăk Zên bắt đầu "dậy sóng". Nhiều băng nhóm lâm tặc chuyên nghiệp từ Bù Đăng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện và hung khí tràn lên rừng Đăk Zên khai thác gỗ. Trong đó khét tiếng nhất là băng nhóm do Quang kều (tức Ngô Đình Quang) ở xã Đăk Nhau và Sáu Chở (Nguyễn Văn Chở) ở xã Đường 10, huyện Bù Đăng cầm đầu. Hàng ngày Quang kều cho đàn em lên rừng Đăk Zên khai thác gỗ hoặc bảo kê cho các nhóm lâm tặc khác khai thác, sau đó vận chuyển về các xã Bom Bo, Đường 10 tiêu thụ. Ước tính số gỗ các băng nhóm lâm tặc đưa về Bù Đăng mỗi ngày lên tới hàng trăm mét khối, trong đó riêng xưởng cưa của Sáu Chở "nuốt chửng" hàng chục xe. Để làm được điều này, Quang kều và Sáu Chở đã mua chuộc, khống chế lực lượng bảo vệ rừng ở Tuy Đức, đồng thời vô hiệu hóa một số cán bộ chính quyền các xã ở huyện Bù Đăng - nơi chúng đặt xưởng cưa. Do vậy hoạt động khai thác gỗ trái phép diễn ra rầm rộ từ năm 2009 nhưng không bị phát hiện, hoặc có phát hiện cũng không bị xử lý. Ngày 14/4/2013, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đăk Nông bắt quả tang 2 xe ô tô chở 24m3 gỗ lậu trên tuyến đường này. Khám xét xưởng cưa của Sáu Chở và khu vực xung quanh ở Bù Đăng ngay sau đó, cơ quan chức năng còn phát hiện hơn 120m3 gỗ chưa kịp tẩu tán. Sau khi củng cố hồ sơ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 9 đối tượng trong băng nhóm này, Quang kều và Sáu Chở phải tra tay vào còng.
Bến Đắk Zên, nơi tất cả các phương tiện từ Bình Phước lên Đăk Nông và ngược lại đều phải nộp tiền cho băng nhóm Phương cơ
Lập "chính quyền" giữa rừng
Khác với băng nhóm này, hàng trăm đối tượng từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước chọn lối Bù Đăng lên Đăk Zên tranh giành đất đai với các doanh nghiệp, gây xung đột vũ lực ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Những người này đã bao chiếm hàng nghìn hécta đất rừng để canh tác, cho thuê hoặc bán lại. Công ty cổ phần 59 (Hà Nội) được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê hơn 500ha đất rừng, song ngay từ đầu đã giơ tay xin hàng vì đất đai bị bao chiếm hầu hết, lực lượng bảo vệ thường xuyên bị hành hung, trấn cướp. Phía trong, Công ty TNHH Kiến Trúc Mới có diện tích nhượng địa gần 1.700ha trở thành trung tâm của "cuộc chiến" đất rừng, nơi liên tiếp xảy ra đụng độ giữa hàng trăm đối tượng xâm canh với lực lượng bảo vệ doanh nghiệp. Trước tình hình trên, tháng 7.2010, UBND huyện Tuy Đức đã thành lập Trạm Kiểm soát liên ngành Đăk Zên, đưa lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm và bảo vệ các doanh nghiệp vào đóng chốt. Trạm này có nhiệm vụ ngăn chặn nạn khai thác gỗ, phá rừng chiếm đất, giải quyết các vụ xung đột về an ninh trật tự trong khu vực Đăk Zên. Nhưng ông Trần Minh Đức - Giám đốc Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, đơn vị tham gia trạm liên ngành - thừa nhận mục đích đặt ra không đạt được. Cán bộ của trạm thường xuyên bị các đối tượng xâm canh tạo cớ hành hung, bắt giữ trái phép, tinh thần bạc nhược ngay từ đầu.
Trong phần đất rừng do Công ty Kiến Trúc Mới quản lý bắt đầu nổi lên những cái tên khiến cán bộ "mới nghe đã hoảng" như Phạm Việt Anh, Hoàng Văn Hai, Mồng Xuân Quý... Còn ở Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, tháng 4/2011, Hảo đơ (tức Phạm Xuân Hảo) cùng hàng chục đàn em đã sử dụng vũ khí nóng hành hung lực lượng bảo vệ rừng, đốt trạm bảo vệ rừng, phá hủy 20 xe máy, cướp súng quân dụng. Khi Công an huyện Tuy Đức vào vãn hồi trật tự, 3 cán bộ công an đã bị Hảo đơ và đàn em chém trọng thương, đẩy lùi khỏi hiện trường...
Công an điều tra việc thương lái bị các băng nhóm xã hội đen thu tiền bảo kê
Để bám trụ lâu dài giữa rừng Đăk Zên, không chỉ tập trung áp đảo các doanh nghiệp, các đối tượng trên đã thành lập 8 tổ dân cư, bầu các tổ trưởng, thường tổ chức họp dân để thúc đẩy hoạt động tranh chấp đất rừng. Họ cũng họp bàn góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường, nhà trẻ, trường học, bầu thủ quỹ nhân dân... Do thường xuyên "chạm trán" với doanh nghiệp và các lực lượng chức năng, họ cũng xây dựng tủ thuốc tình thương để điều trị cho những người bị thương khi đánh nhau. Ý đồ lập hệ thống quản lý mang tính cộng đồng, gây sức ép với chính quyền sở tại nhằm chiếm giữ đất đai, cư trú lâu dài đã khá rõ nét. Nhóm này có hàng trăm đối tượng, song cầm đầu tích cực nhất là vợ chồng Nguyễn Hoàng Kiếm, Lê Thị Sẳng và Nguyễn Văn Hường, Triệu Văn Say, Bùi Thị Hòa (đều trú ở các xã Đăk Nhau và Đường 10, Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng)... Ngày 1.2.2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, khởi tố 11 đối tượng, bắt tạm giam 7 đối tượng. Mặc dù vậy, đây chỉ là những đối tượng xâm canh đất rừng với mong muốn kiếm được ít đất để canh tác hoặc sau này bán lại, nhất là trong bối cảnh đất sản xuất ở miền Đông Nam Bộ không còn khả năng mở rộng. Còn một lực lượng khác manh động, hiểm ác hơn xuất hiện ở Đăk Zên để kiểm soát mọi tình hình mà chính họ, các doanh nghiệp thuê đất lẫn chính quyền địa phương lúc đó đều không thể ngờ tới.
Phương tiện của lực lượng chức năng bị các đối tượng xã hội đen đập phá
Kiểm soát mọi hoạt động bằng luật rừng
Sau cái lắc đầu của ông Trần Minh Đức, chúng tôi đành về huyện Bù Đăng, rồi tìm đường ngược lên Đăk Zên. Qua khỏi bến Đắk Zên, chúng tôi chỉ gặp một vài người dân đi xe máy, xe tải chở nông sản hầu như không xuất hiện, một số cảnh sát tuần tra qua lại... Bến Đăk Zên vắng vẻ lạ thường. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ mấy tháng trước, đây là khu vực sầm uất với hàng nghìn người dân cư trú trong rừng, hoạt động mua bán nông lâm sản diễn ra tấp nập. Và tất cả đều được đặt dưới quyền kiểm soát của các băng nhóm xã hội đen.
Cuối năm 2010, trong khi những người dân xâm canh trái phép đang kiên trì bám trụ trong rừng Đăk Zên, chống lại sự đẩy đuổi của lực lượng chức năng để chiếm giữ đất đai thì băng nhóm Phương cơ (tức Phạm Xuân Phương) cũng hình thành ở xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng. Phương cơ quy tụ hàng chục đàn em, trong đó những tên khét tiếng như Hải heo, Hoàng đơ, Tùng gà, Tuấn cân... Ngay sau khi có mặt ở rừng Đăk Zên, Phương cơ đã cho đàn em phá hủy, đắp chặn tất cả các con đường từ rừng Đăk Zên về huyện Bù Đăng, chỉ để lại con đường độc đạo qua bến Đăk Zên. Trên tuyến độc đạo này, băng Phương cơ cho dựng barie thu tiền của người dân và tất cả các phương tiện qua lại, nhờ đó kiểm soát được toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ lậu, vận chuyển nông sản từ rừng Đăk Zên về huyện Bù Đăng. Ông P.Th.Th, một nạn nhân của nhóm xã hội đen này, kể lại: "Tôi là dân buôn sắn, lần đầu đến đây chưa biết gì nên không nộp tiền, không được Phương cơ cho phép vào thu mua sắn của nông dân. Khi chở sắn về đến Trạm liên ngành Đăk Zên, bất ngờ tôi thấy một thanh niên đi xe máy ngược chiều lao thẳng vào xe tải của tôi. Sau đó nhiều tên cầm dao kiếm, gậy gộc ra đập phá xe tải, hành hung chúng tôi với lý do tài xế chạy ẩu. Đến khi đổ máu, no đòn chúng tôi mới hiểu đó chỉ là cái cớ. Sau vụ đó, mỗi lần vào mua sắn tôi phải chấp hành luật lệ của họ, thậm chí phải mua theo giá mà Phương cơ chỉ định". Không chỉ thu tiền cầu đường, Phương cơ còn cho đàn em chặt phá rừng lấy đất bán. Vòng trong là đội quân phá rừng, vòng ngoài là xã hội đen cảnh giới, sẵn sàng đánh bật lực lượng chức năng nào có ý vào bắt. Ngoài ra, đàn em Phương cơ còn đánh đuổi người dân để cướp đất rẫy, thu tiền bảo kê, cho vay nặng lãi nhằm khống chế người dân. Chị N.T.H - một người dân trồng sắn ở Đăk Zên - cho biết: "Đường có sẵn từ lâu nhưng các ông ấy vẫn bắt chúng tôi nộp tiền làm đường, thu xong còn đuổi chúng tôi đi, lấy đất bán cho người khác. Nhiều lần chúng tôi cũng muốn tố cáo, nhưng sợ chúng trả thù".
Cũng tại huyện Tuy Đức, giáp ranh với Quảng Trực là xã Đăk Ngo, nơi người dân và các doanh nghiệp được một băng nhóm xã hội đen khác bảo kê. Đó là băng Thành nghĩa địa - trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng. Thành nghĩa địa có hơn 100 đàn em, tên nào cũng thừa "thành tích" bất hảo mà nổi lên là Tân tày (tức Doanh Thiên Tân), Nam trọc (Trần Văn Nam), Oanh cụt (Tăng Phúc Khánh)... Tuy lực lượng đông hơn, manh động và liều lĩnh hơn nhưng Thành nghĩa địa cũng sử dụng các thủ đoạn tương tự Phương cơ. Người dân phải nộp bảo kê 500.000 đồng/ha đất canh tác, mỗi thương lái vào thu mua nông sản phải nộp 40 - 50 triệu đồng. Trong một số trường hợp, ngoài các khoản thu trên, Thành còn ép thương lái phải lại bán nông sản với giá rẻ. Sau đó Thành bán nguồn hàng này cho các xe tải đường dài để hưởng chênh lệch. Ông Lương Viết Cường (trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng), người trồng sắn ở Đăk Zên kể: “Một hôm tôi ở trong chòi rẫy thì khoảng 20 tên đàn em của Thành nghĩa địa ập vào bắt tôi phải nộp 150 triệu đồng, tôi chạy mãi mới được 50 triệu đồng đưa cho chúng. Sau đó chúng kéo đến đòi tiếp, tôi không còn tiền nên bị chúng đốt nhà hai lần". Ngày 27/2/2013, Thành nghĩa địa cho đàn em vào rẫy của ông Trần Văn Dân (trú xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức) thu tiền bảo kê, đánh ông Dân trọng thương, sau đó cướp đất bán cho người khác. “Biết làm sao được, ở Đắk Zên không có pháp luật, mất mạng là chuyện dễ như đùa - nạn nhân Trần Văn Dân thở dài.
Gỗ lậu của băng nhóm Quang kều bị bắt giữ trên đường về huyện Bù Đăng
Chưa hết, các băng nhóm xã hội đen ở Đăk Zên còn tính đến khả năng bắt các doanh nghiệp có dự án tại đây quy phục, tiến tới làm chủ toàn bộ khu vực. Để thực hiện kế hoạch này, Phương cơ ném tiền mua chuộc cán bộ các doanh nghiệp để không bị tố cáo hành vi phá rừng, chiếm đất. Nếu không mua chuộc được, đàn em của Phương cơ sẽ "nói chuyện" bằng vũ lực. Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Ban Quản lý dự án của Công ty cổ phần 59 - đã từng bị hành hung vì không "hợp tác" với băng nhóm của Phương cơ. Mặt khác, Phương cơ còn ép các công ty phải nhận đàn em của y vào làm việc trong Ban Quản lý dự án hoặc lực lượng bảo vệ để dễ bề thao túng. Nghiêm trọng hơn, với danh nghĩa là cán bộ Ban Quản lý dự án của Công ty cổ phần 59, bảo vệ của Công ty Kiến Trúc Mới, nhiều đàn em của Phương cơ đã được cử tham gia Trạm Kiểm soát liên ngành Đăk Zên cùng với cán bộ các cơ quan nhà nước. Từ đây, băng nhóm của Phương cơ đã thực sự kiểm soát toàn bộ vùng Đăk Zên rộng cả chục nghìn héc ta, với số người cũng lên đến vài nghìn. Tương tự, Thành nghĩa địa cũng cài nhiều đàn em vào làm bảo vệ Công ty TNHH Long Sơn, kiểm soát vùng dự án của Công ty Long Sơn tại xã Đăk Ngo, gây xung đột lợi ích với các băng nhóm khác.
"Đại chiến" giữa các băng nhóm giang hồ
Trên đất rừng của Công ty Kiến Trúc Mới ở Quảng Trực, ngoài việc thiết lập "chính quyền", khiếu kiện, biểu tình, vợ chồng Nguyễn Hoàng Kiếm và Lê Thị Sẳng cùng một số đối tượng cầm đầu nhóm xâm canh phải "gồng mình" chống lại các thế lực đen khác. Để không bị thu tiền bảo kê, các đối tượng này thường tập hợp lực lượng, chuẩn bị hung khí đánh trả các băng nhóm xã hội đen, gây ra những vụ đổ máu giữa rừng... Trong vụ nhóm này chống lại lực lượng bảo vệ Công ty Kiến Trúc Mới (thực chất là đàn em Phương cơ), Nguyễn Văn Tuynh đã bị đàn em Phương cơ đánh gãy 2 xương sườn. Nhưng từ vụ việc này, Phương cơ đã bị bắt.
Người dân khai báo việc các đối tượng xã hội đen thu tiền bảo kê canh tác
Còn tại dự án của Công ty Long Sơn ở xã Đăk Ngo, Thành nghĩa địa chỉ đạo bảo vệ công ty (đàn em của Thành) "quét " những người dân xâm canh ra khỏi vùng dự án giúp Công ty Long Sơn. Việc làm này bị băng nhóm của Đoàn Văn Dũng xem là hành động khiêu khích vỗ mặt, bởi nhóm của Dũng muốn giữ đất xâm canh cho người dân để thu tiền cầu đường lâu dài. Ngày 2/4/2013, Dũng huy động hàng trăm đối tượng mang theo vũ khí, mìn tự tạo tấn công đàn em Thành nghĩa địa, kéo đổ hai nhà gỗ phục vụ dự án của Công ty Long Sơn. Nhưng cũng từ vụ việc này, Đoàn Văn Dũng đã bị ban chuyên án bắt giam về tội hủy hoại tài sản. Còn Thành nghĩa địa lại vào trại trong vụ cướp 7ha đất của Công ty cổ phần 59 bán cho ông Nguyễn Ngọc Phụng - ở ấp 5, xã Bom Bo, Bù Đăng.
Theo lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông, tính đến giữa tháng 6/2013, cơ quan điều tra đã khởi tố 20 vụ án về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, cướp tài sản... với 83 đối tượng. Sau khi các đối tượng xã hội đen cầm đầu như Phương cơ, Thành nghĩa địa, Hảo đơ, Chín Hường, Đoàn Văn Dũng... bị bắt, tàn quân của chúng đã rút khỏi Quảng Trực. Đến nay tình hình an ninh trật tự ở "điểm nóng" Quảng Trực đang dần dần ổn định, được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền và lực lượng công an.