Thảm án 9 người thương vong
Tìm về nơi xảy ra vụ án chấn động năm xưa ở thông Mạch Lũng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội), hỏi nhà ông Trần Tiến Ngọt (nguyên Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng công an xã Đại Mạch thập niên 1980), chúng tôi được một người dân địa phương đưa vào tận nơi. Rót chén trà nóng mời khách ngày cuối đông, ông Ngọt nhắc đến vụ án nổi tiếng năm nào tại Đại Mạch với giọng kể trầm ngâm...
Theo dòng hồi tưởng của vị Trưởng công an xã, tối 13/4/1988, khi ông đang trực tại trụ sở UBND xã thì bất ngờ có người đạp xe hộc tốc đến báo tin: “Có án mạng rồi đồng chí Trưởng công an ơi, ở thôn Mạch Lũng có người chết và bị thương...”. Ngay lập tức, ông Ngọt vội huy động dân quân và toàn thể lực lượng công an xã đang túc trực đạp xe tới hiện trường cách trung tâm UBND khoảng 3 cây số.
“Đó là gia đình ông Đàm Văn Tục (SN 1910, ngụ thôn Mạch Lũng), tại đây, cảnh tượng ngổn ngang gạch ngói với nhiều vết máu của các nạn nhân. Qua kiểm tra sơ bộ, chúng tôi xác định hung khí của vụ án là một quả lựu đạn được ném vào lúc gia đình ông Tục đang ăn bữa cơm chiều. Vụ nổ bất ngờ và sức công phá ở cự ly gần đã gây ra hậu quả thảm khốc khiến 3 nạn nhân đã tử vong gồm ông Tục và hai người con, một trai, một gái. Ngoài ra, còn có 6 người trong gia đình ông Tục gồm vợ, các con bị thương. Trong đó, cháu Đàm Thị Ất Hoa (SN 1985, cháu nội ông Tục) đã may mắn thoát chết thần kỳ vì được ông Tục lấy toàn thân che chở cho cháu. Tuy nhiên, Hoa vẫn bị một mảnh lựu đạn văng vào đầu ngất đi. Lúc mọi người xúm vào đưa chị Hoa đi cấp cứu, đôi tay của ông Tục vẫn còn ôm ghì rất chặt cô cháu gái”, ông Ngọt kể lại.
Ông Ngọt lập tức báo cáo sự việc lên cơ quan công an huyện Đông Anh. Nhận được tin báo, Đại úy Nguyễn Dũng Thảo (khi đó đang là Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an huyện Đông Anh) tức tốc xuống hiện trường.
Đại úy Thảo ngày ấy giờ đã là Trung tá Công an nhớ lại: “Khi chúng tôi xuống tới nơi, bà con tập trung kín hết lối đi vào làng đến gia đình nạn nhân. Qua khám nghiệm hiện trường, ông Đàm Văn Tục cùng con trai là anh Đàm Văn Định (SN 1964) và con gái Đàm Thị Lý (SN 1971) trái lựu đạn được ném vào và phát nổ. Chúng tôi xác định trái lựu đạn được ném ở cự ly gần, chắc chắn thủ phạm đã tính toán trước đó để tìm hiểu và chọn vị trí rồi mới ra tay. Nhiều ngày tìm hiểu và xác minh cho thấy, chếch khoảng 15 độ đối diện căn nhà có một lũy tre rất rậm. Thủ phạm đã chọn vị trí này để ẩn mình rồi chọn thời điểm để ném lựu đạn vào giữa mâm cơm nhà ông Tục. Từ đây, chúng tôi khẩn trương truy tìm hung thủ của vụ án”.
Khó khăn đầu tiên thách thức cơ quan chức năng chính là, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhưng cơ quan điều tra không hề phát hiện được dấu tích nào của hung thủ, kể cả dấu chân nơi bụi tre. Về chi tiết quả lựu đạn, các trinh sát hình sự tập trung xác minh nguồn gốc nhưng công việc này cũng hết sức khó khăn. Do thời điểm này Nhà nước còn chưa quản lý chặt chẽ vũ khí, chất nổ nên lựu đạn có thể được mua rất dễ dàng. Thời điểm trước đó có một chiếc xe khách bị đổ tại đường Quốc lộ 3, có một số quân nhân bị thất lạc đồ đạc, trong đó có một số đạn dược nhưng các trinh sát không hề thu thêm được thông tin về người mua hay ai đó cung cấp.
Sự vắng mặt bất thường trong đám tang...
Khi cơ quan điều tra đang khẩn trương truy tìm hung thủ của vụ án thì gia đình nạn nhân khẩn trương lo hậu sự cho các nạn nhân. Do cùng một lúc có tới 3 người tử vong nên thôn Mạch Lũng không đủ đòn kiệu để đưa các nạn nhân ra đồng an táng. Không khí đau thương bao trùm toàn bộ căn nhà nhỏ, không khi nào ngớt tiếng khóc than. Một tổ trinh sát của Công an TP.Hà Nội và Công an huyện Đông Anh được bố trí bám địa bàn để thu thập thêm các thông tin liên quan đến vụ án.
Chi tiết 2 người phụ nữ đến viếng đám ma nói chuyện vu vơ: “Sao không thấy người yêu thằng Định đến phúng viếng nhỉ?” khiến các trinh sát hình sự đặc biệt chú ý. Khẩn trương xác định tung tích của cô gái được nhắc đến trong câu chuyện trên, các trinh sát nắm được đó là Lê Thị Loan (SN 1964, ngụ thôn Mai Châu, xã Đại Mạch). Loan là người yêu của anh Định nhưng đến thời điểm xảy ra vụ án, hai người đã chia tay nhau được một thời gian sau một trận cãi vã nảy lửa. Cũng sau lần ấy, người dân thôn Mạch Lũng không thấy Loan qua lại và cũng không đến chia buồn tại đám tang. Nhận định ban đầu của một số trinh sát cho rằng, có thể do Loan “hận” anh Định đã chia tay và hai người cũng không còn ràng buộc gì cả nên đã không đến viếng. Tuy nhiên, bất kỳ tình tiết nào của vụ án cũng không được phép bỏ qua nên Ban chuyên án lập tức cử một tổ trinh sát tìm hiểu mối quan hệ giữa Loan và anh Định.
Trong khi đó, mọi di biến của nghi can này đều được cơ quan điều tra theo dõi hết sức gắt gao. Lúc này, Lê Thị Loan vẫn ra đồng làm nông nghiệp, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng ánh mắt có phần sợ sệt mỗi khi có người hỏi thăm khiến các trinh sát càng nghi ngờ. Tìm hiểu mối quan hệ trước kia, lực lượng phá án nắm được Loan và anh Định đã có tới 4 năm “mặn nồng”. Khi hai người định đi đến hôn nhân thì anh Định có giấy gọi lên đường đi nhập ngũ.
Loan chỉ cầu mong thời gian trôi thật nhanh để người yêu sớm hoàn thành trở về. Những cánh thư mặn nồng tình cảm đôi lứa được Loan viết và gửi hàng ngày, hàng tháng cho người yêu. Bỗng đến một ngày, Loan thấy những lá thư hồi âm của anh Định thưa dần. Lo lắng cho điều chẳng lành, Loan tìm tới đơn vị của Định đóng quân nơi biên giới phía bắc. Khi gặp nhau, câu chuyện có phần không tự nhiên của anh Định khiến Loan lờ mờ đoán được người yêu mình đã có “người khác”. Cố tìm mọi cách để níu kéo tình cảm nhưng anh Định càng ngày càng lảng tránh nên Loan vô cùng tức tối, quyết tâm tìm hiểu sự thật.
Qua nhiều mối quan hệ của anh Định, Loan biết được người yêu đã có người yêu mới. Đó là một cô gái kém Loan tới 4 tuổi, trẻ và đẹp hơn. Quan trọng là cô gái này có nghề nghiệp ổn định, là giáo viên một trường cấp 2 ở xã bên. Qua một số lần cô gái đến nhà anh Định chơi, gia đình ông Tục rất vừa ý và muốn con trai mình lấy cô gái này làm vợ. Biết được sự thật phũ phàng này, Loan đã tìm cách gặp trực tiếp anh Định để nói chuyện. Anh Định đã tìm cách khuyên nhủ Loan hãy quên mình để tìm hạnh phúc mới nhưng Loan nhất định không chấp nhận. Giữa hai người đã xảy ra cuộc cãi vã lớn. Sau lần ấy, mọi người không thấy Loan qua lại nhà anh Định nữa cho đến ngày xảy ra vụ án.
...Đến dòng chữ bằng nước trên mặt kính
Các trinh sát hình sự âm thầm tiếp cận Loan và phát hiện nhiều biểu hiện nghi vấn. Do vậy, Loan được triệu tập lên UBND xã Đại Mạch để đấu tranh khai thác. Tại trụ sở, Loan thản nhiên cho rằng mình không hề liên quan đến vụ án gây chấn động dư luận. Loan chỉ thừa nhận mình có mối quan hệ yêu đương với anh Định nhưng đã “đường ai nấy đi”.
Gần nửa ngày trôi qua tại trụ sở ủy ban nhưng kết quả không thu được gì, các trinh sát hình sự quyết định sử dụng biện pháp nghiệp vụ để tìm ra sơ hở của nghi can. Khi được cho tiếp xúc với người nhà, Loan bất ngờ không nói gì khiến những người có mặt hết sức ngạc nhiên. Gặp người thân, Loan kéo ra một góc bàn rồi sơ ý làm đổ chiếc chén uống nước. Loan chấm tay vào chỗ nước vừa đổ, viết lên mặt kính một dòng chữ nhỏ: “Cẩn thận họ đặt máy ghi âm”. Ngay sau đó, Loan dùng tay xóa dòng chữ nhưng trước đó, các trinh sát đã bí mật ghi được hình ảnh này. Chỉ từ sơ hở này của Loan, cuộc đấu tranh với nghi can vụ án có được những chuyển biến vô cùng quan trọng. Loan ra “yêu sách” với Đại úy Thảo: “Hãy làm một việc cho tôi, tôi sẽ khai toàn bộ thông tin với các anh”. Loan yêu cầu: “Hãy mua cho tôi 3 vòng hoa trắng, đặt lên 3 ngôi mộ của bác Tục, anh Định và Lý. Xong xuôi, hãy chụp ảnh lại cho tôi xem”. Đại úy Thảo xin ý kiến cấp trên rồi gật đầu đồng ý.
Nhận định đây chính là sự hối lỗi, ân hận của Loan sau khi đã gây ra tội ác, Đại úy Thảo cùng đồng đội đã nhanh chóng thực hiện ý nguyện của Loan. Đến lúc này, chân tướng sự thực của vụ án đã được hé mở.
Loan thừa nhận, do quá yêu và tin tưởng anh Định nên đã dành hết những gì “quý giá nhất” cho người yêu. Tuy nhiên, khi biết anh Định có người khác, Loan đã giận dữ tìm cách trả thù. Trước đó, Loan dùng “mỹ nhân kế” lấy được 2 quả lựu đạn từ những quân nhân từ biên giới về thăm nhà. Có được “hung khí”, Loan rắp tâm lên kế hoạch trả thù. Sau nhiều lần quan sát gia đình anh Định, Loan quyết định sẽ gây án vào tầm chiều tối vì thời điểm này ít người qua lại và không khó có thể bị nhận ra. Loan đứng từ bụi tre đối diện gia đình anh Định chờ đợi thời cơ. Thấy mẹ anh Định đi ra ngoài, Loan vội vàng ném quả lựu đạn thứ nhất vào giữa nhà. Sau tiếng nổ chát chúa, Loan bỏ chạy. Quả lựu đạn thứ hai, Loan dùng dây thép buộc chặt chốt rồi ném xuống ao. Hôm sau, nghe mọi người nói chuyện lại về vụ án, Loan vô cùng ân hận nhưng sợ sẽ bị pháp luật trừng phạt nên giấu nhẹm không kể với ai. Cho đến khi được gặp người nhà cơ quan cảnh sát điều tra, Loan định hỏi các anh chị em: “Có ai hỏi em đi đâu vào chiều tối 13/4/1988 không?”. Nhưng sợ có máy ghi âm sẽ làm lộ tung tích nên thị vội vàng kéo người thân ra góc rồi dùng nước viết dòng chữ lên mặt kính như đã kể trên. Chỉ từ sơ hở này, chân tướng của thủ phạm vụ án đã bị vạch trần. Ngay khi Lê Thị Loan bị cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Hà Nội đưa đi, dân làng Mạch Lũng ai nấy đều bàng hoàng và xôn xao bàn tán về tội ác tày trời của Loan.
Nỗi đau chưa dứt
Sau khi đã hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát TP.Hà Nội đề nghị truy tố Lê Thị Loan về tội “Giết người”. Với hành vi tội ác của Loan, ai cũng nghĩ chắc chắn Loan sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật là tử hình. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, các điều tra viên vô cùng ngạc nhiên trước nhiều biểu hiện bất thường về sức khỏe của bị can như thường xuyên nôn ọe, người xanh xao và ăn uống thất thường. Sau khi kiểm tra sức khỏe, Loan được chuẩn đoán đã có thai khoảng 1 tháng. Vì vậy, Loan được áp dụng hàng loạt tình tiết giảm nhẹ và không phải chịu mức án cao nhất của khung hình phạt. Khi phiên tòa kết thúc, Loan chỉ phải nhận 19 năm tù cho hành vi tội ác của mình. Mức án này khiến gia đình anh Định và đông đảo người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Chủ tọa phiên tòa cùng nhiều luật sư có mặt tại phải giải thích để mọi người có mặt hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước và những quy định của Bộ luật Hình sự. Nhất là đối với phụ nữ đang có thai phạm tội. Theo đó: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử” (quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự). Và “phụ nữ có thai phạm tội (khi phạm tội đang có thai) là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” (quy định tại điểm l, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự).
Đã 26 năm trôi qua, thủ phạm của vụ án năm nào cũng đã trở về với cuộc sống của một người bình thường và vụ án chỉ còn trong tâm tưởng của người dân xã Đại Mạch. Thế nhưng, những di chứng của nó vẫn còn hết sức nặng nề.
Tiếp chuyện chúng tôi, bà Vương Thị Đỗ (SN 1920, ngụ thôn Mạch Lũng, vợ ông Tục) vẫn còn nhớ giây phút kinh hoàng mà suốt bao năm qua bà chưa thể nào quên. Bà Đỗ kể: “Lúc đó cả nhà đang ngồi ăn tối, bữa cơm thời đó vẫn còn khó khăn nên thực ra cũng chỉ có khoai độn với cơm mà thôi. Tôi ăn xong trước, ông Tục thì bế cái Hoa đang trêu đùa cháu. Các con tôi thì đứa ăn xong nằm lên chõng, đứa chưa ăn xong vẫn còn đang ngồi quanh mâm cơm. Bỗng tôi thấy xẹt một cái qua tai mình. Chỉ tích tắc sau một tiếng nổ chát chúa vang lên, tôi bị sức ép văng xuống sân ngã sấp xuống. Lúc ngất đi, vẫn còn kịp nghe thấy nhiều tiếng la hét thất thanh của chồng và các con. Khi tỉnh dậy, tôi biết chồng, con trai và đứa con gái út vừa tròn 18 tuổi đã mãi mãi đi xa. Thằng con cả, con dâu, tôi, cái Hoa cháu gái và mấy đứa cháu nữa bị thương. Trong mấy đứa cháu, bị nặng hơn cả có lẽ là cái Hoa. Dù được ông Tục lấy cả thân mình che chắn nhưng một mảnh đạn vẫn văng vào đầu. Lúc đó nó mới được 4 tuổi. Đã bao năm qua, nó không còn được bình thường mà thi thoảng lại có vấn đề về thần kinh. Gia đình đã đưa cháu đi bao nơi chạy chữa để gắp mảnh đạn mà không thành công nên cho đến giờ, cháu nó vẫn phải sống chung với một mảnh đạn trong đầu”.
Ngồi cạnh bà, nhớ lại chuyện cũ, chị Hoa nói trong nước mắt: “Gia đình tôi mất mát quá lớn mà không gì có thể bù đắp nổi. Dù mọi chuyện đã qua nhưng mỗi khi đến ngày giỗ của ông, chú Định và cô Lý, bà và mọi người trong gia đình đều khóc. Suốt 26 năm qua, bà có hôm cứ đứng bần thần trên nền nhà cũ nhớ lại chuyện xưa”.
Ông Hà Văn Thành (Trưởng công an xã Đại Mạch) nói: “Đây là vụ án nhiều đau thương với cả gia đình bị hại và thủ phạm. Hiện nay, dù chị Loan đã trở về địa phương sau thời gian trả án nhưng cuộc sống khép kín, lầm lì và ít khi tiếp xúc nói chuyện với người lạ. Gia đình chị ấy cũng ly tán cả. Bản thân Loan sau này dù được hoãn thi hành án nhưng đã bị sảy thai nên tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Suốt thời gian thụ án sau đó, hầu như Loan chẳng nói chuyện với ai bao giờ”.