Cách đây nhiều năm, qua một tài liệu vô tình nhặt được, tôi biết một chuyện thú vị về cách mà người Pháp ứng xử với danh nhân của họ. Chuyện thế này: Trong khi quy hoạch lại một khu phố ở Paris do nhu cầu bức thiết, người ta buộc phải chặt đi rất nhiều cây, để lấy mặt bằng. Nhưng có một cây du thì không ai có quyền động vào, để lại bằng mọi giá và được bảo vệ như một di sản quý báu. Không phải cái cây đó nhiều tuổi hơn các cây khác hay có gì đặc biệt về mặt hình thức. Chỉ đơn giản là do sinh thời, nhà văn Boalô (Nicolas Boileau 1636-1711, tác giả của tác phẩm Nghệ thuật thơ) thường ngồi dưới gốc cây du đó để suy ngẫm. Tại sao ông chọn cây du đó chứ không phải cây khác thì chỉ có trời biết. Nhưng chỉ cần như vậy là đủ để các kiến trúc sư phải tìm cách thiết kế thế nào đó để vẫn có một khu phố đẹp mà không phải chặt đi cái cây du như một chứng tích lịch sử kia. Boalô, trong thang bảng xếp hạng, rõ ràng không phải là cỡ nhà văn khổng lồ của nước Pháp, mà còn được hậu sinh trọng vọng như vậy? Bởi vì lịch sử là thứ không bao giờ lặp lại, vì thế nó mặc nhiên quý giá, cần phải bảo tồn. Nhưng lịch sử còn là nơi cất giấu những mã thông tin, những bí mật thuần tuý khoa học…vì thế mọi xu hướng chính trị hoá nó theo nhãn quan hiện tại, là nông cạn và tức cười.
Tôi xin kể tiếp một chuyện nữa cũng liên quan đến vấn đề bảo tồn di tích lịch sử. Khi sang Hoa Kỳ, tôi được đưa đến cái nơi còn đặt một viên đá, được cho là điểm đặt chân đầu tiên của người châu Âu khi đến Tân thế giới. Lẽ dĩ nhiên viên đá đó chả có gì đặc biệt, ngay cả khi so với những viên đá bố tôi vẫn dùng để kê cầu ao mà tôi vẫn đặt chân kỳ cọ hồi bé. Nhưng đó là bảo vật của nước Mỹ và họ đã gìn giữ nó còn hơn cả bảo vật, với hàng rào bảo vệ, lính gác, camera-dĩ nhiên. Rất có thể nhân vật lịch sử kia chỉ là một tên cướp biển, một nô lệ hay một gã lính quèn được lệnh phải lên bờ trước để thám thính. Điều đó không còn quan trọng khi nó đã là một phần của lịch sử hình thành nước Mỹ. Chỉ có ai mất cảm giác về văn hoá mới đi yêu cầu lục lại hồ sơ xem ai đặt chân lên viên đá ấy đầu tiên, ông ta có đức hạnh hay không, có công trạng gì to lớn với nước Mỹ?
Nhưng, trong cả hai trường hợp tôi vừa dẫn ra làm ví dụ, cây du cũng như viên đá, đều là những di sản lịch sử đáng tin, tức là đã được khảo sát kỹ lưỡng, được ghi chép hay truyền miệng theo một cách nào đó không thể bác bỏ, được tôn vinh bởi một ký ức liền mạch, không biến dạng, tức là đã được kiểm chứng. Hãy giả dụ những vật lịch sử ấy chỉ là ai đó bịa ra, vì bất cứ lý do gì, bất cứ động cơ gì…thì mọi sự tôn vinh có đáng tức cười và đáng thương hại hay không. Khi đó nó không chỉ vô giá trị (ngoài chút giá trị vật chất) mà còn đóng dấu ô nhục vào niềm tin của con người.
Giờ là lúc trở lại với vấn đề xử lý di tích Đàn xã tắc đang gây ồn ào và ở một mức độ nào đó, chia rẽ xã hội. Các nhà sử học có lý do để kêu gọi bảo vệ di tích lịch sử vào loại quý hiếm-nếu nó đúng là Đàn xã tắc, kể cả của một triều đại thối nát như cuối triều Lê. Nhưng cái lỗi lớn của các nhà sử học là tại sao ngần ấy năm họ không làm công việc chuyên môn của họ là minh định giá trị đích thực của di tích? Một di tích quan trọng như vậy, tại sao sau khi tình cờ phát hiện cách nay 5-6 năm, một thứ xứng đáng để đội ngũ làm sử reo lên Ơ-rê-ca, mà vẫn cứ trong tình trạng “đắp chiếu” (trên thực địa là phủ cỏ) để đấy, mỗi người tuỳ thích đưa ra những đánh giá theo cách của mình. Kể cả nó không phải là vị trí đặt Đàn xã tắc, nó vẫn xứng đáng được bảo tồn với chỉ đơn thuần là vật lịch sử, nhưng hậu sinh cần phải biết nó là cái gì quá khứ để lại (giống như cây du và viên đá ở hai ví dụ trên). Có thể tôi đòi hỏi quá sức các nhà khảo cổ, các nhà sử học khi họ không có phương tiện cần thiết để làm việc đó. Phương tiện ấy không chỉ là tiền, mà còn là quyền hạn. Những thủ tục phiền hà, những ngáng trở vô hình quả là không dễ vượt qua trước khi mệt mỏi đến mức không còn hơi sức và cảm hứng. Nhưng chưa thấy ai kêu ca, kiên nhẫn và bài bản, về chuyện này, ít ra là trong nhiều năm qua. Nếu đây cũng là sự thực, thì thật đáng buồn cho chính họ. Bởi vì nếu việc đó được làm một cách có trách nhiệm, có dũng khí thì giờ này hẳn đã có đề xuất được đưa ra trưng cầu dư luận. Không ai dám coi thường dư luận một khi nó thành ý chí của số đông. Khi đó, việc nắn một con đường, việc tìm ra một thiết kế cho con đường trên cao thế nào đó không làm mất cảnh quan di tích, trở nên không phải là việc tốn kém so với giá trị mà di tích đem lại. Nhưng tận khi Sở GTVT Hà Nội quyết định làm cầu vượt, họ vẫn hoàn toàn không bị bất cứ một áp lực nào đủ mạnh từ phía các nhà sử học. Mọi việc chỉ nóng lên khi mọi người đều đã ở chân tường.
Giờ này có vẻ như mọi việc đã được định đoạt: Hà Nội cứ xây cầu vượt qua cái nơi mà họ không bị áp đặt mang tính thuyết phục (và do đó nó mặc nhiên mang theo áp đặt pháp lý và đạo lý) phải hiểu rằng đấy là Đàn xã tắc của cha ông! Trong khi đó, với lương tâm nghề nghiệp, một số nhà sử học và những người có tình yêu vô tư với lịch sử thì đòi phải bảo vệ Đàn xã tắc! Chỉ người dân tham gia giao thông là thiệt thòi. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết vì sao lại đặt chềnh ễnh một viên đá góc cạnh ở giữa con đường đông đúc vào loại nhất nhì Hà Nội. Trong khi đó họ lại có quyền chính đáng đặt câu hỏi là tại sao Hà Nội cứ lẫn lữa với việc xây cây cầu vượt để giải quyết nạn ùn tắc! Theo tôi, việc nối dài con đường Kim Liên đến Hoàng Cầu có thể cứ tiến hành như kế hoạch, nhưng việc làm cây cầu vượt thì nên tạm dừng lại. Trong thời gian đó, các nhà sử học, các nhà chuyên môn liên quan được tạo điều kiện tối đa về vật chất (chắc chắn thua xa tiền đền bù vài mét vuông đất) với yêu cầu là họ phải đưa ra được khẳng định vị trí hiện nay gọi là Đàn xã tắc mang giá trị gì thật sự về mặt lịch sử? Việc này, với các điều kiện khoa học ngày nay, chắc không phải là quá khó. Nếu đúng nó chính là vị trí tổ tiên đặt Đàn xã tắc, thì khi đó việc xây cây cầu vượt sẽ phải tính lại và tôi nghĩ chưa phải đã cạn kiệt giải pháp kiến trúc. Còn nếu nó chỉ là vật lịch sử thông thường thì cách khoanh lại như hiện nay là ổn và đủ trang trọng, đáp ứng cơ bản được nhiều yêu cầu. Khi đó trong cái không gian hiện đại có một điểm nối với quá khứ, chắc chắn có tác dụng làm bình tâm lại nhiều người.
Vì chỉ với mục đích bàn góp chuyện Đàn xã tắc nên tôi đã định dừng lại tại đây. Nhưng xét cho cùng thì chuyện lình xình vừa qưa cũng vì vấn đề gốc là ùn tắc giao thông của Hà Nội, nên tôi tiện thể muốn nói thêm rằng, với kiểu quy hoạch bỏ rơi ngoại vi như Hà Nội đang làm (mặc dù trên lời nói có vẻ không phải vậy), thì dù có mở rộng gấp đôi toàn bộ các con đường hiện nay, dù ngã tư nào cũng xây cầu vượt, Hà Nội vẫn sẽ tắc nếu cứ tiếp tục xây nhà cao tầng, khu thương mại hiện đại trong nội đô. Tại sao không dùng số tiền cực kỳ lớn dành cho giải phóng mặt bằng mở rộng một đoạn đường vài trăm mét khiến vừa lãng phí vừa gây xáo trộn dân sinh, cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, khu hành chính, mở rộng đường ra phía ngoại vi để kéo dãn dân cư. Bởi người ta vẫn đổ cho căn nguyên của sự ì ạch này là do thiếu tiền!
Người dân có quyền hỏi: Có thật sự thiếu tiền hay thiếu một tầm nhìn, hay còn những lý do nào khác liên quan cả đến tiền lẫn tầm nhìn và sẽ còn bao nhiêu sự cố gây tắc tị không đáng có như chuyện quanh Đàn xã tắc?