Mới đây, các bậc phụ huynh lại có cơ hội thử tài giải bài toán... lớp 3. Mặc dù đề bài có vẻ đơn giản nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau về cách giải dẫn đến không ít tranh cãi gay gắt.
Đề bài được cho như sau: "Bác Nam mua con bò với giá 13 triệu, sau đó bác đem bò bán với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu, vậy là bác Nam đã mua con bò với giá 17 triệu, sau đó bác Nam đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam đã lãi được bao nhiêu tiền?
Bài toán gây tranh cãi.
Có 4 ô đáp án để lựa chọn là 4 triệu, 2 triệu, hòa vốn, -2 triệu.
Bài toán lớp 3 đã có rất nhiều cách giải đáp cũng như kết quả được đưa ra. Chỉ sau một ngày đăng tải lên mạng, đã có gần 1.000 bình luận với nhiều đáp án và nhiều cách giải.
Đại đa số mọi người cho rằng bác Nam lãi 4 triệu. Cách giải như sau: Tổng số tiền mua là 13 + 17 = 30, tổng số tiền bán 15 + 19 = 34. Vậy Bác Nam lãi là 34 - 30 = 4 triệu.
Hay cũng là đáp án 4 triệu nhưng lại có cách giải khác là (15-13) + (19-17) = 4 (triệu). Hoặc ban đầu có 13 triệu, cuối cùng có 13 triệu thì hòa vốn, cuối cùng có được 15 triệu thì lãi 2 và cuối cùng có 17 triệu (ở đây là 19-2) thì lãi 4 triệu.
Tuy nhiên, cũng không ít lời giải có kết quả là lãi 2 triệu. Cụ thể: mua 13, bán 15 thì được 2 triệu. Bán 15 mua 17 thì lỗ 2 triệu là hòa vốn. Mua 17, bán 19 là lãi 2 triệu.
Hoặc một lý giải khác là lãi 4 triệu nhưng bù 1 lần lỗ 2 triệu là còn 2 triệu.
Các đáp án của độc giả vẫn không ngừng tăng theo từng giờ.
Một số ý kiến lại cho rằng, bác Nam lãi 0 đồng vì mua 13 bán 15 lãi 2 triệu rồi lại mua 17, bỏ vào 4 triệu là lỗ 2 triệu, bán được 19 triệu. Kết quả cuối cùng bằng 0. Hay có người cho rằng hòa vốn vì công đi lại mua bán xăng xe, ăn uống, phí nuôi bò...
Trao đổi với PV về đề toán lớp 3 này, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh (Giảng viên Trường Quốc tế Việt-Úc tại Tp.HCM) cho biết, kết quả là 4 triệu. Thạc sĩ lý giải như sau: mua 13 bán 15 lãi +2, mua lại 17 như vậy so với giá ban đầu phải bù 4 triệu nhưng đã lãi 2 nên còn phải vay 2 triệu. Sau đó bán 19 triệu lời 2 triệu đủ trả tiền vay. Vậy trong tay bác Nam có 17 triệu, trừ vốn 13 triệu thì lãi 4 triệu.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn thuần như vậy, đây là bài toán kinh tế, còn phải xem đến yếu tố giá trị của 17 triệu lúc sau và 13 triệu lúc đầu có bằng nhau không (tỷ lệ trượt giá). Nhìn tốc độ trượt giá từ 13 triệu lên 19 triệu thì phải tính tỷ lệ lạm phát để từ đó có số lời thực tế.
Vị này bày tỏ, bài toán không phù hợp với học sinh tiểu học vì nếu tư duy kiểu như vậy dễ lãi giả lỗ thật. Giống như vàng giá 6,5 triệu, bán 2 cây vàng mua con bò, sau đó vàng lên 10 triệu, bán con bò được 19 triệu có vẻ lãi 6 triệu nhưng thật ra là lỗ vì không bảo toàn vốn 2 cây vàng. Vì vậy, không nên cho học sinh làm những bài kiểu này sẽ làm hỏng tư duy kinh doanh về sau khi các em được học đúng về lợi nhuận trong kinh doanh.
Theo thạc sĩ Phúc Thịnh, đề bài không nên hỏi lãi hay lỗ vì không chính xác mà nên hỏi là so với lúc đầu, số tiền bác nông dân có sẽ tăng hay giảm (tăng nhưng chưa hẳn đã lãi).