Là một trong những người thường xuyên đến tắm tiên ở bãi sông Hồng (thuộc phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội), anh Vi Văn Thảo (26 tuổi, quê Tương Dương, Nghệ An), hiện đang là nhân viên cho một công ty truyền thông (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi vẫn thường đến đây tắm, lâu rồi thành thói quen, có khi còn nghiện. Tắm ở đây cảm giác thoải mái hơn tắm ở nhà, ngay cả ở bể bơi công cộng cũng không thoải mái bằng ở đây”.
Anh Thảo kể, thường mỗi sáng trước khi đi làm, anh luôn đem theo một bộ quần áo lót và chiếc khăn tắm cùng xà bông, dầu gội, tất cả cho vào trong cốp xe. Buổi chiều xong việc ở cơ quan là phóng xe máy ra ngoài bãi sông Hồng để tắm. “Tôi là người Thái, ở quê tôi tắm truồng ở suối là chuyện bình thường, nên ra ngoài này cũng chẳng việc gì phải ngại”, anh Thảo cho biết thêm.
Nơi lưu giữ kỉ niệm
Về nguồn gốc của bãi “tắm tiên” sông Hồng, ông Trần Văn Hà (63 tuổi, trú ở phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, Ba Đình) cho biết: “Bãi tắm này đã có từ rất lâu rồi, không phải bây giờ mới có. Còn chính xác có từ khi nào thì tôi cũng không rõ, lớn lên đã thấy có bãi tắm rồi. Ngày xưa còn nhỏ, tôi vẫn thường theo bố ra đây tắm, lúc đó người Hà Nội tắm ở đây cũng rất nhiều”.
Ông Hà tâm sự, gia đình ông vốn xuất thân từ thuyền chài trên sông nước, nhiều đời sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Sau năm 1945, gia đình ông mới định cư lên bờ, lúc đó toàn bộ phường Phúc Xá còn mang tên là Xóm Bãi (ngoài bãi sông), phần lớn là dân ngụ cư đến. Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, bãi tắm sông Hồng khi đó vừa là bãi tắm chung, vừa là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ dân ở Xóm Bãi.
“Với tôi, bãi tắm không chỉ là nơi để tắm mà còn là nơi lưu giữ lại nhiều kỷ niệm. Cả đời cha tôi đã gắn liền với sông nước, với bãi giữa ấy. Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với bãi tắm ấy. Sau này lớn lên, đi bộ đội, rồi làm công nhân, sống với môi trường sinh hoạt tập thể, nhiều lúc tôi chỉ ao ước được chạy về rồi nhảy ùm xuống sông Hồng mà bơi lội, mà vùng vẫy cho thỏa thích. Hơn chục năm trước, trước khi mất, ước nguyện cuối cùng của cha tôi cũng là được an táng ở bãi giữa sông Hồng, nơi gần bãi tắm. Cả đời cụ sống chung với sông, đến khi mất cũng muốn nằm cạnh dòng sông…”, ông Hà trầm ngâm kể.
Giờ đây, khi đã về hưu và dù đã lên đến chức ông, nhưng chiều nào ông Hà cũng vẫn giữ thói quen xách cần cầu ra sông Hồng ngồi câu cá, sau đó xuống sông tắm. Theo ông giải thích là vừa để tiêu khiển tuổi già cũng vừa để nhớ về một thời xa xưa.
Nơi nảy nở… “tình gay”?
Anh Nguyễn Trọng Hiển (trú ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về một lần “trót dại” (lời của anh Hiển) nghe theo bạn rủ ra “tắm tiên” ở bãi sông Hồng.
Anh Hiển kể: “Lúc đang tắm thì có một người đàn ông khoảng 40 tuổi đến bắt chuyện, sau đó rủ tôi lùi xuống quãng sông phía dưới để tắm. Quãng sông này khá vắng vẻ nhưng theo giải thích là chỗ đó nước không chảy xiết và sạch hơn quãng trên”.
“Lúc tôi đang gội đầu thì bất chợt người đàn ông này nhào tới ôm lấy tôi và đưa tay xuống “chỗ ấy” của tôi để mơn trớn… Tôi sợ quá, vùng ra rồi chạy lên bờ, mặc vội quần áo rồi cứ thế phóng xe chạy thẳng về nhà. Từ đó trở đi, tôi cạch không dám đến nơi này nữa”, anh Hiển kể.
Cũng theo anh Hiển, mãi sau này anh mới biết nguyên nhân người bạn của mình hay ra bãi “tắm tiên” sông Hồng để tắm là để gặp… người tình là một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi.
“Cả hai đều bị gay, dù đã có gia đình đàng hoàng. Bãi “tắm tiên” sông Hồng không chỉ là nơi tắm, mà còn là nơi gặp gỡ, tâm sự của hai người và đôi khi còn là nơi để họ làm “chuyện ấy” với nhau”, anh Hiển cho biết thêm.