Bài toán được anh Ngô Huy Trung chia sẻ trên trang Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học, hôm 24/7. Đề bài yêu cầu tính số cờ hơn thua của chị em. Học sinh đặt phép tính và kết luận không trừ được, sau đó đưa đáp án bằng một phép tính khác.
Đề cụ thể: "Chị có nhiều hơn em 6 lá cờ. Chị cho em 4 lá cờ. Hỏi bây giờ ai có nhiều hơn và nhiều hơn bao nhiêu lá cờ?".
Học sinh lớp 2 đưa ra cách giải: "Chị cho em 4 lá cờ thì khoảng cách sẽ giảm gấp đôi số cờ chị cho em. Vậy số cờ chị cho em là 6-4x2= không trừ được nên số cờ của em nhiều hơn chị. Vậy em nhiều hơn chị số cờ là 6-4=2 cờ, đáp án 2 cờ".
Cách giải lập luận tư duy trước bài toán khó của học sinh lớp 2 khiến người lớn khá bất và cho rằng lời giải không sai. Một số ý kiến đưa ra sự ngưỡng mộ tư duy của người giải nếu đây thật sự là bài làm của cháu học sinh lớp 2 lên lớp 3.
Tuy nhiên, lời giải này bị giáo viên gạch chân dưới phép tính, các ý kiến khác lại cho rằng giáo viên gạch sai đúng chỗ vì không thể lấy lý do không trừ được để suy ra phép tính thứ 2.
Bài Toán sau khi đăng tải nhận được nhiều cách giải và ý kiến khác nhau của người lớn.
Bạn Linh Lan đưa ra cách giải: "Giả sử lấy 4 lá cờ của chị nhưng chưa cho em thì lúc này chị vẫn hơn e là: 6-4=2 ( lá cờ).
Lấy 4 lá cờ đó cho e thì lúc này em hơn chị: 4-2= 2( lá cờ.)"
Phạm Hồng Hạnh thì cho rằng: "Theo mình, cô giáo đã gạch chân đúng chỗ cần gạch vì không thể lấy lí do không trừ được để suy ra phép tính thứ 2".
Lâm Phạm đưa ra quan điểm: "Câu hỏi của anh Ngô Huy Trung là cháu sai ở chỗ nào? Theo tôi, cháu không sai. Nếu cho là sai thì mất đi sự tự do của tư duy".
"Sai ở chỗ học sinh viết không thể trừ mà ở lớp 1 không được làm như vậy, vẽ sơ đồ ra dễ giải hơn", một thành viên chỉ ra điểm sai của lời giải bài toán.
"Đây là dạng toán khó nhất đối với học sinh lớp 2. Con bạn tư duy được như vậy là quá tuyệt vời rồi. Cháu hiểu bản chất của bài toán, diễn đạt không sai, tìm ra đáp án đúng nhưng không theo đường lối chung mà gió viên tiểu học hướng dẫn. Vậy bạn chỉ cần hướng dẫn con vẽ sơ đồ sửa cách trình bày bài là được. Hiểu cách làm bằng sơ đồ rồi thì có thể giải bằng cách lập luận. Chúc bạn thành công", đó là những ý kiến khen ngợi cách giải toán tư duy của học sinh lớp 2.
Liên hệ với người chia sẻ, anh Ngô Huy Trung, sống tại Hà Nội cho biết, đây là bài trong sách toán nâng cao lớp 2 do con trai anh đang học lớp 2 chuẩn bị lên lớp 3 giải.
Cháu tên Ngô Huy Đăng Khoa, 8 tuổi, đang học tại một trường tiểu học (quận Đống Đa, Hà Nội).
Ngô Huy Đăng Khoa, 8 tuổi (bên trái) chụp hình cùng anh trai mình.
"Khi thấy được bài giải mình khá bất ngờ vì sự tư duy của cháu, không giống như những cách giải mà cô giáo đã dạy ở trường, thật sự cách giải như vậy thì không phù hợp với 1 học sinh lớp 2, mình thấy cũng khá thú vị nên chia sẻ cho quý phụ huynh cùng xem, bình luận", anh Trung chia sẻ.
Anh Trung cho biết các năm học qua Khoa đều đạt thành tích học sinh giỏi và đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi toán học do trường cháu đang theo học tổ chức.