Bahrain GP 2012: Một ví dụ buồn

Những tranh luận không ngớt về đề tài nên hay không nên hủy bỏ chặng đua tại Bahrain đang là chủ đề nóng của F1, đến nỗi nó lấn át cả chặng Chinese GP sắp diễn ra vào cuối tuần này.

Điều đáng nói là trong vụ Bahrain, mọi cân nhắc đều là về thương mại và tài chính, còn vấn đề nội bộ của Bahrain chỉ là chuyện nhỏ.

Những câu chuyện xoay quanh đề tài Bahrain trong vài ngày qua đã khiến các đội đua bị phân tán sự tập trung rất nhiều đối với chặng đua vào cuối tuần này ở Thượng Hải. Đa số các đội đều đang gây sức ép hậu trường đòi hỏi FIA phải hủy bỏ chặng đua ở Bahrain, hệt như những gì đã diễn ra hồi năm ngoái. Các cuộc biểu tình - mà phần lớn là bạo lực - của người dân Bahrain chống lại gia đình hoàng tộc chuyên quyền đang leo thang từng ngày, trong khi thế giới của F1 đang cố gắng giả vờ rằng mọi chuyện vẫn đang ổn thỏa.

Rắc rối hậu trường

Chính phủ Hoàng gia Bahrain đã xây dựng một chiến dịch marketing rầm rộ và tốn kém suốt từ năm ngoái, nhằm thuyết phục cả thế giới và đặc biệt là giới F1 rằng mùa giải 2012 sẽ hoàn toàn được bảo vệ. Cho mãi tới gần đây, chiến dịch đó đã thành công, và người ta tin rằng chặng Bahrain GP sẽ diễn ra trôi chảy.

Một bức tranh vẽ trên tường của những người biểu tình ở Bahrain với nội dung: “Hãy chấm dứt việc chạy đua trên máu của chúng tôi”

Người ta thường nói thể thao và chính trị không nên pha trộn. Thế nhưng, đây là một ví dụ sinh động cho thấy giới chính trị công khai sử dụng thể thao để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình và do đó, sự mâu thuẫn đã có ngay từ ý tưởng sơ khai. Bahrain không giống như các quốc gia đăng cai F1 khác. Người dân nước này nghèo, không được đối xử công bằng và bị thống trị bởi gia đình hoàng tộc.

Ở Bahrain, cuộc đua có ý nghĩa rất lớn. Đó là một hoạt động quảng cáo vĩ đại cho vương quốc này. Thế nhưng, kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu vào năm 2011, cuộc đua càng trở nên quan trọng hơn, bởi nó sẽ giúp cho chính phủ Bahrain chứng tỏ với thế giới rằng đất nước này đang rất ổn. Đó là lý do tại sao mọi nỗ lực đều đã được thực hiện và hàng triệu đô la đã được đổ ra, nhằm cố gắng thuyết phục mọi người càng nhiều càng tốt, rằng cuộc đua nên được tiến hành.

Ngoài ra, người ta còn thực hiện các cuộc vận động hậu trường kín đáo. Kênh truyền hình ESPN cho biết họ đã nhận được một lượng lớn email từ Bahrain khẳng định rằng giới truyền thông đang cố tình bóp méo tình hình thực tế tại đất nước này, khi liên tục đưa tin về các vụ bạo loạn. Tuy nhiên, ESPN cho hay sau một thời gian, nội dung các email này ngày càng trở nên quá giống nhau.

F1 là tiền bạc

Vai trò của ông Bernie Ecclestone là kiên định hỗ trợ việc Bahrain tổ chức cuộc đua. Không có gì sai với điều đó, ngoài ra ông Ecclestone còn có đối tác thương mại và các cam kết khác mà ông cần bảo vệ. Tuy nhiên, trong vụ Bahrain, ông dường như đã vượt qua ranh giới giữa một doanh nhân và một phát ngôn viên không chính thức cho nhà cầm quyền Bahrain. Lẽ ra, ông Ecclestone và FIA - đặc biệt là Chủ tịch Jean Todt - cần làm rõ mọi việc với chính quyền Bahrain, trước khi đưa ra các tuyên bố về tình hình nội bộ của vương quốc này.

Đáng tiếc là những ai hy vọng F1 và FIA có một lập trường riêng của họ đều đã nhầm. Trên hết thảy, đây là một tổ chức thương mại. Chính FIA đã quyết định tiếp tục chặng đua tại Nam Phi trong thời điểm gần như tất cả các môn thể thao đồng đội khác đã quay lưng lại với chế độ phân biệt chủng tộc thời đó. Và cuối cùng họ cũng hủy bỏ cuộc đua vào năm 1985 tại Kyalami, lý do hoàn toàn không phải vì lương tâm cắn rứt, mà là bởi các nhà tài trợ đã che kín mọi biểu tượng quảng cáo trên chiếc xe vì sợ bị hoen ố hình ảnh. Nói cách khác, cuộc đua bị hủy bỏ vì nếu tổ chức, ông Ecclestone sẽ lỗ.

Một lần nữa, chính các vấn đề thương mại và tài chính sẽ quyết định số phận của Bahrain GP 2012. Nếu các nhà tài trợ cho rằng quảng bá thương hiệu của mình trong bối cảnh bất ổn và bạo động tại đây là một sai lầm, nếu các tập đoàn bảo hiểm cho rằng chi ra nhiều triệu đô la để bảo vệ cho chặng đua này là quá mạo hiểm, hoặc nếu áp lực chính trị trong nội bộ F1 trở nên quá om sòm, chặng đua này sẽ bị loại bỏ.

Còn nếu ai đó muốn biện ra các lý do như đạo đức chẳng hạn, để kêu gọi hủy bỏ chặng đua, thì đừng nên phí công tìm kiếm điều đó ở F1.