Bác sĩ Tường phi tang xác bằng hóa chất?

Vụ việc bác sĩ phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng đã xảy ra nhiều tháng, nhưng đến nay, một câu hỏi vẫn day dứt là: Tại sao thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng đã xảy ra nhiều tháng, nhưng đến nay, một câu hỏi vẫn day dứt là: Tại sao thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy, dù cơ quan chức năng, người nhà nạn nhân đã dùng đủ mọi cách, cày nát cả dòng sông để kiếm tìm? Liệu lời khai của “bác sĩ tử thần” và đồng phạm có gì gian dối?

Nhật báo Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài điều tra kỳ công trả lời câu hỏi này. Chúng tôi xin đăng tải lại bài viết (đã được sự đồng ý của nhật báo Pháp luật Việt Nam) để giới thiệu vấn đề này.

Gặp gỡ những người làm nghề cải táng mộ, bàng hoàng nghe họ nói về một loại thuốc có khả năng tiêu hủy thi thể con người. Theo đó, các “phu” bốc mộ nghi vấn có thể bác sĩ Tường đã dùng một loại hóa chất tương tự, nhưng có công năng mạnh hơn, để thi thể nạn nhân xấu số phân hủy nhanh chóng dưới nước…

Có hay không loại thuốc tiêu hủy thi thể?

Có hay không loại thuốc mà những người phu bốc mộ dùng để phân hủy thi thể trong áo quan dưới sâu 3 thước đất? Ông Nguyễn Văn An (SN 1957, ngụ xóm Sủi, xã Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) người có “thâm niên” 20 năm làm nghề cải táng, khẳng định là có loại thuốc đó. Cuộc trò chuyện bắt đầu về cơ duyên đến với “nghề đặc biệt”, ông An cho biết là do “cha truyền con nối”. Tuy nhiên ngày còn trẻ, ông không mấy hứng thú với công việc được gọi là “ăn theo người chết” này. Sau khi lấy vợ sinh con, ông có thời gian dài làm thợ xây, có điều công việc nặng nhọc, kiếm chẳng bao nhiêu lại thường xuyên phải xa nhà biền biệt. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, năm 1992, ông quyết định trở về, rủ thêm mấy anh em, theo nghề phu bốc mộ. ““Người âm” cho chúng tôi “ăn lộc” hơn hai chục năm nay. Theo tôi, đây là việc liên quan đến tâm linh, mồ yên mả đẹp cho người chết, mang lại sự an tâm cho người sống, phải làm rất chu đáo, cẩn thận, tuyệt đối không thể quấy quá cho qua chuyện. Vì thế, bên cạnh là kiếm tiền duy trì cuộc sống, chúng tôi còn làm bằng cái tâm, coi đó là nghĩa cử đối với người đã khuất”.

Nửa đời làm nghề này, ông An đã chứng kiến nhiều sự kiện rợn tóc gáy mỗi khi mở nắp quan tài. Đó là nhiều thi thể thân xác vẫn còn nguyên vẹn; có mộ phát, mạng nhện hoặc dây tơ hồng giăng kín áo quan. Theo người “phu” bốc mộ này, có hiện tượng đó do ở miền Bắc hầu hết người chết đều mang ra đồng an táng. Nguồn nước ở đồng bây giờ ngấm thuốc trừ sâu, phân bón nhiều nên thi thể khó phân hủy. Ngoài ra, khi khâm liệm người ta mặc nhiều quần áo chất liệu tốt, lại bọc ni lông, nhiều tang gia không cởi dây bó xung quanh người. Thêm nữa, con người bây giờ ăn uống nhiều chất, khi ốm đau trước lúc lìa đời thường lạm dụng thuốc kháng sinh… Những điều đó khiến quá trình phân hủy xác chậm hơn bình thường. Theo phong tục tang ma cũ, cứ khoảng 3 năm là tang chủ cải táng, nhưng bây giờ phải tới 4 đến 5 năm mới làm, vậy mà có thi thể vẫn chưa tiêu hết.

Làm công việc này, những lần cải táng gặp phải thi thể chưa tiêu hết thịt là chuyện không hiếm. Những “ca” khó như thế, thường phải mất nhiều giờ đồng hồ mới làm xong. Trước đây, người làm nghề như chúng tôi phải bạo gan, dùng dao để róc thịt khỏi xương. Bởi trong cải táng mộ, phong tục là chỉ thu về phần xương mà thôi. Khủng khiếp như vậy, kẻ yếu bóng vía không làm được. Nhưng giờ thì đỡ rồi, đã có loại thuốc gọi là “thuốc chưa tiêu”, pha với nước sôi đổ vào áo quan, phần thịt sẽ tan đi hết”, ông An chia sẻ.

Nghi vấn phi tang xác bằng hóa chất

Theo người “phu” đào mộ này, “thuốc chưa tiêu” không dễ kiếm, bởi không được bày bán công khai, nhưng nếu cần, có thể mua được ở nhiều nhà tang lễ, nghĩa trang lớn tại Hà Nội. “Hóa chất này chủ yếu là để mềm và nhừ thịt còn dính vào xương. Với những thi thể chưa tiêu hết, sau khi ngâm quan tài trong thuốc khoảng vài tiếng, chúng tôi làm sẽ nhanh và dễ hơn. Khi đó phần thịt đã mềm và bở ra, thậm chí cứ đụng tay vào là tan đi như bột”, ông An kể lại cảm giác khi dùng “thuốc chưa tiêu”.

Rùng mình nghe chuyện, liên tưởng đến vụ việc bác sĩ thẩm mĩ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân. Sau bao nhiêu ngày cơ quan chức năng cũng như người nhà nạn nhân tốn bao công sức tìm kiếm, vẫn chưa thấy thi thể. Vậy có thể nào, “bác sĩ tử thần” đã dùng loại hóa chất này để ngâm xác nạn nhân sau khi chết, nhằm tiêu hủy xác, phi tang chứng cứ. Trao đổi về nghi vấn đó, ông An nhận định: “Trong công việc kiểu như tôi vẫn làm, đều tiếp xúc với các thi thể đã chôn ít nhất là 3, 4 năm dưới đất, thịt xương đã phân hủy nhiều. Tất nhiên, cũng có trường hợp đã chôn cả 7 năm, mà thi thể vẫn gần như còn nguyên vẹn. Thực ra, đó chỉ là bề ngoài, phía trong thì phần thịt cũng đã bở tương đối nhiều. Khi đó, dùng “thuốc chưa tiêu” mới hiệu nghiệm. Với thi thể như của nạn nhân bị bác sĩ phi tang, cái chết chỉ vừa xảy ra, thân xác chưa phân hủy nhiều. Vì thế, tôi không dám khẳng định dùng “thuốc chưa tiêu” có làm tan mất xác hay không”.

Tuy nhiên, theo người phu đào mộ này, ông đã từng nghe về những loại thuốc làm rã thi thể một cách nhanh chóng. Đó có thể là những loại hóa chất cực mạnh như axit chẳng hạn, mà đối với một bác sĩ, khả năng tiếp cận những loại thuốc này hẳn không mấy khó khăn. Minh chứng điều này, ông An cho biết, “thuốc chưa tiêu” những người phu mộ hay dùng là loại thuốc rẻ tiền, chỉ từ 150- 200 ngàn đồng/một gói thuốc đủ dùng trong một lần. Cõ lẽ vì rẻ nên thuốc có hoạt chất thấp, thời gian chờ sau khi tưới xuống thi thể phải vài tiếng đồng hồ. Trong khi việc bốc mộ phải theo đúng giờ giấc đã chọn của gia chủ nên nhiều trường hợp, gia chủ phải mua nhiều gói thuốc. “Có nhiều gia đình đã tưới hàng chục lít “thuốc chưa tiêu” vào áo quan. Theo tôi biết, đây không phải loại thuốc có thể mua tràn lan ở các nhà tang lễ, mà phải biết chỗ mới mua được. Để pha được số lượng đó, phải dùng rất nhiều gói thuốc “chưa tiêu”. Quả nhiên sau đó chúng tôi tiến hành cải táng, thi thể thịt đã mủn ra, chỉ việc nhặt xương ngâm rửa, rồi sắp xếp món nào ra món đó”, ông An kể về loại thuốc có công năng mạnh hơn.

Ngoài ra, “phu” bốc mộ này chia sẻ thêm nhận định trong vụ việc bác sĩ Tường phi tang xác “Nếu đúng như khai nhận, thi thể nạn nhân bị ném xuống sông. Mà theo kinh nghiệm dân gian, quá trình xác phân hủy dưới nước cũng diễn ra rất nhanh. Đặt trường hợp nạn nhân bị bọc trong túi có ngâm hóa chất, cùng với sự vận chuyển liên tục của dòng chảy, có lẽ việc thi thể nhanh chóng tiêu biến, chỉ còn lại xương khiến người nhà không tìm thấy cũng là điều dễ hiểu”.

Sau cuộc trò chuyện với người phu đào mộ, mang theo nhiều nghi vấn, PV lên đường truy tìm loại thuốc có tên là “thuốc chưa tiêu”. Hành trình này sẽ được thông tin đến bạn đọc trong số báo tiếp theo.

(Còn tiếp)

 

Thông thường, quá trình xương hóa thi thể dưới nước kéo dài từ 1- 2 tháng, nhưng cũng có thể sớm hơn. Năm 2002, một nghiên cứu đã được thực hiện tại biên giới Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để tìm hiểu về 9 xác chết trôi dạt hàng trăm km. Sau 20 ngày, chỉ 2 xác chết được tìm thấy và đã trong tình trạng phân hủy rất kinh khủng, chỉ có thể nhận dạng bằng công nghệ ADN. Còn năm 2008, một nghiên cứu khác ở nhiệt độ nước ấm hơn, 2 thi thể được tìm thấy sau 34 ngày trôi dạt đã bị xương hóa nhiều phần cơ thể, còn một thi thể trôi dạt sau 3 tháng đã bị xương hóa hoàn toàn.