2014 không chỉ là năm của những “từ lóng” lên ngôi, năm của những trào lưu được cộng đồng mạng cũng như các bạn trẻ ngoài đời hưởng ứng một cách nhiệt tình. Đây còn là năm đánh dấu sự nổi tiếng và tác động vô cùng mạnh mẽ của vài nhân vật tới đông đảo giới trẻ, cho dù họ không gắn với danh xưng hot boy - hot girl. Tại sao lại như vậy? Và họ là ai?
Nguyễn Hà Đông
Cũng đã gần một năm kể từ ngày Flappy Bird xuất hiện và gây bão trên khắp các mạng xã hội, trang tin. Còn nhớ lúc đó đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh người ta cầm chiếc điện thoại, chăm chú nhìn màn hình và cố gắng thật khéo léo đưa chú chim qua những ống nước. Biết bao người nói về nó, chơi đi chơi lại rồi chia sẻ hình ảnh trên khắp Facebook – nhưng cho tới lúc biết cha đẻ của game này là người Việt thì ai cũng há hốc miệng bất ngờ!
Trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây sốt trên toàn thế giới.
Chưa bao giờ tưởng tượng được mình sẽ trở thành một nhà thiết kế game nổi tiếng thế giới, từ trước khi Flappy Bird “gây náo loạn”, Hà Đông chỉ là chàng trai đam mê lập trình, công nghệ và hàng ngày sống với sở thích của mình mà thôi. Những ngày đầu ra mắt trên Apple Store, Flappy Bird chìm nghỉm như vô số trò chơi không danh tiếng khác. Chính Hà Đông cũng đã tweet rằng anh không làm marketing cho trò chơi này. Đến tháng 12 năm ngoái, khi những người chơi bắt đầu làm “lũng đoạn” mạng xã hội để cạnh tranh và… than vãn về chiếc điện thoại của họ, Flappy Bird bắt đầu xuất hiện ở mọi nơi và cán đích ở vị trí số 1 trên Apple Store mà không cần quảng cáo hay bất cứ bản kế hoạch nào.
Hà Đông chính là “nhân chứng sống” cho câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Học code từ năm 16 tuổi, chàng lập trình viên trẻ tuổi với khả năng vượt trội và tư duy độc lập đã kiên trì với ước mơ tạo ra một game như chính bản thân mình: bận rộn, sách nhiễu và luôn chuyển động. Đạt được sự thành công ngoài mong đợi, thế nhưng khi dư luận bắt đầu xôn xao về cha đẻ của “con chim chết tiệt” thì cũng là khi anh thấy cuộc sống của mình bị ảnh hưởng rất nhiều. Hà Đông gần như không muốn “dính dáng” gì đến truyền thông và những lời vào ra, anh cảm thấy mệt mỏi vì những phiền phức mà sự nổi tiếng mang lại và đi đến quyết định tự tay “khai tử” chính đứa con của mình.
Mọi chuyện tưởng chừng như kết thúc và "chú chim vỗ cánh" sẽ dần chìm vào quên lãng, nhưng không, người ta vẫn nói về Flappy Bird từ Reddit tới YouTube, từ công viên tới văn phòng. Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông và những con số đáng nể do game Flappy Bird mang lại khiến cộng đồng mạng trong nước, thế giới, đặc biệt là những người trẻ, đã ví von Nguyễn Hà Đông như một người "mang đến điều kỳ diệu khó tin", bởi anh đã kéo những người trẻ lại gần hơn với giấc mơ "lập trình viên triệu đô".
Phải mãi đến ngày 19/12 vừa rồi, truyền thông Việt Nam mới lần đầu tiếp cận được với Nguyễn Hà Đông. Xuất hiện với vẻ lạnh lùng, khiêm tốn, kín đáo và bí ẩn, Hà Đông đã trở thành tâm điểm trong buổi giao lưu diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam 2014. Những câu trả lời siêu ngắn gọn đã thể hiện được cá tính của cha đẻ "chú chim vỗ cánh". Thận trọng, kiệm lời, không dài dòng, không trình bày hay giải thích, nói ít, làm nhiều - đó là những gì người ta nhìn thấy được ở nhà lập trình game Việt tài năng.
Flappy Bird có thể không còn, nhưng bài học về sự theo đuổi và chinh phục ước mơ của “cha đẻ” nó chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ. Sau khi quyết định cho Flappy Bird biến mất, nhiều người hỏi Hà Đông liệu anh có tiếc, Hà Đông trả lời với niềm tin đã khiến anh tạo ra các trò chơi của mình: "Tôi làm chủ số phận mình, tôi là người có suy nghĩ độc lập".
Nguyễn Hà Đông tại buổi trò chuyện Wired BizCon tại Mỹ.
Cầu thủ Nguyễn Công Phượng
Công Phượng là một trong những cầu thủ chủ chốt trong đội hình U19 Việt Nam. Chàng trai 19 tuổi quê Nghệ An này đã có tên tuổi trong làng bóng đá từ vài năm trước, nhưng phải đến năm 2014, cái tên Công Phượng mới thực sự gây bão với hàng triệu cổ động viên Việt Nam.
Có lẽ vẫn chưa ai quên được những ngày cả đất nước nín thở cùng hướng về trái bóng trong lúc giải đấu U19 Đông Nam Á diễn ra. Đó là những ngày “chảo lửa Mỹ Đình” chưa bao giờ đỏ đến thế, là những ngày tinh thần dân tộc được đẩy lên đỉnh điểm, những ngày gần như cả nước cùng cười cùng khóc vì màu cờ sắc áo… Để làm nên một mùa giải chẳng thể nào quên như vừa qua, chúng ta không thể không nhắc đến những siêu phẩm khó tin của các cầu thủ trẻ. Và người được nhiều người nhắc đến tên nhất trong thời điểm ấy và mãi sau này chính là Công Phượng – “cậu bé vàng” của bóng đá trẻ Việt Nam.
Nói đến Công Phượng, người ta sẽ nghĩ ngay đến chủ nhân của những bàn thắng tuyệt đẹp và đầy kỹ thuật như bàn thắng solo khó tin trong trận đấu mở màn với U19 Australia, pha dứt điểm kiểu panenka - điều chỉ thường thấy ở những danh thủ đẳng cấp thế giới như Zidane, Pirlo... ở quả penalty trong trận đấu U19 Nhật Bản… Ở Công Phượng đã sớm bộc lộ những tố chất, kỹ năng cần thiết để trở thành cầu thủ xuất sắc ở tuổi 19.
Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở tài năng, điều khiến cái tên Công Phượng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người hâm mộ chính là cậu bé nhỏ con luôn nở nụ cười hiền lành với lối chơi đẹp mắt; là tinh thần chiến đấu kiên cường, không ngừng nghỉ vì hai tiếng Việt Nam hết đỗi thiêng liêng; là cách em truyền lửa cho đồng đội; là cách em thể hiện cho tất cả những người đang yêu quý em rằng “hãy tin ở U19 chúng em”…
Sẽ không quá lời khi nói Công Phượng chính là một trong nhân tố có tác động lớn đến tinh thần của cả đội bóng cũng như tạo dựng niềm tin, niềm hi vọng lớn đến thế cho người hâm mộ thời điểm đó vì chính sự nỗ lực của em. Mặc dù để thua trận chung kết, thế nhưng nhìn cách Công Phượng cùng đồng đội thi đấu đến chút sức lực cuối cùng trên sân trong sự cổ vũ của hàng triệu người dân trên cả nước – chúng ta có quyền tin rằng chàng trai này sẽ tiến xa hơn thế nữa, bóng đá Việt Nam cũng có quyền kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Đỗ Nhật Nam
Năm 2008 (chỉ mới 7 tuổi), Nhật Nam đã trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam. 10 tuổi, cậu đạt 8.0 IELTS (trong đó kỹ năng reading đạt điểm tuyệt đối), 11 tuổi, Nhật Nam được công nhận là người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam. Chỉ trong 4 năm, cậu bé này đã 2 lần ghi tên mình vào kỷ lục Việt Nam, khiến không ít người lớn phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Mới đây nhất, Nhật Nam còn là đại diện châu Á phát biểu tại hội nghị khoa học giáo dục TEDxKIDs với chủ đề khoa học về nụ cười. Hiện tại, Nhật Nam đang là học sinh trường Saint Paul, Texas, Mỹ.
Những hình ảnh đời thường của "ông cụ non" Đỗ Nhật Nam.
Nói về cậu bé này dường như hai chữ “thần đồng” là không đủ, cho dù người lớn vẫn hoài nghi về khả năng và thậm chí chỉ trích em, nhưng bằng tài năng - nỗ lực và cả bản lĩnh của mình, Nhật Nam vẫn đang chứng tỏ bản thân hàng ngày! Cứ mỗi lần biết tin em đạt được giải nọ giải kia, biết tin em lại vừa có thêm một thành công mới, cũng có rất nhiều người ủng hộ và động viên em. Thế nhưng, biết bao nhiêu luồng dư luận đã lên tiếng bất bình, thậm chí là phê phán về thái độ có phần cao ngạo của em; người ta không thích cách một đứa trẻ con lại tự tin thái quá về mình như thế; người ta cũng không thích bố mẹ em nói về con mình như thế; người ta chưa bao giờ chịu thừa nhận rằng em giỏi, em giỏi hơn rất nhiều so với lứa tuổi đang tuổi ăn, tuổi chơi.
Song Nhật Nam đã làm gì ngoài việc chỉ biết cố gắng không ngừng nghỉ và liên tiếp đạt được những thành quả mà gần như chưa có đứa trẻ nào làm được? Đó chính là cách nhanh nhất để nói rằng hai chữ “thần đồng” không hề bị sáo rỗng khi dùng để nhận xét về em. Đó cũng là điều biết bao nhiêu người lớn ngoài kia phải nhắc về em với thái độ thán phục: không chỉ là tài năng mà còn là bản lĩnh của một đứa trẻ xuất chúng – luôn luôn tiến lên rất kiên cường.
Nhật Nam trong buổi diễn thuyết TEDx tại Mỹ.