Bà Diệu Hiền trao toàn quyền cho chồng ở bệnh viện Mỹ

Theo nguồn tin riêng cho biết: Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An đã ký giấy ủy quyền cho chồng là ông Trần Văn Trí toàn quyền điều hành công ty. Thủ tục này đã được làm tại bệnh viện bên Mỹ, nơi bà đang nằm trị bệnh.

Giấy ủy quyền làm ngày 15/3, tại Bệnh viện Fountain Valley, địa chỉ 11250 Warner Avenue, thành phố Fountain Valley, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Công chứng viên Son Vo đến bệnh viện ký vào giấy ủy quyền ngày 16/3, cùng ngày có công văn, đóng dấu chuyển đến bang Massachusetts để chứng thực.

Theo một nguồn tin cho biết, nhà chức trách của bang này có công văn chứng thực ngày 2/4 và gửi toàn bộ hồ sơ đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để xác nhận.

Giấy ủy quyền từ công chứng viên đi hoàn toàn theo đường bưu điện.

Công văn của bang Massachusetts. (Ảnh: Thanh Hải)

Nội dung ủy quyền, bà Phạm Thị Diệu Hiền giao toàn quyền quyết định mọi công việc của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An cho ông Trần Văn Trí.

Cuối giấy ủy quyền có câu “Tại thời điểm công chứng, tôi cam kết là tôi trong tình trạng hoàn toàn sáng suốt và hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự ủy quyền này”. Giấy ủy quyền làm hai bản, tiếng Việt và tiếng Anh. Dự đoán, công văn sắp về tới Việt Nam.

Chữ ký trong giấy ủy quyền. (Ảnh: Thanh Hải)

Có giấy ủy quyền này là vì giấy ủy quyền làm trước khi bà ra nước ngoài chữa bệnh, không qua công chứng nên ông Trí không có đầy đủ tư cách pháp nhân đại diện cho Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, nhất là trong việc xử lý nợ.

Cũng vì thế, UBND TP. Cần Thơ có công văn, yêu cầu bà Diệu Hiền từ nước ngoài làm giấy ủy quyền có đầy đủ cơ sở pháp lý cho ông Trí giải quyết nợ, nếu không bà Diệu Hiền phải về nước để làm các thủ tục ủy quyền.

Từ đó, nảy sinh dư luận nghi ngờ thông tin bà Diệu Hiền đi chữa bệnh và thành tâm giải quyết nợ của ông Trí.

Công chứng ký tên đóng dấu. (Ảnh: Thanh Hải)

Ngày 11/4, nhiều nông dân là chủ nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) cùng nữ luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (Đoàn Luật sư TP. HCM) đến TAND TP. Cần Thơ nộp đơn yêu cầu nơi đây mở thủ tục cho Bianfishco phá sản.

Ông Tống Văn Quang, người bị Bianfishco nợ 2,3 tỷ đồng tiền cá nói rằng nếu Bianfishco phá sản thì nông dân cũng xếp vào hàng cuối trong danh sách được trả nợ. Tuy nhiên, theo ông Quang thì nếu doanh nghiệp phá sản, vụ việc sẽ được giải quyết nhanh hơn và ông vẫn tin vào sự công bằng của luật pháp.

Mang khuôn mặt còn đầy vết thương đến tòa, bà Đỗ Thị Hến, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết đã bị Bianfishco thiếu nợ hơn 1,5 tỷ đồng; sau nửa năm đi đòi nhưng đến nay công ty vẫn còn nợ trên 800 triệu đồng.

“Tài sản của gia đình tôi đã bị ngân hàng phát mãi. Ba ngày trước trên đường đi làm thủ tục để yêu cầu Bianfishco phá sản tôi bị té xe nên thương tích đầy người”, bà Hến nói với giọng đau xót.

Theo luật sư Hồng Ngân, chỉ có yêu cầu Bianfishco phá sản thì công ty mới có thể tập hợp được cổ đông và tất cả các chủ nợ của công ty để giải quyết chuyện nợ nần. Nếu tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện là trái với quy định của pháp luật.

Trả lời trong một buổi họp báo thường niên, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nói rằng các địa phương có nhã ý giúp đỡ Bianfishco hoạt động trở lại nhưng phía công ty không có người đại diện hợp pháp nên rất khó khăn.

Khi đề cập đến khả năng Bianhishco bị phá sản, ông Sơn cho biết nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì lúc đó mới có thể bàn với ngân hàng xem xét giãn nợ hay khoanh nợ cho nông dân chứ không thể xuất ngân sách hỗ trợ cho nông dân được.

Nhưng việc ngân hàng thẩm định hồ sơ rồi cho Bianhishco vay vốn là quyền của cơ sở tín dụng, chính quyền không can thiệp.

Ông Sơn cũng cho biết Thủ tướng chưa có văn bản chỉ đạo gì sau khi địa phương báo cáo tình hình nợ nần của Bianfishco.