Ngày 4/5, bà Hoàng Yến đã có đơn gửi đến UB Thường vụ Quốc hội, chính thức xin từ nhiệm. Trong lá đơn dài 2 trang, bà Yến không nói rõ lý do trực tiếp dẫn đến quyết định “xin rút khỏi Quốc hội” mà chỉ cho biết đã “mệt mỏi” vì “chịu nhiều sức ép dư luận”.
Ngày 5/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp kín, trong nội dung họp có liên quan đến vấn đề xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Trong cuộc họp này bà Yến đã không có mặt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu kín và nhất trí bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Yến, đưa nội dung này vào chương trình nghị sự chính thức tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (khai mạc ngày 21/5).
Bà Hoàng Yến trong buổi đối thoại với báo chí sáng 21/4. (Ảnh: VNE)
Theo 1 nguồn tin cho biết mặc dù bà Yến đã có đơn từ nhiệm gửi Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận.
Theo đó, một cán bộ phục vụ lâu năm tại Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội) giải thích: Theo Luật tổ chức Quốc hội, tại điều 56 có ghi “đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.
“Đại biểu Quốc hội cũng có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất” (điều 57).
“Như vậy Luật tổ chức Quốc hội không có khái niệm từ nhiệm. Đại biểu không phải là chức danh do Quốc hội bầu nên cũng không thể từ nhiệm. Trường hợp của bà Yến không thể giải quyết theo điều 57 Luật tổ chức Quốc hội là xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu, bởi bà bị cho là thiếu trung thực, không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân, nên phải giải quyết theo quy trình bãi nhiệm được quy định tại Điều 56” - vị cán bộ Vụ Công tác đại biểu giải thích.
Trước khi UB Thường vụ Quốc hội họp và quyết định bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Ủy ban MTTQ trung ương và tỉnh Long An đã đồng ý đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Yến.
Bà Yến được cho là “không trung thực”, “khai man” hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 khi không khai tên người chồng đã ly hôn đang bị truy nã và việc đã từng vào Đảng. Tuy nhiên, trong các lần trao đổi, bà Yến đều không thừa nhận việc bị quy kết “không trung thực”.