Anh, Mỹ, Pháp đưa hạm đội 6 tàu chiến đi qua eo biển Hormuz.

Anh, Mỹ và Pháp đã gửi một thông điệp rất rõ ràng đến Iran bằng việc điều 6 tàu chiến, dẫn đầu là tàu sân bay 100.000 tấn đi qua vùng biển vô cùng nhạy cảm trong thời gian gần đây.

Tàu HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh điều động trong đội tuần tiễu qua eo biển Hormuz. Ảnh ST

Việc triển khai này là một lời cảnh báo rõ ràng tới hành động đe dọa đóng eo biển Hormuz của Iran và diễn ra đồng thời với những căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Iran về vấn đề hạt nhân của quốc gia Trung Đông này.

Ngày hôm nay bộ trưởng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ ông bố lệnh cấm vận lên ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Đây có thể coi là quyết định quan trọng nhất trong hàng loạt các lệnh trừng phạt được áp đặt lên nước này gần đây và dường như các bộ trưởng cũng quyết định sẽ đóng băng một phần tài sản của ngân hàng trung ương Iran ở EU.

Tehran đã đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa. Tháng trước, Đô đốc Habibollah Sayyari, Tổng chỉ huy lực lượng Hải quân Iran đã tuyên bố rằng việc đóng cửa eo biển này là "rất dễ" và nói thêm rằng "như Iran vẫn nói, việc này còn dễ hơn cả uống một cốc nước".

Tuy nhiên, tuần dương hạm mang đầu đạn hạt nhân với công suất chở 90 chiến đấu cơ của Mỹ, USS Abraham Lincoln hôm qua đã đi qua eo biển này mà không gặp một trở ngại nào. Hải quân Hoàng gia Anh đã điều một tàu khu trục loại 23 đi cùng trong nhóm hỗ trợ chiến đấu với tàu sân bay. Một tàu tuần dương mang tên lửa hành trình và hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ cùng một tàu chiến của Hải quân Pháp hình thành một đội tàu nhỏ theo sau nhóm đầu.

Cả ba nước đều có sự hiện diện quân sự thường xuyên trên vùng Vịnh nhưng việc tuần tiễu chung với sự hợp tác hải quân của cả ba nước như lần này là rất bất thường. Đặc biệt là đội tàu nhỏ sẽ tuần tiễu cách đường bờ biển của Iran chỉ vài cây số.

Tờ Telegraph trích lời một quan chức phương tây bác bỏ mối nghi ngại rằng đây là hành động khiêu khích nhằm làm tăng áp lực lên Iran. Mục đích của hành động này chỉ đơn giản là để "thể hiện giải pháp quốc tế" nhằm bảo đảm một luồng thông thương tự do qua vùng biển có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế thế giới.

Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh đã khẳng định rằng "tàu HMS Argyll và chiến hạm của Pháp tham gia cùng nhóm tuần tiễu của Mỹ đi qua eo biển Hormuz là để nhấn mạnh cam kết vững chắc của cộng đồng quốc tế về việc đảm bảo duy trì quyền thông thương theo luật quốc tế".

Người phát ngôn này nói thêm rằng Anh duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực là nhằm đóng góp vào việc bảo đảm an ninh ở vùng Vịnh. Tàu tuần tiễu của Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu hoạt động liên tục trong khu vực kể từ năm 1980.

Tàu sân bay Abraham Lincoln đi vào vùng Vịnh là một thông điệp thách thức đáp lời cảnh báo từ Iran. Đầu tháng này, Tổng chỉ huy quân đội Iran, tướng Ataollah Salehi đã đe dọa sẽ đáp trả với "toàn bộ công lực" nếu hàng không mẫu hạm của Mỹ đi vào vùng biển khu vực. "Chúng tôi không định nhắc đi nhắc lại cảnh báo. Chúng tôi chỉ cảnh báo 1 lần mà thôi", ông này nói.

Ngay sau khi kết thúc một đợt tập trận kéo dài 10 ngày trên vùng biển tranh cãi này, quân đội Iran đã lại tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành một đợt tập trận mới mang tên "Nhà tiên tri đáng kính" vào cuối tuần này.

Một tàu hàng không mẫu hạm khác của Mỹ, USS Carl Vinson cũng đã đến vùng Vịnh và tuần tiễu quanh ở khu vực xung quanh trong vài tháng qua. Sự trở lại của tàu Abraham Lincoln có nghĩa là sự trở về chiến thuật triển khai song hạm của Mỹ trong khu vực rất nhiều năm nay.

Mỗi tàu hàng không mẫu hạm này đều mang nhiều chiến đấu cơ và có công lực tiêm kích mạnh hơn toàn bộ không lực của Iran. Sự hiện diện của hai tàu này mở rộng thêm lựa chọn đối với chính phủ các nước phương Tây trong trường hợp Iran định hành động trả đũa các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách quấy nhiễu các tàu chở dầu qua lại trên tuyến hàng hải quốc tế này.

Iran có thể sẽ thực hiện hành động này bằng cách tiến hành các đợt tấn công từ tàu chiến hoặc bắn tên lửa từ các cơ sở trên đất liền. Bất kể hành động nào cũng đều có thể thúc đẩy việc sử dụng các chiến đấu cơ trên tàu sân bay.

Tuy nhiên, các quan chức tin rằng sự cân bằng lực lượng với một bên là Mỹ và các nước phương Tây và một bên là Nga và Trung Quốc có vẻ như sẽ khiến khả năng xung đột quân sự tại eo biển Hormuz không diễn ra. Về phần mình, Iran có lợi khi loan truyền về khả năng này. Thông tin xảy ra chiến tranh tại eo biển này sẽ đẩy giá dầu tăng cao và nền kinh tế vốn đang "lận đận"của Iran chắc chắn sẽ được lợi từ nguồn doanh thu bán dầu tăng cao.

Một quan chức nói thêm rằng không chính phủ nào nên bỏ qua những đe dọa này, ý ám chỉ đến hành động ngăn trở tuyến đường hàng hải ở vùng Vịnh vào cuối những năm 80.