Theo Thạc sĩ – bác sĩ Võ Thanh Liên Anh, Trưởng Khoa Lâm sàng - Khoa Sinh sản hỗ trợ, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, đến nay nguyên nhân của căn bệnh này vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng. Tuy nhiên, có thể phát hiện ra những hậu quả biểu hiện tổn thương trên nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như da, xương khớp, thận, tim, não…Đặc trưng của bệnh thường là những đợt bệnh giảm nhẹ hoặc thoái lui và những đợt bùng phát trở lại.
Ảnh hưởng của lupus trên thai kì
Bệnh nhân (BN) bị lupus nếu có thai có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Nhất là khi có thai trong lúc bệnh lupus chưa ổn định, đặc biệt ở những BN lupus có tổn thương thận.
Nguy cơ thai lưu, sảy thai tăng gấp 25 lần so với người bình thường
Tăng nguy cơ tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng, sinh non, vỡ ối non và lupus sơ sinh
Đây cũng là những nguyên nhân khiến trước đây các bác sĩ thường khuyên BN mắc bệnh lupus không nên có thai hoặc đình chỉ thai kì. Tuy nhiên, với sự hiểu biết rõ hơn về bệnh cũng như các xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị sớm, hiệu quả, an toàn, những BN nữ bị lupus vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường. Dù vậy, cũng không nên chủ quan vì nhóm những thai kì này được xếp vào nhóm thai kì nguy cơ cao.
Những lưu ý khi quyết định mang thai
- Phụ nữ mắc bệnh lupus cần được khám và đánh giá với bác sĩ chuyên khoa cẩn thận trước khi quyết định mang thai.
- Chỉ nên có thai ít nhất 6 tháng sau giai đoạn thoái lui của bệnh lupus, sức khỏe ổn định.
- Cần đánh giá chức năng thận trước khi quyết định có thai. Nếu có thai trong thời điểm bệnh lupus tiến triển hoặc khi đang có tổn thương thận thì nguy cơ bùng phát bệnh rất cao
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn phương pháp xác định có kèm hội chứng kháng phospholipid không. Đây là hội chứng có hậu quả tăng nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu và giữa thai kì, làm thai chậm tăng trưởng, nguy cơ huyết khối động tĩnh mạch, tiền sản giật nặng…
- Các thuốc điều trị như aspirin và corticosteroids có thể tiếp tục trong thai kỳ, trái lại các thuốc như cyclophosphamide và methotrexate không được sử dụng.