Dùng đủ mọi cực hình để tra tấn nhưng không lấy được lời khai gì, giặc tàn nhẫn cưa chân ông 3 lần. Đó là câu chuyện hào hùng của thương binh Phạm Việt Hùng (SN 1950, ngụ khu vực 4, Phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Cà Mau, cha và anh trai đều tham gia kháng chiến, tháng 7/ 1965, khi vừa tròn 15 tuổi, chàng thiếu niên đã tham gia vào Đội vệ binh ban Kinh Tài - khu Tây Nam Bộ. Hai năm sau ông Hùng được biên chế về Tiểu đoàn 307.
Ngày 15/1/1969, trong trận chống càn tại Lộ Bức, ông bị thương nặng ở chân không thể đứng dậy được và lạc mất đơn vị. Suốt 6 ngày liền ông phải lết từng đoạn, vượt qua lau sậy, gai bụi. Vết thương ngày càng lở loét đến có dòi vì nhiễm trùng. Đói khát, ông uống nước sông, ăn bông lục bình để cầm hơi. Khi ông đang cố gắng lết về hướng Trà Niềng, nơi đơn vị đóng quân thì bị giặc bắt. Chúng giam giữ ông ở một nhà tù ở Cần Thơ.
Người cựu binh kể lại, giặc dùng đủ mọi cực hình để tra khảo ông. Chịu đau đớn, nhiều lần chết đi sống lại, ông không hé răng nửa lời. Giặc nhốt ông vào xà lim, đe dọa: “Mày suy nghĩ cho kĩ đi, không chịu khai, tụi tao sẽ cắt chân, sau đó đem ra chợ xử bắn”.
Vừa kéo ống quần cho khách xem, người thương binh vừa hồi ức: “Sau một trận đòn nhừ tử, tên cai ngục hỏi tôi: “Bây giờ mày có khai không? Hay để tao cắt chân”. Lúc đó vừa đau, vừa mệt, tôi chỉ trợn mắt nhìn tụi nó chứ không nói gì. Rồi chúng đè tôi ra. Tôi ngất xỉu, khi tỉnh dậy thì bàn chân phải đã không còn. Sau đó, cứ cách 9 ngày, chúng lại đến lôi tôi ra đánh đập rồi lại lấy cưa cưa chân. Tổng cộng tôi bị cưa chân 3 lần. Lần nào tôi cũng ngất xỉu vì đau đớn và mất máu”.
Biết mình không khai thế nào chúng cũng tiếp tục tra khảo, anh bộ đội nghĩ ra một kế “vẹn cả đôi đường” để vừa “có tội” để nhận, vừa không làm lộ bí mật đơn vị. Ông khai mình là học sinh, đang đi học thì có người chặn đường, đưa cho một lá thư nhờ đem đến bỏ vào gốc xoài trong khu vườn; đang đem thư đến đó thì nghe tiếng súng, bị trúng đạn rớt xuống sông, mất cả cặp sách và lá thư. Sau lời khai đó, chúng lập hồ sơ, gắn cho ông “tội” làm liên lạc cho bộ đội rồi không đánh đập nữa.
Đầu năm 1972, ông Hùng được giặc thả ra khỏi nhà tù vì vừa tàn tật vừa ốm yếu, không có khả năng lao động, phục dịch trong trại giam. Cụt mất một chân, trong người không một xu dính túi, ông bắt đầu hành trình đầy gian nan về quê.
Ông Hùng kể: “Tôi phải chống gậy gần chục cây số mới ra được đường lớn đón xe về Cà Mau. Khi lên xe, người lơ xe hỏi tiền, tôi nói vắn tắt sự việc rồi năn nỉ xin quá giang. Cũng may cậu lơ xe tốt bụng cho tôi đi nhờ, trên đường đi còn mua bánh mì cho tôi ăn.. Khi xuống xe, tôi được mọi người thuê xe chở ra bến tàu thủy. Lúc tàu chạy gần tới nhà, tôi kêu người lái tàu ghé vào bến cho tôi xuống. Thế nhưng người đó nói không được, trong vòng 20km ở sông này không thể ghé bến nào, nếu ghé vào, máy bay Mỹ ném bom chết hết. Tôi đành nhảy xuống sông, hơn nửa người ngập trong bùn, sắp chết đuổi. May có người đi đánh cá thấy được, đưa tôi lên bờ, chở về nhà”.
Vừa bước chân vào nhà, ông ngỡ ngàng nhìn thấy bàn thờ nghi ngút khói hương không di ảnh. Tưởng rằng cha hay anh trai đã hy sinh, ông lại thắp nhang khấn vái. Người chị gái vừa đi làm về, sững sờ rồi khóc òa: “Ban thờ em đó em ơi”. Thì ra trong thời gian ông bị địch bắt, đơn vị tưởng nhầm ông đã hy sinh trong trận chống càn năm 1969 nên gửi giấy báo tử về địa phương.
Không còn cầm súng xung phong giết giặc, ngày ngày ông chống nạng đi dạy vỡ lòng cho các cháu trong ấp. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ông trở lại Cần Thơ, công tác ở Sở thương nghiệp. Năm 1987, khi bước sang tuổi 37 ông mới kết hôn với bà Nguyễn Thị Phúc Hậu (SN 1962), cùng con gái sống trong hạnh phúc.