Phán xét về văn hóa cần thận trọng
“Khách Tây can thiệp vào món thịt chó, dùng cái nhìn phương Tây áp đặt vào văn hóa Việt là phí lý và không chấp nhận được”, GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Theo GS Thịnh, phong tục, tập quán mỗi quốc gia một khác, đó là đặc thù riêng. Trên thế giới không hiếm chuyện cùng một con vật nhưng nơi này ăn, nơi khác không. Ví dụ, các nước châu Âu ăn thị bò, một số nước châu Á không ăn. Món thịt chó, thịt ngựa... cũng như vậy.
Nguyên tắc của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) là tôn trọng chủ thể văn hóa. Ông Thịnh khẳng định: “Ăn thịt chó hay không là quyền riêng của người Việt. Nếu người Việt nhận thức rằng không nên ăn, tự người Việt dừng. Không có bất cứ người nước ngoài nào có quyền can thiệp”.
Ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, đặt câu hỏi: Ăn thịt chó ảnh hưởng gì đến đạo đức? Người nước ngoài can thiệp là không tôn trọng đa dạng văn hóa. Món ẩm thực thịt chó phổ biến không chỉ Việt Nam mà có ở một số nước châu Á khác.
“Quan điểm của tôi, phải chấp nhận bản sắc, sự khác biệt văn hóa. Nói người Việt ăn thịt chó là dã man không đúng”, ông Bài nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS – người nhiều năm huấn luyện chó nghiệp vụ và có tình cảm rất gắn bó với loài vật nuôi này cũng không đồng tình với nhận xét: Ăn thịt chó là kém văn minh. "Người Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng ăn thịt chó, không lẽ họ kém văn minh? Phán xét về văn hóa cần thận trọng".
Rất nhiều khách nước ngoài cho rằng việc ăn thịt chó của người dân các nước châu Á là dã man
Thịt chó – Văn hóa ẩm thực
Ông Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam cho rằng, thịt chó là món ăn ngon, có nhiều đạm, được người Việt ưa thích. Mặc dù ông chưa đọc thấy tài liệu nào nói thịt chó có từ bao giờ, nhưng chắc chắn “nó” đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Thịt chó không chỉ là món ăn thường ngày trong mâm cơm, mà còn có những địa điểm, nhà hàng phục vụ riêng một món này. Tóm lại, theo ông Bài: “Món thịt chó là văn hóa ẩm thực, không cần bàn cãi nhiều”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ đã phân chia ba cách ứng xử với món thịt chó. Kiểu thứ nhất (trong đó có ông): Không ăn thịt chó; Kiểu thứ hai: Không ăn thịt chó nhà mình nuôi, nhưng vẫn ăn ở nơi khác; Và kiểu thứ ba: Chó nhà hay chó người cũng ăn hết.
“Thông thường, con người ta nuôi con vật gì, có thể ăn thịt con nấy. Đương nhiên, trong quá trình nuôi con vật tình cảm sẽ nảy sinh, người ta sẽ không ăn thịt con vật đó. Con chó thường gần gũi nên nhiều người đã không ăn, đó cũng là lý do bản thân tôi không ăn thịt chó”, ông Hà cho biết.
Ông Hà dự đoán rằng, xã hội càng phát triển, nhu cầu ăn uống của con người không bức thiết, sẽ nghĩ đến chuyện nên ăn gì và không nên ăn gì. Có thể, con chó gần gũi với người sẽ là loài động vật được người Việt ta dần đưa ra khỏi thực đơn.
Còn GS Ngô Đức Thịnh không đồng tình quan niệm chó là “người bạn thân thiết". Bởi “thân thiết” hay không là ở mỗi cộng đồng, con người cảm thấy. Không phải ở châu Âu coi chó là bạn, Việt Nam cũng phải coi là bạn.
GS Thịnh liên hệ với “lễ hội dã man”, đâm trâu, chém lợn ở nước ta. Theo ông Thịnh, “lễ hội dã man” là cách người bên ngoài gọi. Bản thân người trong cuộc không coi đâm trâu, chém lợn là dã man.
“Những động vật được con người thuần hóa từ chỗ hoang dã làm thức ăn, trong đó cũng có mỗi quan hệ tạm gọi là có tình cảm nhưng không phải giống như con người với con người”, Vị GS từng đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Văn hóa cho biết.
Theo ông Thịnh, chúng ta vẫn ăn thịt chó bình thường, không quan trọng người nước ngoài nghĩ thế nào.