Cảm giác này không phải do bát bún ăn sáng nhiều chất mà qua tìm hiểu đó chính là do bún có sử dụng hóa chất.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày xưa người dân ăn bún dễ tiêu vì gạo được ngâm xay thành bột. Còn ngày nay, quy trình làm bún khó kiểm soát hơn bởi người làm ngâm ít gạo, pha thêm bột cho dai, thêm chất bảo quản như foocmon hay hàn the. Chính các chất này khiến người ăn bị no giả tạo, khó tiêu. "Foocmon là chất chống tiêu diệt vi sinh vật giúp bún không bị chua khi bảo quản, còn hàn the là chất vừa chống vi sinh vật vừa làm bún dai. Đôi khi người dùng cho cả hai chất này vào bún cùng lúc", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích.
Theo cử nhân Nguyễn Đăng Nguyên, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khả năng bún làm người no giả tạo lâu có thể do sử dụng chất fomandehit. Chất fomandehit còn được gọi theo tên thương phẩm là foocmalin hay focmon. Fomandehit là chất dễ dàng kết hợp với protein, thường là thành phần của các loại thực phẩm, tạo thành các hợp chất bền không thối rữa, không ôi thiu nhưng lại rất khó tiêu hóa. Vì có khả năng trên nên fomandehit được sử dụng để bảo quản các loại thực phẩm như bánh phở, hủ tiếu, giò chả... Chất này được dùng trong bia nhằm mục đích chống cặn vì giá thành thấp.
Trong cơ thể, fomandehit kết hợp với các nhóm amin hình thành dẫn xuất bền vững với các men phân hủy protein làm ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Chính vì thế, thực phẩm như giò, bún... khi có chất độc này người tiêu dùng ăn vào sẽ có hiện tượng no giả tạo. Về lâu dài, chất này có thể làm cơ thể có nguy cơ ung thư, nếu ở nồng độ cao.
Theo các chuyên gia, bún có hóa chất khó phát hiện bằng mắt thường nhưng bằng cảm giác khi ăn và bảo quản. Bún ngon sẽ có sợi mềm, để từ sáng đến chiều sẽ có mùi chua. Muốn bảo quản phải nhúng qua nước sôi, để nguội, cho vào hộp kín cất vào ngăn mát tủ lạnh. Trong khi đó, bún có hóa chất sẽ có dấu hiệu cứng đanh, không chua dù để cả ngày.