Án phạt nào cho thanh niên đổ nước vào miệng bé gái 7 tháng đến chết rồi phi tang xác?

Theo quan điểm của Luật sư, TS Đặng Văn Cường, hành vi sát hại bé gái của Hồng là vô cùng tàn nhẫn, mất tính người nên hắn có thể phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình.

Hành vi tàn nhẫn mất tính người

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Hồng (23 tuổi, trú TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) để điều tra về các hành vi "Giết người" và "Cố ý gây thương tích".

Hồng chính là kẻ đã sát hại cháu N.M.T.K. (sinh ngày 5/4/2021 - con riêng của người tình).

Chân dung đối tượng Nguyễn Văn Hồng. Ảnh: T.T

Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, Luật sư, TS Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi sát hại bé gái 7 tháng tuổi của Hồng là rất tàn nhẫn, mất tính người nên đối tượng này sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Theo TS Cường, với thông tin ban đầu về vụ việc này thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố Hồng về tội "Giết người" theo Điều 123 BLHS và tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 BLHS (do hành vi đánh gãy tay cháu bé trước đó) để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi "Không tố giác tội phạm" của Trần Đ. (24 tuổi, ngụ tại Châu Phú A, TP Châu Đốc) và hành vi xâm phạm thi thể của cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn với hành vi giết người, Nguyễn Văn Hồng sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 123 BLHS năm 2015 như "Giết người dưới 16 tuổi", "Vì động cơ đê hèn" hoặc "Có tính chất côn đồ", "Thực hiện tội phạm một cách man rợ" nên hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt cao nhất là tử hình.

Nếu kết quả điều tra cho thấy vì lý do nhỏ nhặt mà Hồng đã thực hiện hành vi giết người thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Có tính chất côn đồ".

Còn trường hợp giết người do ích kỷ, bội bạc, phản chắc thì sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng là "Vì động cơ đê hèn".

Hành vi giết cháu bé 7 tháng tuổi là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Giết người dưới 16 tuổi"(giết trẻ em).

Còn đối với hành vi đổ nước vào miệng cháu bé gây ra đau đớn thể xác cho nạn nhân trước khi chết có thể được xác định là "Thực hiện tội phạm một cách man rợ".

"Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy thì có thể đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Đáng lẽ đối tượng phải yêu thương, chăm sóc, quý trọng cháu bé, cùng với mẹ cháu bé nuôi dậy cháu khôn lớn, trưởng thành.

Tuy nhiên không những không có tình cảm yêu quý cháu bé mà hắn lại ghen ghét, đố kỵ và tìm cách tấn công, sát hại cháu bé. Hành vi có thể được xác định là ích kỷ, bội bạc nên sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc....", TS Đặng Văn Cường bày tỏ.

TS Cường cho biết thêm, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì trước khi thực hiện hành vi "Giết người", Hồng đã nhiều lần đánh đập cháu bé khiến bé gãy tay.

Quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy bé bị gãy tay, dấu vết để lại phù hợp với lời khai về hành vi đánh đập nạn nhân thì có căn cứ để xử lý đối tượng thêm một tội danh nữa là tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 BLHS năm 2015.

Mức hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ thương tích để lại trên cơ thể cháu bé.

Trường hợp Nguyễn Văn Hồng bị kết án về hai tội mà hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì hình phạt chung của hai tội danh này sẽ được áp dụng là tù chung thân hoặc tử hình

Bởi vậy tội "Cố ý gây thương tích" chỉ làm tăng lên mức độ nghiêm trọng đối với hành vi phạm tội của đối tượng gây án, mức hình phạt chung có thể sẽ áp dụng bằng mức hình phạt của tội "Giết người".

"Phê" ma túy khi giết người vẫn lĩnh án?

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì trước khi thực hiện hành vi giết người, cả ba đối tượng là Hồng và M. (mẹ cháu K.) đều sử dụng trái phép chất ma túy.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng thực hiện hành vi giết người trong tình trạng không nhận thức được hành vi do ảo giác từ chất ma túy thì Hồng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" bởi BLHS năm 2015 quy định hành vi sử dụng rượu, bia, chất cấm sau đó thực hiện hành vi phạm tội thì không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi mà không nhận thức được hành vi của mình do bệnh lý thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp mất năng lực hành vi dân sự do sử dụng rượu bia, ma túy hoặc các chất cấm khác thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả mà hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi và vai trò của mẹ cháu bé. Để xác định người này có bị xử lý với vai trò đồng phạm hay không.

"Đồng thời hành vi mang xác cháu bé đi chôn dấu là hành vi rất bất thường, cơ quan điều tra sẽ đấu tranh đối với các đối tượng về hành vi này để xác định vai trò đồng phạm cũng như xác định hành vi che giấu tội phạm, xâm phạm thì thể của cháu bé.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết...", TS Cường nói..

Đây không phải là vụ án đầu tiên người tình sát hại con riêng của vợ. Trước đó đã có nhiều vụ án tương tự xảy ra, trong đó có thể kể đến vụ án xảy ra tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Đối tượng là mẹ đơn thân nhưng chung sống như vợ chồng với đối tượng nghiện ma tuý, sau đó cùng sử dụng trái phép chất ma túy. Cứ mỗi lần sử dụng trái phép chất ma túy thì các đối tượng lại đánh đập, hành hạ cháu bé, cuối cùng hậu quả cháu bé tử vong.

"Lối sống sa đọa đã khiến các đối tượng có suy nghĩ và hành động lệch lạc, xâm phạm đến thân thể, tính mạng của trẻ em.

Trong lúc lên cơn ngáo đá, chúng rất dễ dàng có thể thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của các cháu bé.

Bởi vậy qua những vụ án như thế này sẽ là những bài học cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ và đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa tội phạm.

Những suy nghĩ, hành động thiếu chín chắn, lối sống buông thả, sa ngã của những bậc làm cha, làm mẹ có thể tạo ra một môi trường thiếu an toàn, không lành mạnh và có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, tạo ra môi trường không tốt cho sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em...", TS Cường đưa ra lời cảnh tỉnh.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 10/2021, Hồng quen biết và chung sống như vợ chồng với N.T.M, sinh năm 1992, trú tại khóm 3, phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc).

Trong thời gian sống chung, mỗi khi thấy cháu N.M.T.K, sinh ngày 5/4/2021 (con riêng của M.) khóc, Hồng tỏ ra bực tức nên đã nhiều lần hành hạ và làm gãy tay cháu.

Khoảng đầu tháng 11/2021, sau khi Hồng cùng M. và Đ., sinh năm 1997, trú tại phường Châu Phú A, sử dụng ma túy xong, Hồng nói M. mang điện thoại của Hồng qua hàng xóm sạc nhờ.

Sau khi M. vừa đi, Hồng ở nhà dùng nước đổ vào miệng cháu K. khiến cháu tử vong tại chỗ. Lúc này, Đ. đứng gần đó thấy nên đã xô Hồng ra và nói: "Con nít người ta mà mày làm gì kỳ vậy", Hồng trả lời: "Khóc hoài".

Sau đó, Hồng lấy chanh nặn vào miệng cháu K. để đánh lừa M. khi hỏi lý do K. tử vong khi M. quay về nhà phát hiện con đã chết. Lúc này, Hồng bàn đem đi thiêu nhưng M. không chịu do nghi ngờ Hồng đã giết con mình.

Đợi đêm vắng, Hồng cùng M. cho xác cháu bé vào túi du lịch rồi đem ra bờ kè Công viên 30.4 thuộc phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc), chôn để phi tang.