Người giúp sức kêu oan
10 năm đi kêu oan, người giúp đỡ bà Nguyễn Thị Chiến nhiều nhất là ông Thân Ngọc Hoạt (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang). Trong suốt quãng thời gian này, ông Hoạt đã giúp đỡ bà Chiến rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nhớ lại lần đầu tiên vào trại thăm ông Nguyễn Thanh Chấn trong thời gian tạm giam, ông Hoạt đã nói với ông Chấn rằng: “Nếu em có tội thì hãy khai nhận trung thực với cơ quan điều tra để được hưởng lượng khoan hồng”.
“Khi tôi nói như vậy, Chấn đột nhiên khụy xuống dưới chân tôi thốt lên rằng: anh mà cũng nghĩ em làm chuyện đó à. Nên tôi tin tưởng Chấn không làm chuyện động trời đó và tôi bắt đầu giúp bà Chiến đi kêu oan cho chồng” ông Hoạt nhớ lại.
Khi tòa xử xong ông Hoạt xin bản cáo trạng Viện KSND, kết luận của cơ quan CSĐT để nghiên cứu và tìm cách minh oan cho ông Chấn.
Một trong những công việc đầu tiên ông Hoạt làm là gặp những người có mặt tại nhà ông Chấn, trùng với thời gian gây án mà kết luận điều tra nêu. Thời điểm đó, có ông Thực (cùng thôn Me) sang sử dụng dịch vụ gọi điện thoại bàn tại nhà ông Chấn. Ban đầu ông Thực không nhận cũng không làm chứng là đã có mặt tại nhà ông Chấn thời điểm gây án.
Ông Hoạt lại lặn lội đến bưu điện xin bảng kê những cuộc gọi thực hiện trong tháng 8 của gia đình ông Chấn để đối chiếu. Khi ông Hoạt mang được bảng kê về, chứng minh có cuộc gọi đi mà ông Thực đã thực hiện trong khoảng thời gian trên, ông Thực mới kí vào biên bản xác nhận là có mặt tại nhà ông Chấn và chính ông Chấn là người bấm điện thoại cho ông Thực gọi.
Bà Chiến (người nằm) đổ bệnh sau thời gian dài đi kêu oan cho người chồng bị ghép tội giết người
Kẻ thủ ác lộ diện
Riêng về bà Chiến, 10 năm ròng đi kêu oan cho chồng đã lấy đi của bà không ít sức lực và tốn kém đủ bề. Sự kiên trì của bà khiến nhiều người trong thôn xóm nể phục. Mấy năm gần đây, bà Chiến đổ bệnh, con cái vất vả đưa bà đi chạy chữa ở bệnh viện quân đội 108 (Hà Nội). Khi sức khỏe dần ổn định, bà tiếp tục hành trình đi giải oan cho chồng mình.
Một mình gánh vác trọng trách gia đình, lo lắng cho con cái chuyện chồng con trọn vẹn, bà Chiến vẫn âm thầm viết đơn thư cầu cứu nhiều nơi, với một mong muốn rửa được tiếng oan cho chồng mình.
Thời gian gần đây, xuất hiện một số chi tiết nghi vấn khiến bà Chiến và mọi người trong gia đình lưu tâm, hướng sự nghi ngờ vào Lý Nguyên Chung (người vừa ra đầu thú tại cơ quan công an). Một số lần, người nhà gia đình Lý Nguyên Chung đi qua cửa hàng tạp hóa bà Chiến nói: “Ông Chấn bị oan quá bà Chiến ơi” rồi đi khuất mà không nói gì thêm.
Một số manh mối được bà Chiến thu thập, bà kiên trì điều tra các thông tin liên quan đến Lý Nguyên Chung mà bà được biết. Theo một số người dân, gia đình ông Nguyễn Văn Chức (bố đẻ Chung) và bà Nguyễn Thị Lành thời gian gần đây có xảy ra mâu thuẫn, trong lúc tranh cãi đã để lộ ra một số chuyện liên quan đến Lý Nguyên Chung và vụ án 10 năm về trước. Một số người làng nghe được câu chuyện trên đã kể lại cho gia đình bà Chiến.
Thêm một số lý do khiến bà Chiến và các thành viên trong gia đình nghi ngờ Lý Nguyên Chung là thủ phạm giết hại chị Hoan đó là việc người này bất ngờ biến mất khỏi địa phương sau khi vụ việc xảy ra. Hơn nữa, Chung là người địa phương khác đến sinh sống tại thôn Me nên thời điểm năm 2003 Chung biến mất khỏi địa phương đã không gây ra bất cứ sự nghi ngờ nào.
Ông Chấn được tạm tha sau 10 năm chịu án tù
Người chịu án oan từng định tự tử
Đối với ông Nguyễn Văn Chấn, không thể diễn tả được niềm vui ngày trở về với gia đình sau 10 năm ở tù. Khoảng thời gian trong tù là những ngày đen tối, khổ tâm nhất cuộc đời ông. “Có những lúc chán nản, tuyệt vọng, kêu oan nhưng không ai thấu, tôi đã rút giây quần đùi quấn vào bàn chải đánh răng để siết cổ tự tử nhưng các bạn tù đã kịp ngăn lại” ông Chấn nhớ lại.
Ngồi lại chia sẻ những ngày tháng trong tù, ngoài thời gian ngủ, còn lại ông đều nhớ về mẹ già, vợ và các con của ông. Ông chỉ mong sớm được minh oan để đoàn tụ cùng gia đình, nhưng đằng đẵng suốt 10 năm qua, nỗi hàm oan không được giải, ông đã phải chịu án thay kẻ giết người đang nhởn nhơ ngoài vong pháp luật.
Trưa 5/11, sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên, ông Chấn ngồi kể lại những tháng ngày đau khổ phải ngồi “bóc lịch” trong tù.
Khi được hỏi: “Tại sao khi làm việc với công an, ông lại nhận mình là hung thủ. Đến khi ra tòa, ông lại một mực kêu oan?”, ông Chấn cho biết, do bị ép cung nên ông bắt buộc phải nhận tội.
Ông Chấn nói thêm, trước đó chỉ quanh quẩn trong làng làm ăn kinh tế, không đi ra ngoài xã hội, không tiếp tiếp xúc nhiều, nên khi vào tù đã rất sợ.